.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Lòng yêu nghề của nữ bác sĩ trẻ

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Huế chuyên ngành đa khoa, năm 2010, nữ bác sĩ Trần Bảo Ngọc được tiếp nhận làm việc tại Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vệ sinh phòng dịch, thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng. Tính chất công việc của khoa vốn luôn vất vả và tất bật với nhiều diễn biến “nóng”; bởi từ năm 2009 đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Trong đó, các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm A/H1N1, SARS, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết… liên tục tăng cao, có lúc lây lan, bùng phát mạnh khiến cho công tác phòng dịch phải tập trung cao độ mới mong ngăn chặn được dịch. Các cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vệ sinh phòng dịch phải liên tục tỏa xuống cơ sở nắm tình hình và chỉ đạo công tác chống dịch, xử lý môi trường tại các khu dân cư, tổ dân phố. Trong những lúc như thế, bác sĩ Trần Bảo Ngọc mặc dù rất trẻ nhưng đã thể hiện sự can đảm, yêu nghề, không ngần ngại xông pha và thường xuyên tiếp xúc với môi trường lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm. Công việc cứ cuốn hút đến nỗi những ngày thứ bảy, chủ nhật, bác sĩ Ngọc vẫn thường xuyên chạy xe máy đến những vùng núi, vùng xa của thành phố để ghi nhận các nhóm ca bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết có dấu hiệu bùng phát theo điều động của lãnh đạo trung tâm.  

Những tuần cao điểm, toàn thành phố ghi nhận từ 80 đến 100 trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh tay-chân-miệng, công việc của bác sĩ Ngọc khi đó còn gắn với vai trò chuyên gia tư vấn bệnh cho những người mẹ có con nghi mắc bệnh đang khám và điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi thành phố. Nhiều bà mẹ có con ốm khi đến gặp bác sĩ Ngọc được chỉ dẫn cụ thể cách vệ sinh phòng bệnh rất đơn giản trong sinh hoạt mà lâu nay họ không để ý tới. Bác sĩ Ngọc còn tham gia công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ và Bệnh viện Đà Nẵng. Ngoài ra, chị là khách mời thường xuyên của  các chương trình trực tiếp về y tế, sức khỏe trên đài truyền hình nhằm tư vấn, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Tuy tận tâm và hết mình vì công việc, nhưng những lúc nghe thông tin và trực tiếp chứng kiến những trường hợp tử vong do bệnh quá nặng và điều trị muộn, trái tim người nữ bác sĩ lại quặn thắt vì đau xót…

Bên cạnh tham gia công tác phòng, chống dịch, đầu năm 2012, bác sĩ Trần Bảo Ngọc đảm nhiệm thêm vai trò thư ký Chương trình tiêm chủng mở rộng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia tại thành phố Đà Nẵng. Chị là người trực tiếp lập kế hoạch, báo cáo và chỉ đạo việc thực hiện chương trình từ tuyến thành phố đến tuyến xã, phường; làm việc với các bệnh viện, cơ sở y tế có khoa Sản để triển khai về việc tăng cường tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ em sơ sinh; tổ chức tập huấn an toàn tiêm chủng; giám sát các điểm tiêm chủng vào các ngày tiêm chủng hằng tháng; tiếp nhận thông tin và phối hợp điều tra các trường hợp phản ứng bất thường sau tiêm chủng. Ngoài ra, Bảo Ngọc còn trực tiếp tham gia khám phân loại, tư vấn cho khách hàng tại Trung tâm Y tế dự phòng. Sự nỗ lực rất lớn của bác sĩ Ngọc đã góp phần không nhỏ vào kết quả bảo đảm 100% trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn thành phố được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh hằng năm. Cũng nhờ đó mà hơn 5 năm qua, tình trạng sốc và phản ứng phụ sau khi tiêm chủng tại các Trạm y tế và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng như các bệnh viện không xảy ra.

Giữ gìn và phát huy y đức cao đẹp của cán bộ y tế, đặc biệt là thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người thầy thuốc: “Lương y phải như từ mẫu”, trong công việc của mình, bác sĩ Trần Bảo Ngọc luôn cố gắng tiếp xúc với người bệnh và người dân với thái độ thân thiện, nhẹ nhàng. Chị luôn dành sự đồng cảm, biết lắng nghe và tư vấn tận tình qua điện thoại kể cả ngoài giờ hay ngày nghỉ. Nữ bác sĩ trẻ Trần Bảo Ngọc cũng đã nhiều lần xung phong hiến máu tình nguyện với mục đích chia sẻ giọt máu hồng để cứu người bệnh qua cơn thập tử nhất sinh. Bước qua tuổi 27, bác sĩ Trần Bảo Ngọc đang khẳng định năng lực của mình thông qua công việc với sự cống hiến trong âm thầm, lặng lẽ…

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.