Lần đầu tiên đến với Trường Sa, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự phát triển ở nơi đây. Hạ tầng đường sá, trường học, trạm y tế, hệ thống điện gió… đã vẽ nên một bức tranh sầm uất của vùng đất nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Trường Sa hôm nay là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt của vùng đất thiêng liêng này cùng sự can trường của bao thế hệ quân và dân nơi đây.
Nhìn những ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên bầu trời Trường Sa trong xanh và lộng gió, chúng tôi càng tự hào hơn về đất nước, về những người con Việt Nam đã không ngại khó khăn, gian khổ để đấu tranh gìn giữ độc lập, chủ quyền Tổ quốc.
|
Thị trấn Trường Sa, thủ phủ của huyện đảo, đang ngày càng thay da đổi thịt. Đây là đảo duy nhất có cầu cảng lớn để tàu thuyền cập bến mà không cần xuồng trung chuyển. Cùng với trụ sở UBND thị trấn Trường Sa và trụ sở UBND huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) khang trang, hiện đại, trên đảo còn có nhiều công trình văn hóa, dân sinh quan trọng như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, nhà khách Thủ đô, chùa Trường Sa, sân bay Trường Sa, Trạm khí tượng hải văn (thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ), Nhà đèn đảo Trường Sa (Hải đăng), trạm thu phát tín hiệu truyền hình, trạm tiếp sóng điện thoại di động, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa... Giữa Biển Đông gió lộng, thị trấn Trường Sa nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung. |
|
Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, người lính Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió luôn chắc tay súng, vững niềm tin, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc. |
|
Bên cạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, việc trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản tại các đảo ở Trường Sa luôn được duy trì để đảm bảo đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. |
|
Thượng tá Phạm Văn Hòa, nguyên Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Ban chỉ huy đảo thường xuyên chăm lo, giúp đỡ gia đình cán bộ, công chức, nhân dân an tâm sinh sống trên đảo; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động khám chữa bệnh, khuyến khích học sinh chăm ngoan, học giỏi, động viên chị em thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình… Nhờ đó, quần đảo Trường Sa đã và đang phát triển toàn diện như những địa phương khác trên cả nước. Tình quân - dân trên vùng đảo tiền tiêu này vì thế cũng ngày càng thêm gắn kết. Trong ảnh: Người lính biển và công dân nhí trên đảo Trường Sa. |
|
Đã có những em bé được sinh ra và lớn lên trên đảo và đây chính là sự tiếp nối của bao thế hệ con Lạc cháu Hồng trên vùng Biển Đông mênh mông sóng nước. |
|
Ở Trường Sa, các đảo chìm là nơi thử thách ý chí, sự kiên cường của những người lính biển. Không một bóng cây xanh, chỉ có sóng, gió, san hô. Mùa khô một giọt nước ngọt quý như máu, mùa mưa bão sóng gió chồm lên như muốn nhấn chìm cả điểm đóng quân. Từ những cơ sở đơn sơ ban đầu, các đảo chìm giờ đã được xây dựng và củng cố vững chắc. Trong ảnh: Đảo Đá Tây A về đêm. |
|
Trên các đảo chìm, rau xanh được trồng từ những mái hiên hay trong hộp xốp, thùng gỗ. Nước tưới cho rau được tận dụng lại từ nước sinh hoạt, tắm rửa hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ. Nhưng bằng sự chịu thương, chịu khó, biết cách chinh phục khí hậu khắc nghiệt giữa bốn bề sóng nước, bàn tay của người lính biển đã ươm những vườn rau xanh tốt, góp phần nâng cao đời sống của bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Trong ảnh: Vườn rau ở đảo Đá Đông A. |
|
Quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng trên các đảo: Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết. Những ngọn đèn được gìn giữ bởi tình yêu Tổ quốc của những người “lính nhà đèn” không chỉ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, góp phần phát triển kinh tế biển mà còn thắp sáng chủ quyền trên biển của Việt Nam. Trong ảnh: Ngọn hải đăng đảo Đá Tây. |
|
Từ năm 2010, hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời đã được lắp đặt ở tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa vừa giúp phát triển kinh tế của huyện đảo, vừa tạo thuận lợi cho cuộc sống của quân và dân nơi đây. Sự hoàn thiện của hệ thống điện sạch là một bước tiến lớn đưa Trường Sa lên một bước phát triển bền vững. Ánh đèn khiến các hòn đảo lung linh như những viên ngọc giữa Biển Đông. |
|
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế biển ở Trường Sa đã được thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá (DVHC), hay các âu thuyền… được ưu tiên nhằm hỗ trợ ngư dân đánh bắt thuận lợi, an toàn. Riêng âu thuyền ở đảo Đá Tây có sức chứa trên 2.000 tàu cá, là nơi trú bão an toàn cho tàu thuyền trên Biển Đông. Ông Nguyễn Tấn Đạt, thuyền viên trên tàu cá Phú Yên PY-91025TS, cho biết: “Từ ngày có Trung tâm DVHC nghề cá ở đảo Đá Tây, mỗi chuyến vươn khơi, chúng tôi tiết kiệm từ 50-70 triệu đồng”. Trong ảnh: Bộ đội Hải quân dẫn đường cho tàu thuyền ra vào âu thuyền đảo Đá Tây. |
|
Dẫu phải vượt qua hàng nghìn hải lý nhưng mỗi năm, Quân chủng Hải quân đều tổ chức các chuyến tàu chở người thân của lính đảo và các đoàn khách đến thăm, tặng quà cho quân và dân các đảo ở quần đảo Trường Sa. Nhờ vậy, khoảng cách giữa Trường Sa với đất liền như gần hơn, thân thuộc hơn trong trái tim hàng triệu triệu người con đất Việt. Trong ảnh: Hành quân từ tàu HQ 561 vào đảo chìm Đá Tây B. |
ĐẶNG NỞ