.

Gieo chữ Việt trên đất Lào

.

Ở các tỉnh Nam Lào đang có một thế hệ thanh niên, học sinh Lào yêu thích và đam mê học tiếng Việt. Để chữ Việt “bay xa” trên đất nước Triệu Voi, nhiều cô giáo, thầy giáo ở Đà Nẵng lặng lẽ, âm thầm tình nguyện xa quê hương làm nhiệm vụ gieo chữ.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến thăm Trường Hữu nghị Việt Nam - Lào ở tỉnh Sê Kông tháng 11-2012.                Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến thăm Trường Hữu nghị Việt Nam - Lào ở tỉnh Sê Kông tháng 11-2012. Ảnh: Việt Dũng

Âm thầm gieo chữ

Dù chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc hành trình 33 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nhưng cô Trần Thị Năm, giáo viên Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê, quyết tâm tình nguyện sang Lào để dạy tiếng Việt theo chương trình hợp tác về giáo dục mà chính quyền thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Nam Lào ký kết. Trung tâm tiếng Việt tại tỉnh Savannakhet, nơi cô Năm đến ở nội trú 1 năm để dạy tiếng Việt, là một cơ sở mới được Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng cho phía bạn. Những ngày chân ướt chân ráo trên đất nước Triệu Voi, cô Năm cảm nhận thử thách về sự cách trở địa lý, phong tục tập quán, ngôn ngữ và ngay cả thức ăn ở Lào cũng khiến người giáo viên đứng tuổi này bỡ ngỡ. Nhưng với bản lĩnh của một nhà giáo dày dạn kinh nghiệm, cô Năm luôn vững tin thể hiện năng lực của mình để truyền đạt kiến thức cho học sinh Lào hiệu quả nhất. Học trò cô Năm, có người chuẩn bị sang Việt Nam để làm nghiên cứu sinh, có người sắp đi du học, cũng có rất nhiều học sinh đang học bậc THCS, THPT nhưng thích học tiếng Việt vì mong ước sau này được học tại các trường đại học ở Việt Nam.

“Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã khó, nhưng đối với người Lào thì khó khăn hơn bởi cách phát âm và ngữ pháp của tiếng Việt và tiếng Lào hoàn toàn khác biệt. Khi dạy, miệng giáo viên vừa phát âm nhưng cơ thể phải làm rất nhiều động tác tạo hình, thậm chí phải thể hiện bằng hình vẽ trên bảng để học sinh dễ hiểu hơn”, cô Trần Thị Năm tâm sự.

Ở tỉnh Champasak, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, Trường THCS Nguyễn Bá Chánh, quận Ngũ Hành Sơn, được điều động đến bản Chat San, một nơi khá xa trung tâm thị xã Pakse để dạy học. Nơi đây vẫn còn là một vùng quê nghèo, hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Một mình là người Việt, suốt ngày tiếp xúc với người dân bản địa nên nỗi nhớ nhà đối với một người mẹ, người vợ luôn da diết trong tâm hồn người phụ nữ. Cô Minh chia sẻ: “Có thời điểm đông học viên, một ngày phải dạy 3 ca. Giảng bài khàn cả giọng, nhưng bù lại học sinh, sinh viên Lào rất chịu khó và thương yêu thầy cô giáo. Có bữa, vừa hết giờ lên lớp, học trò níu tay mời cô giáo về nhà ăn cơm. Mình không nỡ từ chối”.

Riêng đối với thầy giáo Đặng Văn Huê, việc tình nguyện sang nước bạn dạy tiếng Việt là điều cảm phục. Gia đình thầy Huê thuộc diện khó khăn, vợ là công nhân, con chỉ mới 2 tuổi nhưng tạm gác lại những khó khăn ở quê nhà, thầy Huê chứng tỏ được phẩm chất cao đẹp của người thầy giáo tận tâm, yêu nghề và vượt khó. Thầy Huê cho biết, thời gian đầu thấy rất buồn vì ngôn ngữ xa lạ nên nhiều học viên bỏ học giữa chừng. Nhưng sau đó, nhờ chịu khó học tiếng Lào để có thể giao tiếp nên thầy Huê đã thu hút tất cả học viên trở lại lớp.

Học sinh Lào học tiếng Việt.				      	     Ảnh: VIệt Dũng
Học sinh Lào học tiếng Việt. Ảnh: VIệt Dũng

Đại sứ kết nối tình hữu nghị

Không chỉ thuần túy dạy học mà thông qua hợp tác đào tạo sẽ góp phần nâng cao quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Nam Lào, vun đắp tình hữu nghị anh em Việt - Lào ngày càng bền chặt. Với ý nghĩa đó, trong quá trình sống và dạy học trên đất bạn, những thầy giáo, cô giáo người Đà Nẵng đóng vai trò là những đại sứ thiện chí cho tình hữu nghị để ngày càng thắt chặt quan hệ gắn bó keo sơn, thủy chung son sắt có từ lâu đời giữa hai đất nước.

Lồng vào bài giảng hay những trao đổi trong sinh hoạt hằng ngày, cô Năm, cô Minh, thầy Huê và nhiều giáo viên khác nữa luôn chủ động cung cấp thông tin về lịch sử hai dân tộc, về quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào và kết quả đáng tự hào trong quan hệ hợp tác, kết nghĩa hỗ trợ nhiều mặt giữa Đà Nẵng và các tỉnh Nam Lào trong nhiều năm qua. Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đã giúp các tỉnh Nam Lào đào tạo nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh bạn.

Với cô Trần Thị Năm và cô Nguyễn Thị Hồng Minh, những kỷ niệm không bao giờ quên khi cùng với học viên Lào đào hố trồng các loại hoa, rau, củ ngay tại khuôn viên Trung tâm tiếng Việt đã tạo sự gắn kết rất sinh động. Hành động đó không chỉ thể hiện sự gần gũi giữa người giáo viên với học viên bản địa mà qua đó còn cho thấy sự chân thành, gắn bó thân thiết như những người bạn, người thân trong gia đình. Cũng chính vì điều đó mà sau khi các giáo viên trở về Đà Nẵng, học sinh Lào không quên gọi điện thăm hỏi sức khỏe thầy giáo, cô giáo mỗi khi đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Nhiều học sinh Lào khi được cử sang Đà Nẵng du học đã chủ động tìm đến nhà các cô giáo, thầy giáo từng dạy tiếng Việt cho mình để chia sẻ tình cảm giống như những người thân lâu ngày mới gặp lại.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.