.

Ký ức mãi xanh

.

36 lá thư là 36 cung bậc nhớ thương, giận hờn của tình yêu mà người lính già vẫn giữ mãi. Ông cất những lá thư ấy cẩn thận như cất ký ức quý báu của một thời tình yêu trong đạn bom.

Ông Ích đọc lại những trang nhật ký viết về người vợ thương yêu.            Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Ông Ích đọc lại những trang nhật ký viết về người vợ thương yêu. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Nhiều năm nay, trong căn nhà nhỏ ở con hẻm trên đường Nguyễn Tri Phương, thuyền trưởng Vũ Tấn Ích vẫn dành cho vợ những vần thơ đầy yêu thương dù bà đã đi xa ông lâu lắm rồi. “30 năm là một ngày/ Giờ em đã ra đi và đi mãi không về…”, trang vở ô ly nhòe nhoẹt bởi những giọt nước mắt ngày ông phải rời xa bà mãi mãi. Bàn tay ông nhăn nheo, run run lật từng trang nhật ký, ánh mắt hạnh phúc rạng ngời ngỡ như không phải của người đã bước qua tuổi 80. Căn phòng nơi ông ở như còn vương vấn những kỷ niệm về nơi bà ngồi viết, nơi bà nằm kể chuyện cho ông nghe… Chiếc gối, chiếc kẹp, cái lược… bà vẫn thường dùng được ông để đầu giường. Và chỉ với những người thật sự thân thiết ông mới mời vào trò chuyện.

Ông Ích cẩn thận mở hộc tủ và lấy ra một cuốn tập được đóng cẩn thận. Đó là 36 lá thư mà bà gửi cho ông ngày còn trẻ, khi ông đang đi chiến đấu. Những nét chữ mềm mại được viết bằng thứ mực Trường Sơn trên giấy Poluya trải qua bao tháng năm mà vẫn tươi nguyên như tình yêu họ dành cho nhau.

Ngày ấy, Vũ Tấn Ích là sĩ quan Đoàn 759 (Đoàn tàu không số), còn Cao Xuân Lan (vợ ông) là học viên tại một trường trung cấp ở Hải Phòng. Ngay từ buổi gặp đầu tiên với Xuân Lan, cô em họ của một người bạn, chàng sĩ quan hải quân trẻ tuổi đã nghe tim mình thổn thức. Còn Xuân Lan lúc đầu gọi Ích là “chú” bởi kém nhau hơn chục tuổi. Dù có khá nhiều người theo đuổi nhưng hình ảnh “chú” - một thanh niên mạnh mẽ, sống có lý tưởng đã in đậm trong tâm trí Xuân Lan lúc nào không hay. Rồi tình yêu đến với họ cũng nhẹ nhàng, tự nhiên như họ sinh ra để dành cho nhau. Xuân Lan cũng không hề biết rõ về công việc mà Ích đang làm, chỉ biết người mình quen là sĩ quan Hải quân. Và vì Ích đang mang nhiệm vụ cách mạng giao phó nên thỉnh thoảng họ mới gặp nhau. Khoảng cách lại càng khiến tình yêu của họ bùng cháy, nồng nàn, mãnh liệt hơn qua những bức thư.

“Hà Nội: Ngày 7-3-1964! Anh thương mến! Suốt mấy ngày nay em nào đâu ngủ được. Những kỷ niệm về anh như cuốn phim hiện lên trước mắt và khắc sâu trong lòng em. Em không muốn cho trời sáng mà cứ mong nó tối mãi vì cứ thường sắp lúc đỏ đèn là lúc em hồi tưởng nhiều kỷ niệm nhất. Dòng sông Tô Lịch với em lúc này là người bạn tâm tình. Nhớ anh em chẳng biết làm gì, chỉ muốn gọi tên anh mà đâu anh có biết, có nghe…”. Những cánh thư đi, thư về. Rồi có một thời gian ông Ích bặt vô âm tín. Những cánh thư đi không có hồi âm như khoảng lặng, đầy nước mắt nhớ thương nhưng không hờn trách. “Mấy ngày qua dù biết anh không về, không gửi thư cho em, em không tài nào ngủ được. Em nghĩ anh vì nhiệm vụ nên em không trách anh đâu”… “Em muốn lên thăm anh nhưng em hiểu nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó cho anh rất thiêng liêng nên em không thể làm ảnh hưởng đến điều đó. Anh hãy cố gắng làm thật tốt anh nhé…”.

Ông Ích kể, khi đó, ba của Xuân Lan phản đối vì ông cụ đã nhắm cho con gái một chàng trai có gia thế. Nhưng trái tim có lý lẽ riêng của nó... Ích đã thuyết phục được ông cụ. Có lần khi ở bên Xuân Lan, ông bảo: “Yêu anh, em sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi bởi vì nhiệm vụ anh không thể ở bên cạnh em. Dòng máu chảy trong người anh không còn là của riêng anh nữa, là của đất nước…”. Xuân Lan nhỏ nhẹ: “Em sẽ chờ anh, chờ cho đến ngày toàn thắng”. Và một đám cưới đơn sơ đã diễn ra.

Sau đêm tân hôn, chú rể lại phải tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Lần chia tay nào cũng bịn rịn, đầy lưu luyến, nhớ nhung. Có những hôm trời mùa đông giá rét, chia tay nhau ở ga Hàng Cỏ, Xuân Lan giúi vào tay ông chiếc khăn mùi xoa thơm nồng. Ôm người vợ trẻ trong tay, ánh mắt ông cương nghị: “Anh sẽ trở về. Hãy chờ anh!”.

Thắp nén hương trên bàn thờ vợ, ông bảo: “Tôi luôn giữ chiếc khăn ấy trong túi như một lá bùa hộ mệnh của tình yêu. Và thật lạ, cũng nhờ niềm tin ấy, tôi đã nhiều lần chỉ huy đoàn tàu không số thoát khỏi làn mưa bom của địch để đưa hàng về đến bến an toàn”. Nhiệm vụ của những thủy thủ tàu không số ngày đó đều hết sức bí mật nên sau những lần gặp gỡ hiếm hoi, ông lại ra đi, có khi hằng tháng trời bặt vô âm tín. Một mình bà ở lại với nỗi nhớ nhung và tình yêu ấy bà dành hết cho đàn con thơ. Mùa xuân 1975, ông vào chiến trường khu 5, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng và công tác tại Quân khu 5, đến năm 1982 thì nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Vợ chồng ông sống hạnh phúc bên nhau đến năm 1998 thì bà Cao Xuân Lan mất vì bạo bệnh. Dạo ấy ông Ích gần như suy sụp. Cũng có người mai mối cho ông một nữ đồng đội năm xưa, nhưng vì nhớ thương người vợ quá cố nên ông không muốn đi bước nữa mà chịu cảnh gà trống nuôi con.

Bây giờ, hằng ngày, trước bữa ăn, ông Ích vẫn đơm thêm một bát cơm, vài quả cà, cọng rau rồi mời bà cùng ăn. Với ông, hình bóng bà vẫn như còn nơi đây, cùng ông đi nốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Và hằng tuần, người ta vẫn thấy ông cụ tóc trắng phau, chân run run đạp chiếc xe đạp cà tàng đi gần chục cây số ra nghĩa trang Hòa Khánh Bắc để thắp nén hương lên mộ người vợ quá cố. Dường như với ông, ký ức vẫn mãi xanh.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.