Bóng đá quốc tế
Di Maria rời Man Utd: Khi thiên thần gãy cánh
Trong hai năm Angel Di Maria đến rồi đi qua hai CLB lớn hàng đầu thế giới, nhưng ở hai vị thế hoàn toàn khác nhau.
Di Maria có những đóng góp rất lớn cho Real, nhưng không được thừa nhận đúng mực. Ảnh: Reuters. |
Tháng 8-2014, Di Maria rời Real Madrid. Anh ra đi vì cảm thấy bị phản bội, khi những đóng góp cho chiến tích “Decima” mà anh góp công đem về chỉ là cát bụi trong mắt Chủ tịch Florentino Perez. Ngày chia tay, anh nói: “Thật không may khi hôm nay tôi phải ra đi. Tôi muốn nói rõ rằng điều này chưa bao giờ là mong muốn của tôi”. Một năm sau, anh ra đi một lần nữa. Nhưng lần này, có lẽ là điều mà anh mong muốn.
Trong trận chung kết Champions League gặp Atletico Madrid hôm 25/5/2014, Real Madrid giành chiến thắng 4-1, còn Di Maria là cầu thủ hay nhất trận. Nhưng anh không chỉ hay hôm đó, anh đã xuất sắc suốt bốn năm trong màu áo trắng. Và ở mùa giải chấm dứt cơn mộng du khốn khổ của những Madridistas, Di Maria cùng với Luka Modric ở tuyến giữa là hai cầu thủ quan trọng bậc nhất của HLV Carlo Ancelotti. Các cầu thủ Barcelona từng tâm sự trong đội hình Real họ không ngán ngại những siêu sao như Cristiano Ronaldo hay Karim Benzema, mà sợ nhất là Di Maria.
Di Maria tưởng như sẽ tìm được bến đỗ bình yên ở Man Utd. Ảnh: Reuters. |
Chính Di Maria với cái cổ chân trái lắt léo, kỹ thuật thượng thừa và tính nết cần cù là cầu thủ tạo đột biến cao nhất trong các trận đấu mà Real bế tắc. Giá trị của cầu thủ được ví là "Thiên thần" này không dễ đong đếm, vì không chỉ ghi bàn, đột phá mà anh còn là một tay kiến tạo siêu quần. Nhưng anh lại ra đi vì một lý do hoàn toàn ngoài chuyên môn.
Anh đi vì Real mang về Toni Kroos và James Rodiguez, rồi đẩy anh lên ghế dự bị. Đứng cạnh những “chuyên gia bán áo” đẹp rạng ngời đó, anh trở thành chú “vịt con xấu xí”. Ghế dự bị nhốt cầu thủ xuất sắc để nhường sân khấu cho những con người xa lạ. Lòng tự ái đàn ông bị đẩy lên đỉnh điểm khi những yêu cầu của anh sau một mùa giải thành công bị khước từ. Và lúc ấy, Man Utd bước tới, chìa ra bản hợp đồng 99 triệu đôla. Và anh giã biệt Bernabeu.
Quyết định ngày hôm đó là một sai lầm của cá nhân Chủ tịch Florentino Perez, nhưng sự kiện đó cũng là sai lầm của Di Maria. Anh đã đi theo đúng vết xe đổ mà Robinho và Mesut Ozil từng đi. Điểm chung của cả ba con người đó đều là những ngôi sao lớn của sân Bernabeu, bỏ sang nước Anh vào những ngày cuối của thị trường chuyển nhượng vì lòng tự ái. Điều này rất đáng ngại. Thứ nhất, những khó khăn đã không được lường trước do không có sự chuẩn bị kỹ.
Do tổn thương mà họ nhanh chóng quyết định giao phó số phận khi có bàn tay khác chìa ra. Vì không chuẩn bị nên sau khoảng thời gian ban đầu dễ chịu, vấn đề bắt đầu xuất hiện, do tâm thế chưa sẵn sàng, họ bị ngợp và gục ngã. Thứ hai, văn hóa và môi trường thay đổi quá đột ngột. Thời tiết vùng Nam Âu nắng ấm đối chọi với cái lạnh giá xứ sương mù, tính chất ngẫu hứng của các cầu thủ theo hơi hướng kỹ thuật Mỹ La Tinh được trui rèn ở La Liga, khác biệt hoàn toàn với lối chơi "Kick and Rush" (Sút và Chạy) của bóng đá Anh. Tổng hòa hai vấn đề, ta có đáp án cho thất bại của họ.
Nhưng cái đau đớn nhất cho Di Maria là ở chỗ, anh đã có bài học nhãn tiền mà vẫn làm sai. Một năm về trước, khi những Isco, Gareth Bale đổ bộ xuống Bernabeu. Trong khi Ozil ra đi, Di Maria vẫn dũng cảm ở lại để chiến đấu và khẳng định bản thân. Anh thành công, còn Ozil không còn là chính mình tại Arsenal. Vậy mà lúc vị thế của anh đứng ở điểm của Oezil, thì Di Maria lại mắc vào đúng sai lầm của tiền vệ người Đức. Đó là một bi kịch, một sai lầm nhưng cảm thông được.
Các cầu thủ chưa bao giờ cảm được trọn vẹn cái nguy hiểm của kẻ đứng ở vị trí đỉnh cao - nơi rất nhiều quyết định được đưa ra vì lòng tự ái, và không ít trong số đó là... sai lầm. Năm xưa, khi Robinho rời Real Madrid sang Man City. Chủ tịch Real thời ấy là Ramon Calderon đã nói “Robinho, cậu thua rồi”. Các cầu thủ, kể cả hạng siêu sao, vốn chưa bao giờ là đối thủ của những ông chủ tư bản.
Man Utd và các cổ động viên giang rộng vòng tay đón anh, họ ăn mừng như ngày hội. Anh khoác lên chiếc áo số 7 huyền thoại của màu áo “Quỷ đỏ”, anh vào sân, ghi ba bàn và tạo ra sáu đường kiến tạo chỉ với tám lần ra sân. Di Maria là nụ cười của tháng 9 nhưng là bi kịch của tháng 11.
Di Maria vẫn lận đận trên con đường sự nghiệp. Ảnh: Reuters. |
Chấn thương nặng trong trận đấu với Hull City đẩy anh rời xa sân cỏ trong hai tháng, và khi quay trở lại, anh chỉ còn cái tên. Thời gian cứ trôi, và tình người cứ phai nhạt dần, các cổ động viên ở đâu cũng vậy, cách đối xử với các tân binh đều giống nhau: anh chơi hay, anh có được tình yêu, anh chơi dở, anh bị quay lưng. Di Maria cũng không tránh khỏi vòng quay nghiệt ngã đó.
Hy vọng dành cho anh không phải đã mất đi hoàn toàn, nhưng anh cứ miệt mài đi và rồi ngã xuống. Van Gaal, “bông tulip thép” vốn dĩ chưa bao giờ là người dễ chịu. Và khi ông nói rằng “Tôi không biết Di Maria ở đâu”, nghĩa là đã có sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của ông dành cho Di Maria.
Nước Anh quá cô đơn, buộc Di Maria phải lao vào một cuộc phiêu lưu mới ở nước Pháp. Năm xưa anh rời Real ra đi trong tâm thế của một người hùng bị hắt hủi. Bây giờ anh chia tay Man Utd trong sự lẻ loi pha lẫn tiếc nuối. Trong thế sự vô thường nào ai biết cái gì chờ đợi con người cần cù, tài năng nhưng lận đận này ở Paris hoa lệ.
Laurent Blanc, Angel Di Maria đã đáp xuống Khải Hoàn Môn, ông có nâng nổi đôi cánh “Thiên thần” không?
Theo VnExpress