’’5 XÂY’’, ’’ 3 CHỐNG’’

Những điều nên làm và không nên làm

08:24, 23/01/2014 (GMT+7)

Chỉ sau 12 ngày Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU, Sở Tư pháp triển khai ngay việc cụ thể hóa nội dung “5 xây”, “3 chống” thành những việc nên làm và những việc không nên làm áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động thuộc ngành Tư pháp thành phố.

Ông Vũ Tiến Dũng, Phó Văn phòng sở cho biết: Trên cơ sở “5 xây” kết hợp với 5 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của ngành, Sở Tư pháp cụ thể hóa thành 8 nội dung những điều nên làm: Xung kích, trách nhiệm, gương mẫu, trung thực, sáng tạo, thân thiện, thường xuyên học tập, tích cực rèn luyện kỹ năng. Theo đó, yêu cầu CBCCVC toàn ngành Tư pháp thành phố phải xung kích nhận việc khó, việc mới và trong thực hiện nếp sống văn hóa. Mỗi CBCCVC đều thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc, với đồng nghiệp và nghiêm khắc với chính mình để giữ gìn phẩm chất trong sáng, lối sống đẹp, gương mẫu, trung thực. Trong thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu CBCCVC phải sáng tạo, tích cực hiến kế, đóng góp các giải pháp có chất lượng cho cơ quan, đơn vị.

Những điều không nên làm theo tinh thần “3 chống” được cụ thể hóa thành những hành vi: Nói, viết không đúng với quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bệnh hình thức trong trong báo cáo thành tích; bệnh quan liêu, hành chính hóa; các hành vi không chấp hành kỷ cương, kỷ luật, thiếu tinh thần đoàn kết; thiếu ý chí đấu tranh xây dựng và lối sống không chuẩn mực.

Những điều nên làm và không nên làm được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Tư pháp yêu cầu 6 chi bộ trực thuộc và 13 phòng, trung tâm thuộc sở đưa vào đánh giá kết quả thực hiện trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng và đưa vào tiêu chí đánh giá phân loại đảng viên, CBCCVC hằng năm. Nội dung những điều nên làm và không nên làm được triển khai đến Phòng Tư pháp các quận, huyện và cán bộ Tư pháp-Hộ tịch các phường, xã.

Đi đôi với triển khai cụ thể hóa “5 xây”, “3 chống”, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, triển khai các biện pháp phòng ngừa tiêu cực trong CBCCVC thông qua các hình thức giám sát: Tổ chức hòm thư góp ý, công khai số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của lãnh đạo sở trên cổng thông tin điện tử của sở, tổ chức khảo sát thăm dò mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ công. Từ nhiều năm qua, Sở Tư pháp luôn thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác ở các vị trí kế toán, thủ quỹ theo tinh thần Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm 2013, Sở Tư pháp đã ban hành và áp dụng đề án cải cách thủ tục hành chính tại 8 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố. Theo đó, hoạt động công chứng phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật. Trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết các việc công chứng về cơ bản phải được rút ngắn hơn so với quy định, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng hành nghề, tác phong làm việc chuyên nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phục vụ nhân dân một cách nhanh nhất, đẩy lùi tệ quan liêu, sách nhiễu, vụ lợi của đội ngũ công chứng viên, chuyên viên, nhân viên tại các tổ chức hành nghề công chứng.

Thực hiện cuộc vận động “3 hơn” trong cải cách thủ tục hành chính, đến nay, Sở Tư pháp rút ngắn thời gian giải quyết 30 thủ tục hành chính theo tiêu chí nhanh hơn và thực hiện 2 nội dung về hợp lý hơn. Các giải pháp thực hiện tiêu chí thân thiện hơn tạo nhiều chuyển biến về thái độ phục vụ của CBCCVC và có kết quả tương đối rõ nét. Cuộc vận động “3 hơn” đã tạo nên một bước đổi mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính với cách làm và kết quả cụ thể, thiết thực về thời gian, chi phí và thái độ thực thi công vụ và phục vụ người dân.

ĐOÀN SƠN

.