’’5 XÂY’’, ’’ 3 CHỐNG’’

Cải thiện lề lối, tinh thần làm việc trong thực thi công vụ

14:12, 16/02/2017 (GMT+7)

Sau 3 năm triển khai Chỉ thị số 29-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) các cơ quan, đơn vị đều tích cực cải thiện lề lối làm việc, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc; từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính của thành phố.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Theo báo cáo, tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố quán triệt và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU; đưa ra nhiều giải pháp, hành động cụ thể hướng đến các tiêu chí “trách nhiệm, trung thực, chuyên nghiệp, kỷ cương, gương mẫu” và “chống quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức”. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị đã tập trung tăng cường trách nhiệm phối hợp giải quyết công việc, trách nhiệm giải trình cho nhân dân thông qua các nhóm giải pháp xây dựng quy chế, quy trình phối hợp trong quản lý Nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Song song đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải thiện tính chuyên nghiệp của CBCCVC bằng nhóm giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cũng chú trọng nâng cao tính trung thực thông qua việc công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến Nhà nước, quy trình, thủ tục giải quyết TTHC với người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với các lĩnh vực nhạy cảm, tính gương mẫu của người cán bộ được nâng cao hơn thông qua nhóm giải pháp về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và nhóm giải pháp xây dựng hình ảnh người công chức tận tụy, thân thiện trong mắt người dân... Tiêu chí kỷ cương, chống quan liêu, tiêu cực được quan tâm thực hiện cùng với nhóm giải pháp về tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ, thắt chặt chế tài đối với các sai phạm để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là đăng ký của lực lượng Quản lý thị trường (Sở Công thương), lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố)... Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng tăng cường chống bệnh hình thức qua các giải pháp hạn chế việc tổ chức các lễ kỷ niệm, hội nghị, tiếp khách gây lãng phí ngân sách Nhà nước.  

Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân

Cùng với việc đề ra nhiều giải pháp, hành động cụ thể, thành phố chú trọng đổi mới công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC. Theo đó, thành phố đã xây dựng và hoàn thiện Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tập trung. Đây là mô hình mới về thực hiện cơ chế “một cửa” tập trung, liên thông, liên kết nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Thành phố ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại như camera giám sát, hệ thống xếp hàng tự động, màn hình cảm ứng tra cứu TTHC, ti-vi hiển thị các thông tin, thông báo và ứng dụng hệ thống phần mềm “một cửa điện tử” tập trung dùng chung toàn thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng đội ngũ hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn chuyên nghiệp về TTHC thuộc Trung tâm Thông tin dịch vụ công; thực hiện hàng loạt các giải pháp để tăng cường trách nhiệm và mở rộng cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC. Từ năm 2014 đến nay, UBND thành phố đã rà soát tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị để ban hành quy chế phối hợp hoặc quy định liên thông nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị, giảm đầu mối liên hệ và tiết kiệm thời gian thực hiện TTHC cho công dân, tổ chức.

Trong 3 năm qua, thành phố đã triển khai mô hình “Phường, xã điện tử” đến 55/56 UBND phường, xã; tích hợp 105 dịch vụ hành chính công trực tuyến của các sở, ngành vào hệ thống chính quyền điện tử thành phố để nâng cao hiệu quả sử dụng, theo dõi, quản lý các dịch vụ này. Bên cạnh đó, tăng cường chấn chỉnh thái độ của CBCCVC trong giao tiếp ứng xử với người dân qua việc xây dựng và tuyên truyền video clip “Chỉ cần nở một nụ cười”. Thành phố cũng đã đưa ra quy định về việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi trễ hẹn hồ sơ và thường xuyên chấn chỉnh, nhắc nhở việc thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ hồ sơ có văn bản xin lỗi, giải thích lý do với công dân, tổ chức khi trễ hẹn được thực hiện nghiêm túc tại các sở, ban, ngành và tăng từ 6% năm 2014 lên 71% vào năm 2016.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TU trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nội dung tiêu chí về “5 xây”, “3 chống” gắn với đánh giá kết quả công việc của CBCCVC cơ quan, đơn vị; đồng thời tiến hành xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Chỉ thị số 29-CT/TU của đội ngũ CBCCVC trong thực thi công vụ.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Báo Đà Nẵng mở chuyên mục “5 xây, 3 chống” với số lượng 1 bài/tuần, đăng vào thứ năm hằng tuần để phản ánh tình hình thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU trên địa bàn thành phố. Từ khi triển khai đến nay, đã có 94 bài viết, 238 tin, ảnh thông tin về tình hình thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, phản ánh đạo đức công vụ của CBCCVC, góp phần tuyên truyền rộng rãi tinh thần, nội dung của chỉ thị đến nhân dân thành phố.

ĐOÀN LƯƠNG

.