Công tác tuyên truyền trong buổi đầu xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng

.

Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Cùng với cả nước, cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc Quảng Nam, Đà Nẵng vô cùng vui mừng, phấn khởi khi nước nhà được độc lập. Các tầng lớp nhân dân xứ Quảng hăng hái, tích cực tham gia các phong trào cách mạng do Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, với mong muốn góp sức mình vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.

Quang cảnh ngày 2-9-1945 tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Quang cảnh ngày 2-9-1945 tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Tuyên truyền, vận động xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng

Sau khi giành được chính quyền, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền của Đảng và Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam được thành lập, gọi là Ty Thông tin tuyên truyền do đồng chí Phan Thao làm Trưởng ty. Ty Thông tin tuyên truyền Quảng Nam, ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ, còn phân công cán bộ ghi lại nội dung những buổi phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đài khác để tổng hợp tin tức phục vụ cho công tác tuyên truyền, in báo… Nhiệm vụ của công tác tư tưởng lúc này chủ yếu là tuyên truyền một cách sâu rộng về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, về một quốc gia độc lập, tự do và nhất là vận động người dân tham gia xây dựng chế độ mới...

Ngay sau ngày giành được độc lập, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành các Sắc lệnh số 17/SL và số 20/SL quyết định thành lập Nha bình dân học vụ, quy định việc học chữ quốc ngữ trong cả nước. Sắc lệnh số 19/SL nêu rõ: “Trong toàn cõi Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp bình dân học vụ buổi tối.

Trong hạn 6 tháng, làng nào cũng phải có ít ra là 1 lớp học, dạy được ít nhất là 30 người”. Thực hiện Sắc lệnh 17/SL tại Quảng Nam, Đà Nẵng, công tác tuyên truyền đã góp phần vận động toàn dân tham gia phong trào “bình dân học vụ”. Phong trào lôi cuốn được mọi tầng lớp nhân dân tham gia và nhanh chóng trở thành phong trào rộng lớn.

Nét nổi bật ở Quảng Nam là Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh quyết định mở trường Phan Châu Trinh ở Hội An; ở Đà Nẵng mở trường Trung học Thái Phiên; lầu đầu tiên các môn học đều được giảng bằng tiếng Việt, học sinh được học kỹ môn Văn và môn Lịch sử dân tộc. Công tác tuyên truyền còn vận động nhân dân thực hiện “đời sống mới”, qua các hoạt động như: tổ chức cứu tế, giải quyết tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm; giảm việc cúng bái, ma chay tốn kém. Đặc biệt, nạn ăn xin, trộm cắp, mại dâm, sử dụng thuốc phiện hầu như không còn. Phong trào ca hát, đọc sách báo cách mạng dấy lên khắp thôn xóm, phố phường.

Liên tiếp trong các ngày 4 và 11 tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra quyết định lập “Quỹ độc lập” và phát động “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu quốc”. Hưởng ứng phong trào trên, Ty Thông tin tuyên truyền Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức vận động toàn dân tham gia hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” để ủng hộ chính quyền cách mạng chuẩn bị kháng chiến.

Nhiều điểm quyên góp được mở ra ở các làng, các phố. Bà con lập bàn hương án trước sân trụ sở Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã hoặc các đình làng, xích hậu để tiến hành quyên góp. Với tinh thần “của ít lòng nhiều”, nhân dân đem một phần gia sản, vàng, đồng mà mình có được đến nơi quyên góp... Trong “Tuần lễ vàng” từ ngày 16 đến 24-9-1945, cả tỉnh đóng góp được 20kg vàng và hàng chục tấn đồng.

Tuyên truyền về tổng tuyển cử

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giữa muôn vàn khó khăn trước nạn thù trong, giặc ngoài, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay, trong đó có nhiệm vụ về tổng tuyển cử, Người nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v…”(*). Ngay sau đó, ngày 8-9-1945, Chính phủ lâm thời công bố Sắc lệnh tổng tuyển cử bầu Quốc hội.

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền tổng tuyển cử bầu Quốc hội, ngành thông tin - tuyên truyền đã tuyên truyền, vận động nhân dân về cách thức bầu cử, chọn người cần bầu... Nhiều cuộc mít tinh, hội họp, thảo luận, trao đổi... được tổ chức liên tục bằng nhiều hình thức sáng tạo và sinh động. Tỉnh ủy cho sáng tác nhiều bài thơ, hò vè, câu đối… để động viên cử tri đi bầu cử. Các bài thơ, hò, vè mang tên những ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu được nhân dân học thuộc, như: Tổng tuyển cử đã tới rồi/ Vì quyền, vì lợi mấy lời xin ghi/ Trung bộ có anh Trần Đình Tri/ Anh Lê Văn Hiến vậy thì đồng song/ Phan Bôi một dạ một lòng/ Anh Huỳnh Ngọc Huệ cũng giòng đấu tranh/ Cứu tế có chị Phan Thanh/ Anh Nguyễn Thế Kỷ cùng anh Phạm Bằng/ Trần Tống tuổi trẻ sức hăng/ Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều/ Quế Sơn đồng chí Phan Diêu/ Cùng Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân/ Trần Viện gian khổ đã từng/ Anh Lâm Quang Thự lẫy lừng tiếng tăm/ Đồng bào thận trọng lá thăm!

Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng và kịp thời nên ngày 6-1-1946, hầu hết cử tri trong tỉnh tham gia bầu Quốc hội. Cũng như nhân dân cả nước, đây là lần đầu tiên, nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng được sử dụng quyền dân chủ, hăng hái đi bỏ phiếu. Kết quả, các ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu đều trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu cao.

Một nhiệm vụ quan trọng của công tác huấn luyện, tuyên truyền lúc này là tuyên truyền về ảnh hưởng của Đảng, phục vụ phát triển đảng viên và tổ chức Đảng. Các đồng chí phụ trách công tác tuyên truyền, đảng vụ được phân công về các địa phương, đơn vị, trong đó tập trung vào những đồng chí đã qua thử thách trong các phong trào đấu tranh trước và trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945. Nhờ đó, đến cuối năm 1945, hầu hết huyện, phủ ủy được lập lại, phát triển thêm nhiều chi bộ Đảng.

Như vậy, trong những ngày đầu giành chính quyền, công tác tuyên truyền của Đảng bộ hoạt động trong điều kiện mới, có nhiều thuận lợi, đó là ta đã giành được chính quyền, nhân dân đang nô nức tham gia xây dựng và củng cố chế độ mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền đã có nhiều cố gắng, sáng tạo nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng nên đã động viên được đông đảo nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, thực hiện nhiều chủ trương của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NĂNG ĐÔNG

Theo Lịch sử ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (1930-2010)


(*) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, trang 8.

;
;
.
.
.
.
.