Giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường qua di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858

.

Di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 không chỉ là tài nguyên du lịch, mà còn quan trọng hơn là “tài liệu giáo khoa” để giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường.

Học sinh, sinh viên tham quan các hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG
Học sinh, sinh viên tham quan các hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG

Di sản văn hóa vật thể quan trọng nhất trong hệ thống tài liệu giáo khoa để giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường ở Đà Nẵng chính là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải bao gồm những khẩu súng thần công sưu tập được trong và ngoài thành, cùng với các căn cứ phòng thủ quân sự khác bên hữu ngạn sông Hàn, trên núi Hải Vân (trong đó có Hải Vân quan được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia), trên bán đảo Sơn Trà, trên hòn Sơn Trà con và ven vịnh Đà Nẵng. Tiếp theo là các di tích lịch sử quốc gia như Nghĩa trủng Phước Ninh (phường Nam Dương, quận Hải Châu) xây dựng năm Bính Tý 1876; Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) xây dựng năm Bính Dần 1866 được xem là hai nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia đầu tiên của nước ta. Ngoài ra, một số nghĩa trủng khác cũng rất xứng đáng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia là Nghĩa trủng Nam Ô (quận Liên Chiểu)  - nghĩa trủng của hàng trăm dân binh, nghĩa sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đồn Chơn Sảng ngày 18-11-1859; Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha (quận Sơn Trà) - nơi chôn cất nhiều sĩ quan, binh lính đối phương tử trận trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 - bằng chứng nhãn tiền về dã tâm xâm lược Việt Nam qua cửa ngõ Đà Nẵng của các thế lực ngoại bang đương thời, góp phần giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường. Mặt khác, nơi đây cũng thể hiện lòng bao dung thấm đẫm tinh thần nhân văn theo quan điểm nghĩa tử nghĩa tận của người Đà Nẵng.

Các căn cứ phòng thủ quân sự bảo vệ cửa biển Đà Nẵng thời nhà Nguyễn là một hệ thống phòng thủ được đầu tư xây dựng và liên tục gia cố ngay khi đất nước vừa thống nhất sau hàng trăm năm chia cắt, góp phần đáng kể vào chiến thắng 1858-1860 - chiến thắng thứ nhất và duy nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân trước khi người Pháp hoàn thành mục tiêu xâm lược và đô hộ trên phạm vi cả nước. Do vậy, hệ thống phòng thủ không chỉ gắn với tài năng quân sự của Nguyễn Tri Phương mà còn gắn với tài năng quân sự của Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Công Trứ và Lê Sỹ là những võ quan được triều đình Huế cử vào Đà Nẵng để khảo sát và đề xuất phương án nâng cấp hệ thống này.

Có ba phương thức chủ yếu để giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường - trước hết là trong các nhà trường phổ thông ở Đà Nẵng - qua di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858. Một là tổ chức cho học sinh/sinh viên toàn thành phố tham quan thực địa tại Thành Điện Hải và Nghĩa trủng Hòa Vang/Khuê Trung (việc tổ chức tham quan thực địa tại các địa điểm khác chủ yếu căn cứ vào cự ly giữa nơi trường đóng với từng di tích). Thời điểm tổ chức tham quan có thể tùy thuộc vào lịch dạy-học của từng trường nhưng cũng nên tranh thủ những dịp kỷ niệm năm chẵn/năm tròn ngày Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu là thời điểm có nhiều hoạt động phù hợp, chẳng hạn nhân kỷ niệm 160 năm (1858-2018), Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình Nghe hiện vật kể với chủ đề Cuộc chiến ở Đà Nẵng (1858 - 1860) qua một số tư liệu, hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng để góp phần giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn và tự hào hơn về một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng của thành phố bên sông Hàn. Hai là tổ chức dạy-học có hiệu quả trên cơ sở tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 (có thể kết hợp tổ chức tham quan thực địa). Ba là tổ chức cho học sinh trung học phổ thông/sinh viên khoa Lịch sử tham gia hoạt động “tìm địa chỉ đỏ thất truyền” nhằm tìm kiếm trên hồ sơ lưu trữ và khảo sát thực địa để xác định vị trí cụ thể của các căn cứ phòng thủ cùng thời với Thành Điện Hải nay không còn dấu tích, chẳng hạn như Thành An Hải trên địa bàn quận Sơn Trà, như pháo đài Định Hải trên địa bàn quận Liên Chiểu… Đây là cơ sở để cơ quan quản lý di tích của thành phố tiến hành dựng bia tưởng niệm.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một giải pháp cần được quan tâm thích đáng, nhằm hiện đại hóa việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường qua di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858. Gần đây, Thành Đoàn đã hoàn thành và bàn giao Công trình thanh niên “Số hóa địa chỉ đỏ năm 2023” gồm toàn bộ di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố - trong đó có nhiều di tích liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, góp phần tuyên truyền, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Các di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, trước hết phải kể đến các tên đường phố liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 như một cách người Đà Nẵng lưu danh những địa danh và những danh nhân từng góp phần vào thắng lợi của sự kiện lịch sử này như: đường Thành Điện Hải; như đường Nguyễn Tri Phương, đường Nguyễn Duy, đường Lê Đình Lý, đường Đào Trí, đường Phạm Thế Hiển, đường Nguyễn Ân, đường Lê Sỹ, đường Phạm Văn Nghị, đường Nguyễn Công Trứ, đường Phạm Phú Thứ... Trong đó, có nhiều tên đường phố còn được đặt tên trường như: Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Sơn Trà), Trường THCS Nguyễn Tri Phương (huyện Hòa Vang), Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Cẩm Lệ), Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang)… Bên cạnh đó, những sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài cuộc chiến tranh Mậu Ngọ, chẳng hạn như khoảng 100 ảnh tư liệu được trưng bày trong triển lãm “Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp - Tây Ban Nha - Di sản còn lại với thời gian” được tổ chức cuối tháng 8-2023 tại di tích Nghĩa trủng Hòa Vang; phim tài liệu “Sóng cửa Hàn” của tác giả, đạo diễn Huỳnh Hùng; vở tuồng “Bi kịch của một vị vua thi sĩ” kịch bản của Nguyễn Phước Hải Trung, đạo diễn La Hùng do Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế dàn dựng. Cũng có thể kể đến những lễ tế nghĩa trủng truyền thống của cư dân địa phương, chẳng hạn như Lễ tế Nghĩa trủng Nam Ô của người dân phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) diễn ra vào đúng ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm; như Lễ tế nghĩa sĩ Đà Nẵng và hội làng Khuê Trung vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hằng năm của người dân phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ)...

Đối với hình thức đặt tên đường/tên trường, việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường - trước hết là trong các nhà trường phổ thông mang tên các danh nhân từng tham gia cuộc chiến đấu dưới chân Thành Điện Hải như Nguyễn Tri Phương hoặc xin tham gia cuộc chiến đấu dưới chân Thành Điện Hải mà không được vua Tự Đức đồng ý như Nguyễn Công Trứ, Phạm Phú Thứ - có thể được tiến hành thường xuyên trong các buổi chào cờ đầu tuần hoặc trong các dịp kỷ niệm năm sinh/năm mất của danh nhân và nhất là trong các dịp kỷ niệm năm chẵn/năm tròn cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858. Đối với hình thức tác phẩm nghệ thuật, việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường được kết hợp trong hoạt động tham quan Thành Điện Hải (khi Bảo tàng Đà Nẵng đã được di dời về số nhà 42-44 đường Bạch Đằng, Nhà Trưng bày chuyên đề về cuộc chiến tranh Mậu Ngọ nói chung và Thành Điện Hải nói riêng được xây dựng mới trong khuôn viên Thành sẽ tích hợp quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật liên quan tới chủ đề này nhằm phục vụ khách tham quan). Đối với những lễ tế nghĩa trủng truyền thống của cư dân địa phương, học sinh/sinh viên trên địa bàn các quận Cẩm Lệ và Liên Chiểu có thể được mời tham gia; học sinh/sinh viên trên địa bàn các quận/huyện khác cũng có thể được mời tham gia lễ tế nghĩa trủng ở nơi gần trường mình nhất...     

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.