ĐNO - Chiều 11-11, tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nêu đề nghị Quốc hội cho phép Đà Nẵng áp dụng chính thức mô hình tổ chức chính quyền đô thị sau 3 năm thí điểm thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu gợi mở các vấn đề tại buổi làm việc. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về kết quả nổi bật công tác phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Bổ sung một số quy định để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, quan tâm, xem xét cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với một số định hướng cụ thể.
Trong đó, cho phép thành phố Đà Nẵng áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị và sửa đổi, bổ sung một số quy định để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị.
Cụ thể là sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường theo hướng bổ sung người đứng đầu cơ quan quân sự, công an; bổ sung quy định về việc bãi bỏ văn bản của HĐND quận, phường, UBND phường ban hành trước ngày 01-7-2021.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; bổ sung quy định thực hiện thống nhất, liên thông một chế độ công vụ đối với cán bộ phường và cán bộ, công chức xã.
Về cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, cho phép thành phố được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, vừa qua, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương. Trong đó, có một số cơ chế, chính sách vượt trội trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện để các địa phương đẩy nhanh quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét thống nhất chủ trương để sau khi sơ kết Nghị quyết số 119/2020/QH14, thành phố Đà Nẵng được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi tương tự như một số địa phương.
Cho phép Đà Nẵng được áp dụng một số chính sách mới
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay; việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”.
Đồng thời, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng...”. Trên cơ sở các định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất một số cơ chế, chính sách bước đầu.
Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Thành phố Đà Nẵng đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, sớm đề xuất ban hành những chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, nhất là đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các giai đoạn của sản xuất chip bán dẫn.
Trước mắt, cho phép thành phố Đà Nẵng sử dụng ngân sách để đầu tư và quản lý, khai thác hạ tầng phục vụ nghiên cứu đào tạo như: xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ dùng chung cho các cơ sở đào tạo; chính sách hỗ trợ học bổng, cho vay đối với các học sinh, sinh viên theo học ngành này; chính sách thu hút các chuyên gia ở nước ngoài về Việt Nam giảng dạy, làm việc; chính sách giảm thuế thu nhập cho các kỹ sư thiết kế chip bán dẫn; các chính sách phát triển công đoạn đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn…
Thành phố Đà Nẵng đề nghị được giao chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu các cơ chế, chính sách cụ thể trong quá trình sửa đổi Nghị quyết số 119/2020/QH14 và cho phép thành phố được thực hiện thí điểm một số chính sách về lĩnh vực này.
Về việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, trên cơ sở chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã xây dựng và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Các đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Theo đó, đề án đưa ra mô hình phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng dựa trên 3 chức năng chính, gồm: cung cấp dịch vụ tài chính hay còn gọi là trung tâm tài chính hải ngoại (offshore); trung tâm công nghệ tài chính (fintech); hoạt động phụ trợ cho hoạt động tài chính và dịch vụ tiện ích.
Bí thư Thành ủy đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm ủng hộ và cho ý kiến về các định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế của thành phố Đà Nẵng để trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu các cơ chế, chính sách cụ thể.
NGỌC PHÚ