Các quy định về nơi sinh hoạt Đảng, sự phối hợp giữa tổ chức Đảng có đảng viên chuyển đi với tổ chức Đảng có đảng viên chuyển đến chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập so với thực tế là nguyên nhân khiến nhiều đảng viên đi làm ăn xa khó thực hiện nghĩa vụ đảng viên.
Kết nạp đảng viên tại Chi bộ Công tác Chính trị và học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng. |
Cần những giải pháp sát, đúng
Quê ở xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Võ Thị Lên là một trong những sinh viên giỏi, có nhiều thành tích trong hoạt động đoàn và công tác xã hội, được Đảng ủy Trường Cao đẳng (CĐ) Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng kết nạp Đảng năm 2017. Cũng năm đó, Lên ra trường và quyết định ở lại thành phố làm việc. Công ty nơi Lên làm việc không có chi bộ đảng nên em xin Chi bộ Công tác Chính trị và học sinh, sinh viên của trường tiếp tục sinh hoạt.
Rồi dịch bệnh xảy ra, bị mất việc, Lên chuyển sang làm ở công ty khác, cũng là một nơi không có chi bộ, đành tiếp tục xin sinh hoạt ở chi bộ cũ. Dù theo quy định, chi bộ nhà trường chỉ có thể xem xét cho sinh viên sinh hoạt sau khi tốt nghiệp trong thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Lần lữa mãi, đến bây giờ tròn 6 năm tốt nghiệp nhưng Lên vẫn sinh hoạt với chi bộ của Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch. Lên kể, em không thể chuyển sinh hoạt về quê theo hộ khẩu vì em làm việc ở thành phố, hằng tháng xin nghỉ việc một ngày để về quê họp chi bộ rất khó.
Em cũng từng liên hệ với chi bộ nơi ở trọ xin sinh hoạt ghép nhưng bí thư chi bộ đề nghị phải có giấy xác nhận của chi bộ địa phương vì sao không thể tham gia sinh hoạt, rồi ra đây làm đơn xác nhận của chi bộ cũ. Em thấy thủ tục có vẻ rắc rối, trong khi mình ở trọ, không có chỗ cố định nên vẫn chưa biết tính sao.
Ông Huỳnh Ngọc Thời, Bí thư Chi bộ Công tác Chính trị và học sinh, sinh viên, Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch, cho biết trường hợp của Võ Thị Lên đã được chi bộ, đảng ủy nhà trường đưa ra bàn bạc và tìm hướng giải quyết, song vẫn chưa có giải pháp cuối.
“Trong hoàn cảnh đảng viên gặp khó khăn, nếu mình ép họ chuyển sinh hoạt về địa phương theo quy định thì khó cho họ, hoặc bức quá tìm một chỗ nào đó để sinh hoạt thì nơi ở trọ họ không muốn nhận. Chúng tôi đã nêu trường hợp này và chờ ban tổ chức quận ủy hướng dẫn. Chủ trương của Đảng bao giờ cũng tạo điều kiện tối đa cho đảng viên, trong khi điều kiện thực tế như trường hợp của em Lên vẫn chưa có phương án tối ưu”, ông Thời chia sẻ.
Nhiều đảng viên hộ khẩu ở quê nhưng toàn thời gian họ sống ở thành phố vì đi làm ăn xa. Chi bộ địa phương vì thế chỉ quản lý được hồ sơ mà không biết rõ đời sống, tâm tư của đảng viên. Về thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, điều 6 Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30 tháng 7 năm 2021 về Thi hành Điều lệ Đảng đã nêu cụ thể về chuyển sinh hoạt đảng chính thức đối với đảng viên chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài và chuyển sinh hoạt đảng tạm thời khi đảng viên thay đổi nơi cư trú, nơi công tác trong thời gian từ 3 tháng đến dưới 1 năm. Nếu chuyển hộ khẩu, chuyển nơi công tác sẽ dễ chuyển hồ sơ đảng viên, nhưng với trường hợp như Lên và hàng trăm đảng viên đi làm ăn xa, muốn chuyển sinh hoạt đảng tạm thời là một điều rất khó.
Ông Phạm Viết Hòa, Bí thư Chi bộ Quang Thành 4A2, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, nói rằng ông sẵn sàng nhận đảng viên vào sinh hoạt ghép khi họ đến địa phương ở trọ. Song, nhiều bí thư chi bộ khi được hỏi về vấn đề này, từ chối nhận đảng viên. Theo họ, những người ở trọ thường không ở cố định một nơi, chi bộ không thể nắm hoàn cảnh từng người, không biết họ như thế nào nên không thể nhận vào sinh hoạt.
Đây chính là lý do mà nhiều đảng viên khi đi làm ăn xa không thể về sinh hoạt đúng hạn, không thể chuyển sinh hoạt Đảng đến nơi ở trọ. Và kết quả là nhiều đảng viên bị buộc ra khỏi Đảng vì không tham gia sinh hoạt và đóng đảng phí quá 3 lần/năm. Ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang, nói: “Trường hợp vắng sinh hoạt ngày càng tăng, dù họ vẫn muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhưng theo quy định chúng tôi buộc phải làm thủ tục cho ra”. Ông Huỳnh Ngọc Thời cho rằng: “Nếu chúng tôi không cho đảng viên sinh hoạt, trả hồ sơ để đảng viên đưa về địa phương, mà họ biết về địa phương sinh hoạt là một việc khó, họ giấu hồ sơ đi, thì chúng ta mất đảng viên”.
Tăng chất lượng và số lượng
Hiện nay công tác phát triển đảng viên không dễ dàng, nhất là ở chi bộ khu dân cư hay tại doanh nghiệp. Tại quận Liên Chiểu, đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ quận ra nghị quyết phát triển đảng viên mới đạt 1,5%/năm, tương đương 50 người/năm. Đến nay, chỉ tiêu này tăng lên 3-4%/năm, tức vào khoảng 160 người/năm. Đảng bộ quận ban hành các chỉ thị, nghị quyết, xây dựng kế hoạch về tăng cường công tác phát triển đảng viên giai đoạn 2023-2025, thành lập ban chỉ đạo về công tác phát triển đảng viên.
Bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng ban Tổ chức Quận ủy, cho biết: “Chúng tôi làm việc với các chi bộ đông đảng viên mà khó phát triển đảng để tìm cách tháo gỡ khó khăn, đến từng đảng bộ các phường, các trường học, trung tâm y tế để phân loại đối tượng, ưu tiên những vấn đề dễ làm trước, khó làm sau, phát triển đảng viên nào chắc đảng viên đó”. Bà Hằng nêu một thực tế là rất nhiều chi bộ khu dân cư hiện nay chủ yếu là đảng viên về hưu, đảng viên vào đảng từ 20 - 30 năm trước, nên không có lực lượng kế thừa. Việc phát triển và có đảng viên trẻ cùng tham gia sinh hoạt sẽ tạo sức mạnh cho Đảng.
Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ quận Liên Chiểu, từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6-2023, trên cơ sở đề nghị của các cấp ủy cơ sở, Ban Thường vụ Quận ủy xem xét, quyết định cho ra khỏi đảng 17 trường hợp và xóa tên khỏi danh sách đảng viên 18 trường hợp.
Tại huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Văn Vân cho biết việc phát triển đảng viên cũng rất khó. Hiện nay chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới của huyện là 170 người/năm. Nhưng khó hơn là “công tác quản lý và giữ đảng viên là cả một vấn đề”. Quản lý để bảo đảm sinh hoạt và học tập các chỉ thị, nghị quyết. Khi đảng viên vắng sinh hoạt, vắng học nghị quyết 2 lần liên tục thì đảng ủy xã mời đến để chấn chỉnh, ban tổ chức huyện mời về tìm hiểu nguyên nhân, nhắc nhở.
Hiện nay cơ hội việc làm cao, không còn khó khăn như 2 năm trước, nên nhiều đảng viên ở Hòa Vang không ở cố định một chỗ, ai cũng tìm cách đi nơi khác làm việc. Số đảng viên bị xóa tên ở Hòa Vang phần lớn làm nghề lái xe, công việc mang tính di chuyển nhiều. “Chi bộ các thôn linh động để đảng viên miễn sinh hoạt 3-6 tháng.
Tuy nhiên, nếu miễn nhiều lần thì tổ chức Đảng không nghiêm. Dù nhiều đảng viên mong muốn ở lại tổ chức Đảng, chúng tôi cũng cân nhắc rất kỹ, khó cho ra những đảng viên còn tâm huyết với Đảng. Cho nên phát triển đảng viên đã khó, giữ đảng viên rất khó, còn xóa tên đảng viên chúng tôi rất xót”, ông Vân chia sẻ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy Hòa Vang cho ra khỏi đảng 35 đảng viên, xóa tên 42 đảng viên.
Chủ trương của nhiều tổ chức cơ sở Đảng là chọn kết nạp những đảng viên có chất lượng. Tại Đảng bộ Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tất cả các hồ sơ phát triển Đảng đều được xem xét rà soát, thẩm tra, xác minh đầy đủ, trình Ban Thường vụ Đảng ủy xem xem xét kết luận về tiêu chuẩn chính trị trước khi ban hành quyết định kết nạp theo đúng quy định.
Ông Phan Văn Tân, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết chất lượng kết nạp đảng viên từng bước được nâng lên và bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt chú trọng việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thành lập mới 6 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, kết nạp 279 quần chúng ưu tú vào Đảng. Tuy nhiên, trong số 217 đảng viên chuyển đến, không có trường hợp nào là công nhân thuộc các doanh nghiệp chưa có tổ chức cơ sở Đảng.
Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố, từ đầu nhiệm kỳ đến nay toàn Đảng bộ kết nạp được 3.744 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 60.379 đảng viên. Có 455 trường hợp ra khỏi Đảng, trong đó cho ra 192, xóa tên 225 và khai trừ 38. |
HOÀNG NHUNG