Phát huy quyền làm chủ của nhân dân khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị

.

Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, quyền đại diện, quyền làm chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân được bảo đảm và duy trì. Hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được quan tâm tăng cường, mức độ hài lòng của nhân dân đối với chính quyền vẫn được duy trì ở mức độ cao. Công tác đối thoại giữa chủ tịch UBND quận, phường với nhân dân được tổ chức thực hiện theo quy định, qua đó việc tiếp nhận ý kiến và xử lý kiến nghị của nhân dân được bảo đảm kịp thời.

Người dân quận Thanh Khê kiến nghị tại hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND quận Thanh Khê với nhân dân. Ảnh: TRỌNG HUY
Người dân quận Thanh Khê kiến nghị tại hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND quận Thanh Khê với nhân dân. Ảnh: TRỌNG HUY

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, khi thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, quyền dân chủ của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh khác nhau. Các quyền ấy được thể hiện thông qua đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố, Thường trực HĐND thành phố và các ban, tổ đại biểu HĐND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Báo cáo sơ kết triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị của UBND thành phố cho biết, qua hơn 2 năm, công tác đối thoại nhân dân của chủ tịch UBND các quận thực hiện bảo đảm đúng quy định. Qua đối thoại, chủ tịch UBND các quận đã lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền. Qua đó, giúp chủ tịch UBND quận chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.

Qua kết quả tổng hợp, UBND 7 quận đã tiếp nhận 1.189 ý kiến, đề xuất của người dân và tỷ lệ giải quyết hơn 85%. Chủ tịch UBND các quận đã tổ chức 48 cuộc đối thoại với 4.479 người tham gia (cả trực tiếp và trực tuyến). UBND phường đã tiếp nhận 2.358 kiến nghị, đề xuất của người dân và tỷ lệ giải quyết 96%. Chủ tịch UBND 45 phường đã tổ chức 169 cuộc đối thoại với 15.426 người tham gia. Nhìn chung các buổi đối thoại được tổ chức chất lượng, hiệu quả.

Với sự chủ động của lãnh đạo phường, đặt lợi ích và phát huy quyền làm chủ nhân dân lên trên hết, phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại giữa chủ tịch UBND phường với nhân dân. Chủ tịch UBND phường Lê Thị Thuận cho biết, công tác đối thoại với nhân dân là cầu nối quan trọng để cấp ủy, chính quyền gần dân, sát dân, nắm chắc tình hình trong nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở. Tính đến nay, phường Hải Châu 2 tổ chức 4 cuộc tiếp xúc, đối thoại với 37 ý kiến, kiến nghị. Qua đó, 17/17 ý kiến thuộc thẩm quyền phường giải đáp, giải quyết, đạt 100%; có 20/20 ý kiến thuộc thẩm quyền xử lý của cấp trên được giải quyết, trả lời.

Chánh văn phòng UBND quận Sơn Trà Đào Ngọc Châu cho biết, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân khi không tổ chức HĐND quận, phường, UBND quận, phường thường xuyên tuyên truyền, cập nhật, niêm yết công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, các văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và địa phương đến nhân dân. Sự tham gia của nhân dân trong hoạt động điều hành, quản lý của UBND quận, phường, cụ thể như trực tiếp thông qua đối thoại với Chủ tịch UBND quận, phường để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.

Theo đó, Chủ tịch UBND quận đã tổ chức 5 buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân; Chủ tịch UBND các phường đã tổ chức 35 buổi đối thoại với nhân dân thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như phân công cán bộ, công chức phường tham gia các cuộc họp của tổ dân phố; qua hòm thư, sổ góp ý; trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp...

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị của thành phố tổ chức trong tháng 9-2023, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng nhìn nhận, các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, nghị quyết của HĐND thành phố, quy chế phối hợp 4 bên (Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố) được ban hành kịp thời, đã đóng vai trò quan trọng trong định hướng cũng như cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ Mặt trận các cấp thành phố. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố trong đại diện thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Việc lắng nghe, tập hợp ý kiến cử tri được linh hoạt thay đổi phù hợp theo từng địa bàn. Mặt trận các cấp thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo nhận thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức trong hệ thống Mặt trận về nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp ý kiến cử tri nhằm bảo đảm lắng nghe được toàn diện, đầy đủ và giải quyết cơ bản các bức xúc, vướng mắc của cử tri.

Qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố kịp thời báo cáo đến Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố có ý kiến chỉ đạo, đồng thời gửi các kiến nghị đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Hầu hết các kết quả phản biện đều có văn bản phúc đáp, phản hồi từ đơn vị chủ quản gửi về Mặt trận các cấp. Điều đó thể hiện sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Qua đó, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần phát triển thành phố.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.