Việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị được xác định là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố. Các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt nhằm tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các em thiếu nhi tham quan triển lãm tranh tại lễ hội đình làng Hải Châu năm 2023. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Triển khai các chương trình Ban Thường vụ Thành ủy giao để cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì thực hiện Kế hoạch số 3620/KH-UBND ngày 4-6-2020 về thực hiện Chương trình số 39-CTr/TU “Xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, chất lượng cao gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng đến xây dựng thành phố đáng sống” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong kế hoạch này, nội dung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được xác định là nhiệm vụ lớn, vừa lâu dài, vừa có tính cấp thiết. Vì vậy, thời gian qua, các ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong đó, trọng tâm là thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, các quận, huyện linh hoạt triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc vận động, chương trình có nội dung gắn với phong trào. Tại quận Sơn Trà, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” quận đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, mô hình “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Mỗi tuần một việc tốt, mỗi tháng một điển hình”; đa dạng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân trên địa bàn.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà Võ Thị Phương cho biết, trong năm 2022, tỷ lệ về các danh hiệu văn hóa như: “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đều tăng so với năm 2021. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hiện tượng, hành vi phản văn hóa, chú trọng ở các địa điểm như: karaoke, quán bar, hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
“Việc duy trì thường xuyên công tác kiểm tra xử lý đối với các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm, điểm nóng, phức tạp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và an toàn trên địa bàn quận”, bà Phương chia sẻ.
Trong thực hiện phong trào và đề án, các địa phương cũng linh hoạt triển khai nhiều mô hình điểm về nếp sống văn hóa - văn minh đô thị phù hợp điều kiện thực tế, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, ủng hộ. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu Lê Tú Anh, song song với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, quận còn phát động nhân dân tham gia cuộc vận động “3 hơn”; tập trung xây dựng quan hệ giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư.
Đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, 13 phường trên địa bàn chủ động xây dựng các mô hình riêng phù hợp tình hình địa phương. Hiện toàn quận có 18 mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó có một số mô hình mới như: “nhà trọ 3 phòng”, “khu dân cư an toàn, trật tự, văn minh”, “5 tốt”… Đặc biệt, các mô hình điểm về nếp sống văn hóa - văn minh đô thị do quận triển khai, đăng ký thi đua đều phát huy hiệu quả 100%. Đến nay, quận Hải Châu có 123 tuyến đường văn minh đô thị, 645 tổ dân phố không rác, 3/3 chợ văn minh thương mại và 17 điểm sáng văn hóa - văn minh đô thị.
Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) Lê Thị Thu Trang, trong các chủ trương lớn về phát triển văn hóa, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói riêng. Hằng năm, vấn đề phát triển phong trào và đề án, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo sâu sát và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhờ đó, thu được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo bầu không khí dân chủ, huy động được nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố phát triển theo hướng bền vững. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, cần rà soát các nội dung, phân định các nội dung tương đồng với đề án để phát huy những mô hình có hiệu quả của phong trào, loại bỏ những mô hình bị trùng lắp, không còn hiệu quả. Đồng thời, thực hiện các giải pháp quyết liệt để tỷ lệ các danh hiệu văn hóa và mô hình tương xứng với diện mạo văn hóa, hạ tầng xã hội và nếp sống văn minh của địa phương.
KHÔI NGUYÊN