Đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Tại thành phố Đà Nẵng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được các cấp, ngành quan tâm thực hiện gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đảng ủy Sở Tư pháp khen thưởng các chi bộ và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.
Đảng ủy Sở Tư pháp khen thưởng các chi bộ và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.

Yêu cầu của công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đảng và Nhà nước xác định phòng ngừa, đấu tranh PCTNTC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân mà trước hết và chủ yếu là của các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành đến cơ sở. Phương châm thực hiện là vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là cơ bản. Công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về PCTNTC là một trong những giải pháp phòng ngừa hết sức quan trọng. Do vậy, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về PCTNTC.

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung triển khai sâu rộng một số hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp các đối tượng; kế thừa những kết quả và khắc phục những hạn chế của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC đã thực hiện. Cần gắn việc phổ biến pháp luật về PCTNTC với phổ biến việc thực hiện Chiến lược quốc gia cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tiêu cực, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTNTC.

Chú trọng nội dung, chất lượng tuyên truyền

Thứ nhất, tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; làm rõ tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại của tham nhũng đối với việc giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị xác định đấu tranh PCTNTC là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách; từ đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác này và nêu cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTNTC. Tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp và an toàn để nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố cáo tham nhũng, tiêu cực, phê phán góp phần tạo dư luận xã hội lên án các hành vi tham nhũng, tiêu cực và giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng kịp thời xử lý, khắc phục.

Thứ hai, quán triệt sâu sắc quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Gắn PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nhóm nhiệm vụ, giải PCTNTC. Cụ thể: nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng, ban hành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTNTC; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực; gắn tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC với tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc phương châm: “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Thứ tư, tuyên truyền kết quả PCTNTC của các bộ, ngành, địa phương và cả nước; kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ việc và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng; kết quả xử lý các vụ việc về PCTNTC góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chính trị của Đảng và kết quả đấu tranh PCTNTC; giới thiệu, biểu dương gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình trong đấu tranh PCTNTC.

Thứ năm, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị về tình hình tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; âm mưu lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực để “bôi nhọ” chế độ, chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi bằng được tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, bên cạnh triển khai các nhiệm vụ khác, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC thời gian đến cần tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị thật trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

ĐẢNG ỦY SỞ TƯ PHÁP

;
;
.
.
.
.
.