ĐNO - Cách đây 94 năm, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cho xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1-8” đã tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ quần chúng nhân dân yêu nước đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1-8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.
Công tác Tuyên giáo thành phố luôn đi đầu, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố. Trong ảnh: Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: PV |
Trên cơ sở những tài liệu và sự kiện này, năm 2000, Bộ Chính trị khóa VIII đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn coi công tác Tuyên giáo là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Đảng.
Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
Trải qua lịch sử 94 năm xây dựng và phát triển, cùng với ngành Tuyên giáo cả nước, công tác tuyên giáo thành phố đã góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng đến nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, chuyển hóa thành niềm tin và ý chí sắt đá, góp phần đưa cách mạng Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để làm nên những kỳ tích hào hùng.
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Ban Tuyên huấn Quảng Đà và công tác tuyên huấn Quảng Đà đã ghi những mốc son trong truyền thống vẻ vang của công tác tuyên giáo thành phố.
Những tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên huấn, những bản tin của Thông tấn xã, những bài báo, bút ký, tùy bút, phóng sự, truyện ngắn, những bài thơ, tranh minh họa… trên báo Giải phóng và tạp chí Văn nghệ giải phóng Quảng Đà; lời ca, điệu múa, tiếng đàn của các chiến sĩ văn công, phim ảnh của đội chiếu bóng… là những món ăn tinh thần không thể thiếu, có sức động viên, cổ vũ như hồi kèn xông trận thúc giục các lực lượng cách mạng xốc tới, nắm thắt lưng địch mà đánh, cổ vũ các tầng lớp nhân dân làm nên những thắng lợi mang tầm vóc thời đại của sự nghiệp cách mạng.
Từ sau ngày Quảng Nam - Đà Nẵng được giải phóng, công tác tư tưởng hướng vào nội dung biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, tạo sự nhất trí, đồng thuận trong Nhân dân, vừa tập trung sức, vừa khắc phục hậu quả của chiến tranh, vừa thực hiện quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, đưa thành phố Đà Nẵng tiếp cận với thời kỳ đổi mới.
Tháng 1-1997, sau khi “chia tay” với người “anh em ruột thịt” Quảng Nam, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, nhất là kể từ ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố bước vào giai đoạn lịch sử mới, đáp ứng những nhiệm vụ mới.
Một trong những nhiệm vụ đó là, phải làm sao cho một thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng chuyển mình vươn lên mạnh mẽ với xuất phát điểm ban đầu là một đô thị cấp 3, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, xóm nhà chồ chật chội bên bờ sông Hàn, cuộc sống người dân bấp bênh theo những chiếc đò ngang... Đây là thời điểm Đà Nẵng đã khởi công xây dựng nhiều công trình trọng điểm tạo thành điểm nhấn của thành phố; hạ tầng viễn thông, cảng biển, sân bay đều có những bước phát triển mạnh…
Những kết quả quan trọng có dấu ấn sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ ngành Tuyên giáo thành phố đã không quản ngại khó khăn xuống tận cơ sở tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân, tạo nên sự đồng thuận xã hội, góp phần đưa Đà Nẵng thoát khỏi “chiếc áo” đô thị cũ chật chội, nỗ lực cải thiện hình ảnh và vị thế của mình để đáp ứng yêu cầu chung của khu vực.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đà Nẵng đã tạo ra được nhiều thành quả quan trọng, nhiều kỳ tích đáng tự hào.
Ngành Tuyên giáo đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nghị quyết và chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức các hội nghị quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định… của Trung ương, của thành phố theo hướng linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, kết hợp hài hoà giữa hội nghị trực tiếp với hội nghị trực tuyến, chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng chương trình hành động bám sát thực tiễn, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị; triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng về các tác phẩm, bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…
Kịp thời tham mưu tổ chức các hội nghị thông báo nhanh kết quả hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII; hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng kết nối đường truyền từ thành phố đến cơ sở với hàng chục điểm cầu, hàng nghìn cán bộ, đảng viên tham dự. Qua đó giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thi đua, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Ngành Tuyên giáo thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp công tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử tại Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Ảnh: PV |
Việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới, đi vào nền nếp. Công tác lý luận chính trị và lịch sử Đảng tiếp tục được quan tâm.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có sự đổi mới cả về nội dung và phương thức. Công tác định hướng tuyên truyền được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Công tác báo chí, phối hợp với các cơ quan Nhà nước cùng cấp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề dư luận, Nhân dân quan tâm được thực hiện chặt chẽ.
Công tác kiện toàn, tổ chức các hội nghị báo cáo viên, hoạt động tuyên truyền miệng, thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo được thực hiện thường xuyên. Công tác khoa giáo, văn hóa, văn nghệ có sự đổi mới.
Công tác xây dựng quy hoạch, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp tiếp tục được quan tâm.
Hiện nay, tình hình thế giới, trong nước và thành phố vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức, biến động khó lường, tác động không nhỏ đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tập trung chống phá trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, văn hóa...
Vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác tuyên giáo thành phố phải phát huy cao độ trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh chính trị, khắc phục những hạn chế, bất cập, đổi mới mạnh mẽ nội dung, sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp công tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực tuyên giáo, nhất là giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm đặt ra trong thực tiễn. Đẩy mạnh tuyên truyền chuyên sâu thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội khóa XV về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và (các văn bản mới của Trung ương, Thành ủy)… ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức đảng và đảng viên trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Hai là, đổi mới phương thức giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng theo hướng tập trung vào nội dung chủ yếu, cốt lõi, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng và đảm bảo nghiêm túc. nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu xây dựng, ban hành các chủ trương, định hướng về công tác tuyên giáo. Kịp thời tham mưu sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Thành ủy trên các lĩnh vực công tác tuyên giáo.
Ba là, nắm chắc, dự báo tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, không để tích tụ thành “điểm nóng”; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các sự cố khủng hoảng truyền thông; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bốn là, chú trọng lan tỏa thông tin tích cực, nhân rộng gương tập thể, cá nhân điển hình trong “học tập”, “làm theo” và “nêu gương” theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27-10-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay”; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sáng tạo, khát vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững.
Năm là, thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, từ đó chủ động đề xuất với cấp ủy các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực tuyên giáo; thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ tuyên giáo các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường bám nắm cơ sở; tích cực tham mưu cho cấp ủy để từng bước hiện đại hóa phương tiện, áp dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, giải quyết tốt những vấn đề người dân quan tâm, góp phần thống nhất ý Đảng, lòng dân, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Với truyền thống vẻ vang của ngành qua 94 năm xây dựng và trưởng thành, toàn ngành Tuyên giáo thành phố tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy những thuận lợi, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng bộ và Nhân dân giao phó, xứng đáng là cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng bộ và Nhân dân thành phố Đà Nẵng anh hùng.
MAI THỊ THU, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng