Sáng 29-3-1975, tại Phái Nhì, Điện Hòa, trong sân nhà bà Bảy Niệm, tôi lên yên sau chiếc Vespa Sprint màu xanh sáng, do anh Phán, cơ sở của Thành đoàn giải phóng Đà Nẵng, lái. Trời hanh nắng, có mưa bay, se lạnh. Khi xe qua cầu Đỏ, đến khu vực Cẩm Lệ thì thấy một chiếc trực thăng UH1A bay vòng vòng trên đầu. Máy bay lên cao dần, lượn về phía biển Sơn Trà. Đó là một trong những chiếc máy bay Mỹ cuối cùng rời không phận Đà Nẵng.
![]() |
Hồ Phú Ninh. Ảnh: ANH DUY |
Phán bình tĩnh cho Vespa chạy với tốc độ bình thường, qua các đường Đà Nẵng, dường như để cho tôi ngắm lại thành phố thân yêu của mình. Đường sá, hè phố ngổn ngang và bẩn. Đập vào cái nhìn đầy ngạc nhiên của tôi là những đôi giày sơn đá lăn lóc, những chiếc mũ sắt, cái úp, cái nghiêng hả miệng lên trời. Cả những chiếc xe Goben, Honda vô chủ chình ình bên vệ đường. Một cảnh tượng của cuộc tháo chạy tán loạn…
Ngày thứ hai, một trong những nhiệm vụ cấp bách Ủy ban Quân quản thực thi ngay là thiết lập trật tự trị an, cho mọi người dân yên vui. Ông Phạm Đức Nam - Sáu Nam, trên núi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Quảng Đà, được Tỉnh ủy phân công làm Phó ban Quân quản, cùng Nguyễn Thanh Năm - Năm Dừa và Phan Văn Nghệ, hai cán bộ từ chiến trường khốc liệt về, vẫn còn sức trẻ, năng nổ, tổ chức tập hợp thanh niên làm lực lượng nòng cốt, huy động ô-tô, bấy giờ hầu hết là xe vận tải của tư nhân, các chủ xe sẵn sàng cho Nhà nước trưng dụng. Nhanh chóng đưa hàng vạn dân đang mong sớm về quê nhà, kể cả dân các tỉnh bạn, chạy tránh bom đạn vào tá túc, chen chúc, trong thành phố Đà Nẵng.
Một thời gian ngắn, hầu hết bà con được về lại làng quê, chưa kịp mừng vui, bỗng ứa nước mắt, nhìn ruộng vườn hoang hóa, cỏ dại... Đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của người dân, tỉnh mở liên tiếp 3 chiến dịch ‘‘khai hoang vỡ hóa’’, ‘‘tấn công đồng cỏ’’, ‘‘phá dỡ bom mìn’’, để bà con bắt tay ngay cuốc đất, trồng khoai, trồng rau, màu để sớm có cái ăn.
Người dân về làng sau ngày chiến tranh, làm việc ‘‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’’, đau hơn là phải đổ cả máu, có đến 540 người hy sinh, 3.150 người bị thương vì đụng phải bom mìn của giặc Mỹ rình rập trong lòng đất. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Hồ Nghinh, cùng với Sáu Nam, Mười Chấp và Năm Dừa, hành quân đi hết xã này đến xã khác, vận động bà con “di dời mồ mả lấy đất cho sản xuất’’. Các lão nông tri điền, tóc hoa râm, chân yếu, lọm khọm, xúc động thấy ông Hồ Nghinh gầy nhom, chống gậy ra tận gò mả nói chuyện với bà con, vào tận các nhà thờ tộc gặp các bô lão về cái lợi của việc di dời mồ mả vào nghĩa trang cao ráo. Đảng nói đúng, việc ích nước, lợi nhà, dân tự nguyện làm với lòng tin yêu. Hàng ngàn ha đất mồ mả từ bao đời dọc hai bên quốc lộ 1, từ Hòa Vang vào đến Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình… trở thành những cánh đồng rộng, từng ngày xanh xanh hai vụ lúa.
Tiến tới xóa nạn ‘‘đói giáp hạt’’, Tỉnh ủy quyết định tăng nguồn nước, yếu tố hàng đầu, vốn rất thiếu, để thêm một vụ lúa... Nhân kỷ niệm hai năm ngày giải phóng, tỉnh phát lệnh khởi công công trình Đại thủy nông Phú Ninh, với hai mươi chín phát mìn nổ vang dội núi đồi Tư Yên, Chóp Chài, Đá Đen, Yên Thành...
Di dời trên hơn 1.560 hộ dân Tam Sơn, Tam Lãnh, Tam Trà, để làm lòng hồ, vấp không biết bao nhiêu chướng ngại. Ý Đảng, sự đồng thuận của lòng dân, khó mấy cũng vượt qua. Huyện Tam Kỳ huy động 57 ô-tô chở mấy ngày liền, đưa bà con lên... núi. Ty Lương thực lo chạy gạo, Ty Tài chính lo chạy tiền, công ty vật tư chạy tranh tre, cát, sạn, dụng cụ lao động… cho công trường, tất cả đều phải cật lực chạy đua với thời gian cho kịp ngày phát lệnh khởi công: 29-3-1977.
Tỉnh giao thành phố Đà Nẵng huy động đưa 3.000 quân lên công trường. Quân của quận Nhất đến sớm, đón nhận ngay tinh thần mà Phó chủ tịch Nguyễn Hà, chỉ huy trực tiếp tại công trường cho biết, công ty vật tư chưa thể cung cấp kịp tranh tre để làm nhà, quận tự xoay xở thì rất hoan nghênh. Bí thư Trần Bắc (Trần Hưng Thừa), Trương Chí Thanh, Chủ tịch quận Nhất, quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng, lên tận công trường chỉ đạo, kịp thời khắc phục những khó khăn.
Sau khi Ban Thường vụ Quận ủy nhất trí cao, lập tức tất cả cán bộ quận, cán bộ 12 phường, cùng Ban chỉ huy quận ra quân đi ngay xuống các phường vận động bà con ủng hộ tre, tôn, vận động thanh niên, tìm vật liệu, dụng cụ, chạy cả tiền và gạo, không chờ Ty Tài chính rót. Tiếp theo, các quận II, quận III, huyện Hòa Vang, tiếp tục dồn sức cho công trường Phú Ninh.
Lên công trình còn có cả những thanh niên sau ngày giải phóng từng xung phong đi khai hoang ở Ba Viên, sông Trường Định, gánh đất, xúc bùn, rác rưởi ở khu hầm bứa tạo thành Công viên 29-3. Huy động tre giữa Đà Nẵng, khó hơn huy động tiền và gạo. Khi nhận tre thì có tre tươi (vùng bàu Thạc Gián), tre đã làm giàn bí, tre đã nằm trên trính nhà. Còn tôn thì đủ loại, ngắn có, dài có, tấm mới, tấm cũ. Tất cả là tấm lòng của bà con Đà Nẵng với công trình Phú Ninh.
Những chiếc ô-tô tải nặng trĩu tôn, tre, chạy theo xe chở quà của hội phụ nữ cho riêng chị em và thực phẩm của bà con tiểu thương… Công ty Thương nghiệp cũng phải chạy mua thức ăn, chính là rau, muối mắm, từ chợ Cây Sanh ở gần, chợ Tam Kỳ xa gần bảy cây số, lên công trường nắng nóng, cát bụi mù…
Con đập chính nối núi Yên Thành và núi Đá Đen, dài 561m, cao 39m, chặn dòng sông Tam Kỳ, tích tụ 370 triệu m3 nước, tưới hơn 20 nghìn ha lúa của những đồng đất khô cằn của Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn và một ít cho Duy Xuyên, đưa năng suất một vụ, năng suất thấp, bấp bênh, tăng lên hai vụ, ba vụ, năng suất 4 tấn, 5 tấn/hecta… Sau bao đời, từ đây, toàn tỉnh cắt cơn ‘‘đói giáp hạt’’. Từ thành tựu rực rỡ này, tỉnh quyết định chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang công nghiệp, du lịch và dịch vụ… Xuất hiện đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, hai di sản văn hóa thế giới, khu du lịch sinh thái độc đáo Sơn Trà và Bà Nà Hills vang vọng.
Đà Nẵng tách ra trở thành thành phố loại 1, trực thuộc Trung ương, một bờ kè Bạch Đằng Đông phát huy tiềm năng và khả năng sáng tạo của người Đà Nẵng. Thành phố đẹp thêm những cây cầu. Cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… tạo động lực cho nơi từng là lách lầy, bờ tre, đồi cát, nơi có máu xương và linh hồn các chiến sĩ cách mạng kiên gan… thành những con đường rộng mở, những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy, khu thể thao đa năng, trung tâm triển lãm quốc tế… thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch… làm cho không còn sự ngăn cách giữa nội thành và ngoại ô, tạo thêm những miền đất hứa, mọc thêm những ngôi biệt thự tân kỳ, một vùng biển Sơn Trà xanh trong gió lộng, một khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Cẩm Lệ, khu định cư mới nhà cửa khang trang của bà con Cẩm Chánh - Lỗ Sài, Trung Lương, Cổ Mân, Cồn Dầu... qua bao đời, hễ mưa to là bùn ngập đường, ngập sân.
Bây chừ, bên bến Hàn, ngó qua Hà Thân, không còn thấy nước xanh như tàu lá mà vui sao, thấy phố xá nghênh ngang. Một sự thay đổi làm cho những ai rời Đà Nẵng bôn ba xứ người, có dịp về thăm người thân, thật sự vui và ngỡ ngàng.
Trải bao nắng nóng, mưa dầm, những trận đại hồng thủy nhận chìm thôn làng, đập chính Phú Ninh vẫn sừng sững như núi. Nhớ và biết ơn bà con đã ngậm ngùi, lặng lẽ rời làng ra đi. Nhớ những chiến sĩ giải phóng năm xưa, trung kiên, anh dũng, gan dạ… Cùng với họ là công lao, xương máu, những trận chiến đấu tử sinh… sẽ như tên đất, tên sông, như Ba Kỳ, Tư Yên, Long Sơn, Ngọc Nha, Trường Cữu... Thời gian có thể xóa tất cả, mãi còn truyền thống yêu nước, là kỷ niệm, là tình yêu, là khát vọng vươn mình...
HỒ DUY LỆ