Đội 'Quyết tử trụ bám': Những năm tháng không quên

Được thành lập ngày 31-3-1969, gần 56 năm trôi qua nhưng các cô, các bác của Đội “Quyết tử trụ bám” vùng 5, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) ngày ấy vẫn còn nhớ như in những câu chuyện về thời chiến. Vẹn nguyên lời thề “Quyết tử trụ bám để Tổ quốc quyết sinh”, những chiến công của đội đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Ông Mai Thanh Đông kể tên những thanh, thiếu niên ngày ấy của Đội “Quyết tử trụ bám” trong lần gặp mặt tại khu tưởng niệm năm 2015. Ảnh: XUÂN HẬU
Ông Mai Thanh Đông kể tên những thanh, thiếu niên ngày ấy của Đội “Quyết tử trụ bám” trong lần gặp mặt tại khu tưởng niệm năm 2015. Ảnh: XUÂN HẬU

Lời thề quyết tử

Mở màn cho chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Làm nên chiến thắng lịch sử ấy có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân Hòa Hải anh hùng và trong số đó có các cô, các bác của Đội “Quyết tử trụ bám”.

Những ngày đầu năm 2025, về phường Hòa Hải, chúng tôi được nghe ông Mai Thanh Đông (76 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội “Quyết tử trụ bám”, bà Mai Thị Liền (71 tuổi), bà Mai Thị Nhung (75 tuổi) kể về những kỷ niệm một thời gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi tự hào của thế hệ thanh, thiếu niên địa phương.

Sau tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch chuyển từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh”. Để thực hiện âm mưu, chúng thành lập các đoàn bình định, đưa quân về quản lý dân ở những nơi chiếm đóng, biến các xã vành đai tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (thuộc huyện Hòa Vang) thành vành đai trắng. Tại Hòa Hải, địch dồn dân ở các vùng tranh chấp vào các khu dồn Cống Tiềm và Dốc Ngự. Các khu vực quân ta đứng chân đều bị địch cày trắng, đánh phá ác liệt.

Trước tình thế ấy, cấp trên xác định “bằng mọi giá phải giữ dân cho bằng được, nếu mất dân là mất tất cả”. Thực hiện chủ trương trên, Đảng bộ xã Hòa Hải khi đó đã chọn Vùng 5 làm điểm phát động giành dân. Lúc ấy, ông Mai Thanh Đông, cán bộ Khu 3 tăng cường về Hòa Hải, được phân công làm Đội trưởng Đội “Quyết tử trụ bám”.

Quá trình vận động thành lập đội, ông Mai Thanh Đông và người dân nơi đây không thể nào quên tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Huỳnh Thị Một, người con gái giao liên khi ấy chỉ 15 tuổi. Dịp giáp Tết Mậu Thân 1968, Huỳnh Thị Một ra tín hiệu giải vây cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Để bảo vệ bí mật thông tin, liệt sĩ đã nhai toàn bộ công văn tài liệu nuốt vào bụng, bị địch bắt và giết hại dã man.

Sự hy sinh của liệt sĩ Huỳnh Thị Một đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù, quyết tâm đánh giặt của lớp thiếu niên, nhi đồng tại địa phương. Bà Mai Thị Liền, bà Mai Thị Nhung khi đó chỉ vừa 14, 15 tuổi. Sau nhiều tháng chuẩn bị, chiều 31-3-1969, đội “Quyết tử trụ bám” tổ chức lễ tuyên thệ tại nhà mẹ Chàng (Vùng 5). Trong lễ tuyên thệ, đội đã chọn mái tóc liệt sĩ Huỳnh Thị Một làm tiêu điểm để phát động căm thù, hình thành tổ đánh địch tại chỗ và tổ đánh địch ngay trong lòng giặc. 53 thành viên của đội cắt máu ăn thề và dùng máu viết lên tấm dù trắng lời thề đanh thép:

“Sống thì sống trên đất Hòa Hải, chết thì chết trên đất Hòa Hải, trên góc giang sơn mà Đảng giao bám trụ.

Khắc sâu mối thù với giặc Mỹ và bè lũ tay sai, quyết đánh đến cùng, mỗi ngày ít nhất phải tấn công chúng một trận.

Không sợ hy sinh, không sợ ác liệt, dù gian khổ tra tấn, tù đày cũng quyết giữ trọn lòng trung với Đảng, chí hiếu với dân.

Đoàn kết một lòng sống chết có nhau, tình sâu nghĩa nặng”.

Những lời ca, tiếng hát giữa chiến trường

Từ khi thành lập, đội được tổ chức chặt chẽ, chia làm 4 tổ đội: tổ canh gác cảnh giới địch, tổ đánh địch, tổ sản xuất, tổ đốn củi. Hằng ngày, các thành viên được phân công theo từng tổ thực hiện nhiệm vụ được giao phó. Nhiều lần tham gia trong tổ sản xuất, bà Mai Thị Liền nhớ lại, khi dân bị địch “xúc đi” dồn đến khu do chúng quản lý, nhiều cánh đồng bị bỏ hoang. Trên những cánh đồng ấy, thanh, thiếu niên của đội đã hăng hái trồng rau, củ, quả, bắt ốc, tăng gia sản xuất. Bên cạnh việc tạo nguồn lương thực để đội tiếp tục bám trụ, đội còn triển khai mô hình “Vườn rau nuôi anh” cung cấp thực phẩm nuôi các chiến sĩ, bộ đội.

Đối với tổ đội làm nhiệm vụ canh gác cảnh giới địch, các thành viên luôn xây dựng ám hiệu để thông tin các hoạt động của địch. Bà Mai Thị Nhung cho biết, khi nghe các ám hiệu như: “trâu nhảy xóm nhà Lô, nhà Lược, Cồn Lập,…” cả đội sẽ hiểu là địch đang đến cần hạn chế các hoạt động, còn “trâu về chuồng đóng cổng” là địch đã rút, có thể sinh hoạt như thường. Sau khi thực hiện các nhiệm vụ, các tổ đội sẽ họp bàn báo cáo kết quả. Đêm đến, trong những căn nhà hoang người dân bỏ lại, cả đội sẽ tụ họp cùng nhau để sinh hoạt, lời ca, tiếng hát của thanh thiếu niên lại được cất lên để động viên nhau cùng quyết bám trụ trên mảnh đất quê hương.

Từ những quyết tâm đó, đội vận động được nhân dân từ khu dồn trở về làng cũ, bảo vệ được các làng, các khu rừng, nơi che giấu cán bộ, chiến sĩ, lực lượng cách mạng, nối lại hành lang từ vùng giải phóng vào trong lòng địch. Đặc biệt, thực hiện lời thề “mỗi ngày ít nhất phải tấn công chúng một trận”, trong năm 1969, toàn đội đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, phá hủy 2 xe quân sự, thu hàng trăm quả lựu đạn M26, hàng ngàn viên đạn các loại trang bị cho lực lượng du kích địa phương. Sau gần 8 tháng trụ bám, cuộc sống nhân dân ổn định trở về làng cũ, đội giải thể, phần lớn các thành viên của đội tham gia vào du kích, bộ đội địa phương.

Những chiến công ấy được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của thanh niên Hòa Hải với 22/53 chiến sĩ hy sinh. Ông Đông xúc động nhắc về sự hy sinh của hai anh em Mai Văn Chính, Mai Văn Hý (năm 1970). Khi đó, trong một lần đánh địch, hai liệt sĩ không may vướng mìn cài đã anh dũng hy sinh. Với thành tích ấy, đội được Khu Trung Trung Bộ tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, tặng nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều dũng sĩ diệt Mỹ các cấp. Tuy chỉ hoạt động trong hơn 8 tháng, song những chiến công của đội góp phần quan trọng xây đắp nên truyền thống của xã Hòa Hải hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đoàn Thanh niên phường Hòa Hải làm lễ kết nạp đoàn viên cho thanh niên nhập ngũ năm 2025 tại Khu tưởng niệm Đội “Quyết tử trụ bám”. Ảnh: XUÂN HẬU
Đoàn Thanh niên phường Hòa Hải làm lễ kết nạp đoàn viên cho thanh niên nhập ngũ năm 2025 tại Khu tưởng niệm Đội “Quyết tử trụ bám”. Ảnh: XUÂN HẬU

Tiếp nối truyền thống

Gần 56 năm trôi qua, những kỷ niệm, những lời thề của Đội “Quyết tử trụ bám” vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những thanh, thiếu niên ngày ấy như ông Mai Thanh Đông, bà Mai Thị Liền, bà Mai Thị Nhung. Hơn ai hết, các thành viên của đội thấm thía và trân trọng giá trị của hòa bình. Đội thanh, thiếu niên quyết tử ngày ấy đến nay chỉ còn hơn 10 người. Năm 2010, để giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, tri ân những hy sinh anh dũng của các thanh, thiếu niên Hòa Hải ngày ấy, UBND thành phố đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm Đội “Quyết tử trụ bám”, nhà truyền thống Khu 3 và nhà truyền thống phường Hòa Hải. Đến nay, công trình đã trở thành nơi để đội gặp gỡ. Công trình cũng trở thành nơi để các đoàn viên, thiếu niên, nhi đồng của địa phương được đến tìm hiểu, học tập, tri ân, noi gương theo thế hệ đi trước. Hằng năm, vào dịp ngày 27-7 và cuối năm, đội lại tổ chức mâm cơm cúng cho các thành viên đã hy sinh và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về năm tháng hào hùng.

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hòa Hải Nguyễn Nhớ Hoài chia sẻ, vào các dịp ngày lễ lớn trong năm, Đoàn phường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên tại khu tưởng niệm. Tuổi trẻ Hòa Hải luôn khắc ghi những cống hiến, hy sinh của thế hệ thanh niên ngày ấy. Tài sản mà thế hệ cha ông để lại là tinh thần chiến đấu kiên cường đòi hỏi thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối và nỗ lực phát triển một Hòa Hải ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn.

XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.