Nhớ ngày giải phóng sân bay Nước Mặn

Trưa 29-3-1975, ở bờ tây sông Hàn, nhân dân Đà Nẵng xúc động, vui mừng khi chứng kiến lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính. Tuy nhiên, ở bờ đông sông Hàn, quân giải phóng tiếp tục chiến đấu ngoan cường nhằm tiêu diệt cứ điểm của địch ở sân bay Nước Mặn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng.

Cựu chiến binh Trần Chiến Chinh, nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 97, Mặt trận 44 Quảng Đà là một trong những người tham gia trận đánh giải phóng sân bay Nước Mặn vào ngày 29-3-1975. Ảnh: N.QUỐC
Cựu chiến binh Trần Chiến Chinh, nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 97, Mặt trận 44 Quảng Đà là một trong những người tham gia trận đánh giải phóng sân bay Nước Mặn vào ngày 29-3-1975. Ảnh: N.QUỐC

Ký ức mùa xuân lịch sử

Đã 50 năm qua đi, nhưng khi kể về trận chiến ác liệt ấy, cựu chiến binh Trần Chiến Chinh, nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 97, Mặt trận 44 Quảng Đà vẫn nhớ như in khoảnh khắc chỉ huy đoàn quân hừng hực khí thế tiến vào giải phóng sân bay Nước Mặn.

Ông Trần Chiến Chinh (quê xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) tham gia cách mạng tháng 7-1967, trưởng thành từ một chiến sĩ biệt động thành. Trong đời binh nghiệp, trận chiến giải phóng sân bay Nước Mặn ngày 29-3-1975 để lại cho ông những kỷ niệm khó quên. Năm 1965, sau khi đổ quân vào bãi biển Đà Nẵng, mở đầu chiến lược chiến tranh cục bộ, quân Mỹ xây dựng sân bay Nước Mặn (nay thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) chuyên dùng cho trực thăng, cách sân bay Đà Nẵng khoảng 8km. Đây là cứ điểm quan trọng của địch, tập trung quân số đông với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Do đó, việc đánh chiếm sân bay Nước Mặn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiến tới giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng.

Nhớ lại những ký ức hào hùng ngày giải phóng Đà Nẵng 50 năm về trước, ông Chinh cho biết, tháng 3-1975, tin chiến thắng Buôn Ma Thuột lan về làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên khắp mặt trận. Hoạt động quân sự khắp địa bàn Quảng Đà phát triển mạnh mẽ. Sau khi quân ta tiến công giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và phần lớn Quảng Nam, hầu hết lực lượng còn lại của địch rút về co cụm tại Đà Nẵng, khiến nơi đây trở thành trung tâm quân sự lớn nhất ở miền Trung.

Trước thời cơ “1 ngày bằng 20 năm”, ngày 22-3-1975, Mặt trận 44 Quảng Đà thành lập Trung đoàn 97 do ông Hà Bân làm Trung đoàn trưởng, với các đơn vị gồm: Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn đặc công 91, Tiểu đoàn 4. Trong đó, Tiểu đoàn 4 gồm hai đại đội của huyện Điện Bàn, một đại đội của Khu III Hòa Vang, quân số khoảng 150 người. Ông Đặng Ngọc Đường làm Tiểu đoàn trưởng, ông Phạm Hợi làm Chính trị viên trưởng, ông Mai Quang Đức làm Tiểu đoàn phó, ông Trần Chiến Chinh làm Tham mưu trưởng. Trung đoàn 97 cùng với Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) là lực lượng trực tiếp tham gia đánh chiếm sân bay Nước Mặn; phối hợp Quân đoàn 2 đánh chiếm bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, cùng với các đơn vị nội thành và lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền, tiến tới giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng bắt đầu từ 5 giờ ngày 28-3-1975.

Lĩnh ấn tiên phong

Lúc 7 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, cùng với các mũi giáp công tiến vào giải phóng Đà Nẵng, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 97 cũng tập trung tại cầu Biện (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và nhận lệnh đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Vào thời điểm này, căn cứ trên tập trung một sư đoàn thủy quân lục chiến, Lữ đoàn 14 biệt động quân, pháo binh và tàn quân từ Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Tiểu đoàn 4 là lực lượng tại chỗ nên trở thành đơn vị đi đầu đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Vào thời điểm tấn công, đơn vị trang bị hỏa lực khá mạnh với các loại như súng chống tăng B40, B41, đại liên, cối 82mm, súng trường AK.

Lúc 8 giờ 30 phút, ông Đức và ông Chinh chỉ huy đại đội 3, Tiểu đoàn 4 phát lệnh nổ súng, nhanh chóng tiến vào bên trong sân bay Nước Mặn. Trước sự tiến công như vũ bão của quân ta và kết hợp với binh địch vận, quân địch hoang mang, rệu rã, lũ lượt ra đầu hàng quân giải phóng. Khoảng 9 giờ 30, Tiểu đoàn 4 làm chủ khu vực trung tâm bên trong sân bay. Tuy nhiên, đến 12 giờ, ở phía bắc sân bay, một đơn vị địch vẫn co cụm trên tầng 4 của Cô nhi viện (nay là Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) sử dụng đại liên, cối 81mm chống trả quyết liệt làm chậm bước tiến công của Tiểu đoàn 4.

Đến 16 giờ cùng ngày, sau khi được hỗ trợ từ 2 chiếc xe tăng T54, Tiểu đoàn 4 củng cố đội hình, tăng cường hỏa lực, tấn công mãnh liệt vào quân địch còn sót lại. Đến 17 giờ 30 phút, quân ta làm chủ hoàn toàn sân bay Nước Mặn. Trận đánh này, Tiểu đoàn 4 không có người hy sinh. Cùng thời điểm trên, bộ đội chủ lực của quân ta với xe tăng và trọng pháo vượt cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) tiến qua chiếm lĩnh căn cứ Sơn Trà của địch, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng.

Dù trong thời chiến hay thời bình, ông Trần Chiến Chinh (giữa), luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương cho con, cháu học tập. Ảnh: NGỌC QUỐC
Dù trong thời chiến hay thời bình, ông Trần Chiến Chinh (giữa), luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương cho con, cháu học tập. Ảnh: NGỌC QUỐC

Với cựu chiến binh Trần Chiến Chinh, sau ngày giải phóng đất nước, ông tiếp tục công tác tại Quân khu 5. Từ tháng 12-1984 đến tháng 5-1985, ông là Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 3, Sư đoàn 859, tăng cường cho Sư đoàn 307 (Quân khu 5), chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Sau khi về hưu, ông tham gia Hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu). Đặc biệt, từ ba quyển nhật ký chiến trường, ông làm thành nhạc phim “Một thời để nhớ” và quyển hồi ký “Điều còn mãi” (Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2022) góp phần tìm kiếm 8 hài cốt liệt sĩ và cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng tìm kiếm 30 hài cốt đồng đội. Dù trong thời chiến hay thời bình, ông Trần Chiến Chinh luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương cho con, cháu học tập.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.