Chiều 29-3, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2020-2025.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Trung ương chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung và các Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. Về phía tỉnh Quảng Nam có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Triển khai kịp thời các chủ trương, đạt kết quả nổi bật
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương báo cáo những kết quả nổi bật trong thời gian qua. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, thời gian qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 10, thành phố tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đúc rút từ thực tiễn của thành phố về “xây dựng mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa - nhìn từ thực tiễn thành phố Ðà Nẵng” và rút ra “6 đặc trưng” về con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố trong thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa tại Đà Nẵng theo tiêu chí “5 cao” và “3 bền vững”.
Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và Kết luận số 118-KL/TW về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW. Công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp được chủ động triển khai sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra.
Việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp thực tiễn thành phố. Đến nay, thành phố đã hoàn thành theo đúng yêu cầu và chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo Bí thư Thành ủy, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Thường vụ Thành ủy kịp thời chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo 57 và ban hành 25 văn bản có liên quan để triển khai thực hiện; ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Thông báo số 01-TB/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương.
Thành phố đầu tư gần 1.400 tỷ đồng để xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn làm việc 92.000m2; xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút nhiều doanh nghiệp lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như: Marvell, FPT, Mixel, Synopsys và 19 doanh nghiệp khởi nghiệp đã đăng ký. Thành phố quyết định đầu tư Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trị giá hơn 500 tỷ đồng để phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố cùng với 3 khu công nghệ thông tin vốn ngoài ngân sách đang thực hiện đầu tư.
Về xây dựng Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng, thực hiện Thông báo kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo và chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) tham mưu xây dựng nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Theo đó, thành phố đã có quy hoạch các quỹ đất sạch hơn 16 ha và có khả năng mở rộng thêm 62 ha. Thành phố đang triển khai các nhiệm vụ về thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng Khu Trung tâm tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là bộ máy quản lý Trung tâm tài chính.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm lắng nghe chia sẻ thông tin về Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Ảnh: QUỐC CƯỜNG |
Kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, tạo cú hích phát triển
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị cho phép thành phố Đà Nẵng (sau khi thực hiện hợp nhất, hình thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ các định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa, cùng các quy hoạch đã được phê duyệt của 2 địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp định hướng, quy mô mới.
Về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, theo Bí thư Thành ủy, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới đề cập đến một số cơ chế nhỏ trong sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, như: giao đất trực tiếp, không thu tiền sử dụng đất; quyết định chủ trương đầu tư theo thủ tục đặc biệt; sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt để trọng dụng và thu hút nhân tài trong một số ngành, lĩnh vực mà Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định; thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, sàn giao dịch vốn của công ty khởi nghiệp sáng tạo.
Liên quan đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, thành phố đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và cần có tư duy, quan điểm vượt qua các quy định hiện nay để thể chế hóa tại Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam với các cơ chế đặc thù, đột phá.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà chúc mừng công nhân lao động trên công trường xây dựng bến cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung.Ảnh: NGỌC PHÚ |
Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp tục là cực tăng trưởng chiến lược
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao những kết quả nổi bật của hai địa phương, đồng thời chỉ rõ một số hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình phát triển mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính, trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển và bộ máy quản lý phù hợp tầm nhìn dài hạn.
Về chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, Tổng Bí thư khẳng định đây là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng. Đây là một cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho “tầm nhìn trăm năm” phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều phải vì lợi ích thiết thực và lâu dài của nhân dân.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần giải thích, đối thoại, bảo đảm công việc hành chính vận hành thông suốt, dịch vụ công nhanh chóng, thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, bảo tồn các tên gọi truyền thống dưới nhiều hình thức khác nhau, xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử, văn hóa…, thực hiện đúng chủ trương “cái mới phải tốt hơn cái cũ”, nhân dân phải được phục vụ tốt hơn.
Tổng Bí thư cho biết, sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng. Tổng Bí thư đề nghị cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đổi mới mô hình tổ chức, siết chặt kỷ luật, nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ. Cán bộ phải thực sự là trung tâm đổi mới, là người gắn bó với dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và là người lan tỏa niềm tin trong nhân dân. Việc tinh giảm biên chế phải giữ lại được những người giỏi. Chính sách an sinh xã hội, người có công, người yếu thế cần tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.
Nhấn mạnh một số định hướng thời gian tới, Tổng Bí thư nêu rõ, xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới, cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại; cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao... Với không gian phát triển mới, cần xác định rõ vai trò và lợi thế chiến lược riêng: như cực phát triển công nghiệp, logistics (Chu Lai), trung tâm du lịch văn hóa; sinh thái (Hội An - Mỹ Sơn), khu vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Quy hoạch tổng thể phải bảo đảm phát triển cân bằng.
Tổng Bí thư đề nghị, định hình Đà Nẵng - Quảng Nam mới thành “trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia”, tiên phong trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển; triển khai mô hình “Chính quyền số - Đô thị thông minh - Nền hành chính hiện đại”; nâng cao chất lượng vốn con người, thu hút nhân tài; xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức Đảng gắn với mô hình quản trị mới; tiếp tục nâng cao và chăm lo đời sống người dân, tập trung xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều công ăn việc làm nguồn nhân lực tại địa phương, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển; tăng cường năng lực quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống; tăng cường liên kết vùng - phát triển theo tư duy “không biên giới hành chính” giữa các địa phương.
Theo Tổng Bí thư, sáp nhập không chỉ là thay đổi hành chính, mà đó là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực; cần phát huy thế mạnh đôi bên, cùng quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và khát vọng phát triển, để vùng đất Quảng - Đà thực sự vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế. Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Trung ương, nhất là Quốc hội và Chính phủ, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng - Quảng Nam mới mà cho cả khu vực miền Trung và đất nước.
Tổng Bí thư tin tưởng Đà Nẵng - Quảng Nam mới sẽ tiếp tục là cực tăng trưởng chiến lược, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống hàng đầu, góp phần đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững và thịnh vượng.
Tổng Bí thư Tô Lâm khảo sát một số công trình, dự án quan trọng Ngày 29-3, Tổng Bí thư Tô Lâm có chuyến khảo sát tại dự án Bến cảng Liên Chiểu, tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu và Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. Đến thăm Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng khi thành phố Đà Nẵng tiếp tục hình thành thêm 1 khu công viên phần mềm, đóng góp vào mục tiêu định hướng chung phát triển thành phố trong tương lai. Tổng Bí thư nhấn mạnh về giá trị, sự cần thiết của phát triển khoa học công nghệ trong xu thế phát triển chung của thế giới. Đồng thời mong muốn, khi đất nước đi sau trong khoa học công nghệ thì phải lựa chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến, phải “đi tắt, đón đầu”. |
NGỌC PHÚ - XUÂN HẬU - QUỐC CƯỜNG