Đà Nẵng bứt phá thu hút đầu tư

Thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng để tạo nguồn lực phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng trong hiện tại và giai đoạn tới.

Thành phố tập trung thu hút đầu tư, tạo đòn bẩy phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội. TRONG ẢNH:
Thành phố tập trung thu hút đầu tư, tạo đòn bẩy phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội. TRONG ẢNH: Đô thị ven biển Đà Nẵng ngày càng mở rộng với nhiều công trình cao tầng hiện đại. Ảnh: HUY TUẤN

Khẳng định vai trò động lực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Nguồn lực đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phấn đấu tạo dựng nền kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực; khẳng định thương hiệu là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997), đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Đà Nẵng theo hướng tích cực, qua đó đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng GRDP, tăng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, tăng trưởng xuất khẩu, số lượng lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc thu hút ngày càng nhiều các dự án có công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hội nhập quốc tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố Đà Nẵng từ khi chia tách tỉnh năm 1997 đến năm 2015 tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản - du lịch, xây dựng và công nghiệp chế biến. Số lượng dự án và quy mô đầu tư đều có sự gia tăng vượt trội so với giai đoạn 2001-2005 do thu hút được nhiều dự án đầu tư vào bất động sản - du lịch.

Giai đoạn 2015-2020, thu hút đầu tư có sự chuyển biến mạnh mẽ; các dự án đầu tư cấp mới trong giai đoạn này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics, du lịch… theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, số lượng dự án mở rộng quy mô đầu tư, nâng công suất ngày càng tăng đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tính đến ngày 31-12-2024, thành phố đã thu hút hơn 75.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 35,2% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 1.021 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,573 tỷ USD. Trong đó, có 10 dự án cấp mới quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư 24.393 tỷ đồng, tăng hơn 220% so với cùng kỳ năm 2023 khi chỉ có 13 dự án với tổng vốn 7.609 tỷ đồng. Ngoài ra, có 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 50.613 tỷ đồng.

Lãnh đạo thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH LÂN
Lãnh đạo thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH LÂN

Phát huy các lợi thế, để cạnh tranh thu hút đầu tư

Tại các hội thảo về thu hút đầu tư, Đà Nẵng được đánh giá có vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng tiếp cận với các thị trường trong khu vực và trên thế giới cũng như có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhất khu vực miền Trung với sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, đường cao tốc, 6 khu công nghiệp, 3 khu công nghệ thông tin, 1 khu công nghệ cao tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Thành phố có cơ cấu dân số trẻ, nguồn nhân lực được đào tạo tốt; hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn... là một lợi thế lớn trong việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.

Theo đánh giá, môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng luôn nằm trong số các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc tốp đầu cả nước. Với việc áp dụng mô hình “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính và sự đồng hành của chính quyền thành phố với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng đã tạo dựng được niềm tin và nâng cao vị thế của thành phố trong mắt các nhà đầu tư.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và dành nhiều ưu tiên để tạo điều kiện cho sự phát triển của thành phố như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quyết định của Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu...

Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, yêu cầu nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện thể chế, ban hành các cơ chế, chính sách, xác định tư duy, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển; nhận diện đầy đủ, chính xác các tiềm năng, lợi thế, dư địa, tạo ra không gian, động lực phát triển mới.

Thành phố tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Cùng với đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đánh dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với thành phố Đà Nẵng.

Thành phố xúc tiến, trao đổi với đối tác nước ngoài về tiềm năng, lợi thế.  Ảnh: THÀNH LÂN
Thành phố xúc tiến, trao đổi với đối tác nước ngoài về tiềm năng, lợi thế. Ảnh: THÀNH LÂN

Với việc cho phép thành phố triển khai chính thức chính quyền đô thị từ ngày 1-1-2025 cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị và áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, lần đầu tiên được áp dụng trọng nước, Nghị quyết số 136/2024/QH15 là văn kiện quan trọng để thành phố Đà Nẵng phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, tạo đột phá phát triển trong giai đoạn tới. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng để thành phố tiến tới hoàn thành những mục tiêu trước mắt và lâu dài được nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và quyết định của Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Trong thời gian tới, để phát huy các thế mạnh sẵn có, nắm bắt các cơ hội phát triển, thành phố cần có những định hướng đúng đắn để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo đó, thành phố xác định đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI có khả năng hình thành các chuỗi cung ứng mới và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đà Nẵng tiếp tục thu hút vốn FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng; đồng thời khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn cũng như tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà thành phố đang có lợi thế như: công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử; nghiên cứu và phát triển; dịch vụ logistics, thương mại...

GIA MINH

;
;
.
.
.
.