Dấu tích thời kỳ đầu của Thị ủy Tourane

Ngày 28-3-1930, Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh đảng bộ Quảng Nam- Đà Nẵng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ, đánh dấu cột mốc lịch sử của thời kỳ đấu tranh cho độc lập và dân chủ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngôi nhà bà Phán Thạnh, nơi in cuốn Đường Kách mệnh đầu tiên tại Quảng Nam - Đà Nẵng, vào năm 1927. Nay được bà Nguyễn Thị Sáu, nguyên chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng, công nhân Nông trường Quyết Thắng đang sử dụng. Ảnh: TRỌNG HUY
Ngôi nhà bà Phán Thạnh, nơi in cuốn Đường Kách mệnh đầu tiên tại Quảng Nam - Đà Nẵng, vào năm 1927. Nay được bà Nguyễn Thị Sáu, nguyên chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng, công nhân Nông trường Quyết Thắng đang sử dụng. Ảnh: TRỌNG HUY

Tại Đà Nẵng, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, Thị ủy Tourane (Đà Nẵng) của Đông Dương Cộng sản Đảng đã chuyển thành Thị ủy Tourane của Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt quan trọng trong công tác tư tưởng, chính trị, tổ chức và phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Qua 95 năm thành lập và trưởng thành, đến nay dấu tích thời kỳ đầu ra đời Thị ủy Tourane vẫn còn lưu dấu tại trường Cự Tùng (52 Trần Bình Trọng hiện nay) và nhà bà Phán Thạnh, khu vực xóm giếng Bộng (số 107-109 Trưng Nữ Vương hiện nay).

Theo tài liệu lịch sử, vào những năm 1917-1918, số học sinh ở Quảng Nam - Đà Nẵng ra Huế học bậc trung học, theo sáng kiến của một số người, đã thành lập Nhà hội Quảng Nam tạo điều kiện ăn ở học tập bớt tốn kém. Học sinh ở Nhà hội Quảng Nam tiếp xúc với sách báo cách mạng và đến thăm cụ Phan Bội Châu, được con rể của cụ là Vương Thúc Oánh, phái viên của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, gặp gỡ, tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Tháng 4-1927, ở Huế nổ ra bãi khóa lớn. Nhà hội Quảng Nam biến thành trung tâm lãnh đạo bãi khóa. Địch đàn áp dữ dội, đóng cửa trường học. Số anh em ở nhà hội bỏ học, phân tán khắp nơi, có số gia nhập tổ chức cách mạng.

Chính lúc đó, Đỗ Quang, phái viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, kịp thời gặp số học sinh bãi khóa, vận động thành lập Ban Vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam, gồm có Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Phan Long, Thái Thị Bôi. Đỗ Quang quê ở Quế Sơn. Cuối năm 1926, ông được phái viên của Tổng bộ thanh niên cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện. Ông được gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được đồng chí Hồ Tùng Mậu giao nhiệm vụ về nước phát triển hội viên.

Tháng 6-1927, toàn bộ Ban vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam chuyển về hoạt động tại Đà Nẵng, lấy trường Cự Tùng làm nơi dạy học, sinh sống và làm cơ quan liên lạc. Ban vận động ra đời đúng lúc tuổi trẻ Đà Nẵng khao khát tìm hiểu cách mạng để chọn hướng đi. Ban vận động đã in cuốn Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc để làm tài liệu tuyên truyền (tại nhà bà Phán Thạnh). Cuốn sách đã vạch rõ cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, công nông là gốc của cách mạng. Tuổi trẻ Đà Nẵng đã tiếp thu cách mạng qua Đường Kách mệnh, tìm thấy một nguồn sức mạnh mới, vì vậy việc phát triển hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên khá nhanh. Đến tháng 9-1927, chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Đà Nẵng được thành lập do Đỗ Quang làm bí thư.

Theo sách Lịch sử Đảng bộ quận Hải Châu, sau một thời gian ngắn, từ Đà Nẵng đến Quảng Nam qua quá trình vận động đã thành lập được 3 tổ chức đảng. Tỉnh đảng bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được thành lập tại nhà bà Phán Thạnh, Ban Chấp hành Tỉnh đảng bộ gồm có các đồng chí: Đỗ Quang, Nguyễn Văn Tường, Phan Long, Lê Văn Hiến, Lê Văn Sung, Thái Thị Bôi, Nguyễn Thái; đồng chí Đỗ Quang làm bí thư, đồng chí Lê Văn Hiến được cử đi dự hội nghị Kỳ bộ tháng 2-1928. Tháng 5-1928, cũng tại địa điểm nói trên, đại biểu của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thừa Thiên, Quảng Trị đến dự họp, có các ủy viên Kỳ bộ Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Lợi, Phan Trọng Bình.

Theo sách Lịch sử công tác Tuyên giáo Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1930-2020), ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập và phát đi tuyên ngôn, cương lĩnh của Đảng. Tháng 6-1929, Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ được thành lập. Nguyễn Phong Sắc được cử vào phía nam hoạt động, lập ra cơ quan Phân xứ ủy ở Đà Nẵng. Tháng 9-1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Quảng Nam được thành lập do Phan Văn Định làm bí thư. Đảng bộ ra đời đã xúc tiến phát triển đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng. Đà Nẵng là đơn vị trực thuộc Xứ ủy lãnh đạo nên một số cán bộ Nghệ Tĩnh vào “vô sản hóa” tại cơ quan Phân xứ ủy được Xứ ủy chỉ định tham gia Thị ủy Tourane lâm thời do Xứ ủy thành lập vào tháng 12-1929, gồm có Hồ Sĩ Thiều (bí thư), Nguyễn Thông và Nguyễn Thị Giảng (ủy viên).

Sau hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc) thành công, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được phân công đặc trách Xứ ủy Trung kỳ. Ngày 28-3-1930, Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ. Ban Chấp hành lâm thời gồm có các đồng chí Phan Văn Định, Phạm Thâm, Nguyễn Thái do Phan Văn Định làm bí thư, Phạm Thâm làm phó bí thư. Về sau, Xứ ủy tăng cường thêm 3 cán bộ tham gia Tỉnh ủy. Đồng chí Phan Văn Định để cử đồng chí Phạm Thâm làm bí thư thay mình vì có điều kiện đi lại hoạt động ở nông thôn, sâu sát phong trào hơn.

Ở Đà Nẵng, Thị ủy lâm thời do Xứ ủy lập ra trước đây vẫn còn giữ nguyên nhưng phát triển thêm nhiều đảng viên mới, lập thêm một chi bộ mới 5 người do Nguyễn Sơn Trà làm bí thư. Thị ủy Đà Nẵng cho xuất bản tờ báo Còi nhà máy, cùng với tờ Lưỡi cày của Tỉnh ủy Quảng Nam và tờ Bẻ xiềng của Xứ ủy để làm công cụ tuyên truyền cách mạng, chủ nghĩa cộng sản và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Sự ra đời của Thị ủy Tourane đã đánh dấu mốc lịch sử của nhân dân Đà Nẵng, từ nay bước vào thời kỳ đấu tranh mới, thời kỳ đấu tranh dân tộc, dân chủ theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Trong tài liệu lịch sử Ban Tuyên giáo Thành ủy và sách lịch sử Đảng bộ quận Hải Châu cũng như các phường thuộc quận, trong suốt thời kỳ 1927-1930, quá trình thâm nhập chủ nghĩa Mác-Lênin và sự ra đời của Thị ủy Tourane, tại nhà bà Phán Thạnh, khu vực xóm giếng Bộng và trường Cự Tùng trở thành nơi gặp gỡ, bàn kế hoạt động cách mạng của các đồng chí trong Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Hiện nay, ngôi nhà tại 52 Trần Bình Trọng và 107 Trưng Nữ Vương là di tích lịch sử-văn hóa đã được đăng ký bảo vệ.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.