Trong quá trình ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng, Đặc Khu ủy Quảng Đà để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Nói đến vai trò, ý nghĩa, nhất là những dấu ấn trong quá trình ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng của Đặc Khu ủy, không thể không nhắc đến vai trò của Căn cứ Hòn Tàu - “Căn cứ của niềm tin, căn cứ của lòng dân” xứ Quảng.
![]() |
Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu 5, chỉ huy cuộc tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng (tháng 3-1975) |
Căn cứ của lòng dân xứ Quảng
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, địch tổ chức nhiều cuộc phản kích quyết liệt vào nông thôn, đồng bằng, vào vùng căn cứ gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất. Trước tình hình đó, cuối năm 1968 bộ phận tiền phương của Đặc Khu ủy về đóng ở núi Nhà Muỗi thuộc Căn cứ Hòn Tàu. Còn bộ phận hậu cứ vẫn đứng chân tại khu vực ranh giới giữa huyện Nam Giang và Đại Lộc (gọi là Căn cứ A7).
Theo Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng: “Từ xa, trông núi giống như đầu chiếc tàu thủy khổng lồ quay mũi về phía tây, nên dân gian gọi là Hòn Tàu”. Hòn Tàu có nhiều núi hiểm trở, như: núi Nhà Muỗi, núi Cù Hang, núi Mặt Rạng; có nhiều hang động chứa được nhiều người, làm nơi sinh hoạt, hội họp. Từ Hòn Tàu nhìn xuống đồng bằng Quảng Nam rất rõ và nếu nhìn từ Đà Nẵng lên thì nơi đây như một bức bình phong vòng cung che chắn thành phố biển từ phía nam và tây nam. Đáng lưu ý, Hòn Tàu nối liền với vùng núi tây Quảng Nam, hình thành vùng căn cứ địa liên hoàn, khi cần thiết có thể rút lui an toàn. Từ Hòn Tàu, có thể xuôi xuống Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, hay ngược lên Hiệp Đức, Đại Lộc, qua Hòa Vang... là căn cứ gần Đà Nẵng, vì vậy thuận lợi cho việc theo dõi, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, tổ chức các hoạt động đấu tranh.
Theo ông Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà lúc bấy giờ, thì: “Đứng trên núi Mặt Rạng, Hòn Tàu như đứng trên đầu thù, một vị trí thật lý tưởng, thật tuyệt vời cho chỉ đạo chiến tranh cách mạng”.
Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng đó, tháng 12-1971, Hội nghị Đặc Khu ủy quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của Đặc Khu ủy về đứng chân tại Hòn Tàu. Trong gần 8 năm đứng chân tại Hòn Tàu (1968-1975), Đặc Khu ủy tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng hoạch định chiến lược và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn cam go, ác liệt và gian khổ nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Quảng Đà, nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, dưới sự lãnh đạo của Đặc Khu ủy, quân và dân Quảng Đà đã vượt qua chặng đường đầy thử thách này để góp phần thay đổi cục diện trên chiến trường, tiến đến giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng và góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Địch biết, thậm chí biết rõ căn cứ Đặc Khu ủy ở nơi này, nhưng suốt bao nhiêu năm đánh phá, tìm đủ mọi cách từ pháo kích, ném bom, thả biệt kích càn quét… nhưng căn cứ vẫn vững vàng. Giữa cam go của cuộc chiến, bao mệnh lệnh được phát đi từ căn cứ đã góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa quê hương đi đến ngày giải phóng. Theo Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà: “Hơn hết, Hòn Tàu chính là một căn cứ của niềm tin. Bởi, sự vững chắc của Đặc Khu ủy trong suốt thời gian dài. Hoạt động ở Hòn Tàu đã tiếp sức cho bao thắng lợi khắp quê hương Quảng Đà ngày ấy. Không phải chỉ đơn thuần là nơi ẩn nấp, Hòn Tàu cũng là cứ địa để nuôi dưỡng, tích lũy lực lượng cách mạng, từ đó kiên trì đấu tranh... Bao lần địch rải chất độc hóa học, ném bom, núi đồi vẫn xanh, Đặc Khu ủy, các lực lượng vẫn an toàn trong hang núi mặc cho địch đánh phá dữ dội.
Nhưng quan trọng hơn cả, là từ Hòn Tàu, một niềm tin được gieo xuống trong lòng dân, nhất là người dân ở vùng lân cận. Suốt những năm tháng ấy, dân một lòng ủng hộ, chở che, giúp đỡ cho cách mạng. Bao tuyến đường huyết mạch, đường liên lạc, vận chuyển lương thực được giữ. Dù qua nhiều lần di chuyển khắp Hòn Tàu, nhưng nơi đóng chân của Đặc Khu ủy luôn giữ bí mật tuyệt đối, nhờ dân, nhờ sự trung thành của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng”.
“Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến giá trị lịch sử của một núi Hòn Tàu sừng sững thôi thì chưa đủ, mà phải nói rộng ra, nhấn mạnh thêm vai trò, vị trí của lòng dân. Bởi nếu không có nhân dân thì không có Căn cứ Hòn Tàu. Tất cả gạo thóc, lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ lúc bấy giờ đều nhờ vào dân tiếp tế. Khi nhắc đến Căn cứ Hòn Tàu phải nói đến lòng dân. Căn cứ Hòn Tàu là căn cứ lòng dân”, ông Phạm Thanh Ba nhấn mạnh.
![]() |
Khu nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà tại Căn cứ Hòn Tàu (Nhà phục dựng). (Ảnh tư liệu) |
Hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, với bản chất ngoan cố và hiếu thắng, Mỹ - ngụy âm mưu phá hoại hiệp định, thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng, xóa thế da beo và “đẩy cộng sản lên biên giới”. Trước tình hình đó, tháng 7-1973, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 21, ban hành nghị quyết mới, nêu rõ: “Dù phát triển theo khả năng nào, con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng”, với phương châm “Kiên quyết phản công và tiến công, giữ vững và phát huy thế chủ động, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch”.
Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương và chủ trương của Khu ủy Khu 5, Đặc Khu ủy họp bàn nhiều biện pháp nhằm chuyển hướng lãnh đạo, xác định nhiệm vụ trung tâm lúc này là “ra sức đánh bại kế hoạch lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta”. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời vì dự báo tình hình sau Hiệp định Paris sẽ diễn biến phức tạp, địch sẽ không tuân thủ nội dung đã ký kết. Đó là bài học mà Đặc Khu ủy đã rút ra từ kinh nghiệm trong việc thi hành Hiệp định Genève gần 20 năm trước, khi đó ta nghiêm chỉnh thi hành hiệp định còn địch đã ngang nhiên xé bỏ nội dung hiệp định, tàn sát cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước của ta.
Từ ngày 4 đến ngày 10-9-1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ Đặc Khu ủy Quảng Đà, đại hội cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ đã đánh giá tình hình địch - ta, những khó khăn, thuận lợi và những bước đi của Đảng bộ qua chặng đường máu lửa suốt 19 năm chống Mỹ trên quê hương đất Quảng. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là “ra sức đánh bại lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta. Hướng tấn công chủ yếu là nhằm vào vùng tranh chấp và vùng địch. Phương châm là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao”.
Sau đại hội, các địa phương, đơn vị đã nhanh chóng chuyển hướng nhiệm vụ, tập trung sức xây dựng lực lượng, đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của địch, xây dựng vùng giải phóng thành hậu cứ vững chắc để chuyển qua thế tiến công chiến lược. Những chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974, đầu năm 1975. Đặc biệt, chiến thắng Thượng Đức (7-8-1974) đã mở toang cánh cửa thép tiến vào Đà Nẵng, là dấu mốc quan trọng, góp phần xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu ủy và Quân khu 5 chuẩn bị tích cực và khẩn trương cho chiến dịch tiến công vào Đà Nẵng.
Ngày 21-3, Thường vụ Khu ủy 5 điện triệu tập toàn Ban Thường vụ Đặc Khu ủy lên nhận chỉ thị của Khu ủy. Ngày 23-3, các đồng chí Trần Thận, Phan Hoan, Phạm Hồng Quang đến Văn phòng Khu ủy 5 để nhận chỉ thị. Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5, trực tiếp thông báo về diễn biến tình hình chung trên chiến trường và nhận định khả năng giải phóng Đà Nẵng. Tại Hòn Tàu, ngày 24-3, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy họp quán triệt chủ trương của cấp trên và bàn kế hoạch giải phóng Đà Nẵng. Tiếp đó, chiều ngày 27-3, đồng chí Võ Chí Công cùng bộ phận tiền phương của Khu ủy 5 kiểm tra toàn bộ kế hoạch giải phóng Đà Nẵng, phân công các mũi công tác triển khai tiếp cận thành phố, đồng thời trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng
Mờ sáng ngày 28-3-1975, từ Căn cứ Hòn Tàu, tất cả cán bộ chỉ huy của Khu ủy 5 và toàn bộ cơ quan Đặc Khu ủy chia làm hai hướng tiến về Đà Nẵng. Với khí thế tấn công thần tốc, trưa ngày 29-3-1975, quân chủ lực cùng với tự vệ và biệt động thành phố đã tiếp quản Tòa Thị chính. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam phất phới tung bay trên nóc Tòa Thị chính, thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.
Đánh giá về vị trí, tầm vóc của cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng năm 1975, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập, có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa”.
ANH KHÔI