Cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975 là chiến công mở đầu đưa đến thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một bản anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh. Để giúp bạn đọc có nhiều thông tin hơn về sự kiện này, chúng tôi căn cứ vào các tài liệu hiện lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh, tài liệu hồi ký của các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Khu ủy Khu V và Đặc khu Quảng Đà tại Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy để giới thiệu đến bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về quá trình giải phóng thành phố Đà Nẵng, một căn cứ quân sự hải - lục - không quân khổng lồ của Mỹ, ngụy tại miền Nam.
![]() |
Đồng chí Võ Chí Công đang chỉ đạo cuộc tiến công (29-3-1975). |
Kỳ 1: “Tình thế đã chín muồi”
Mùa Thu năm 1974, Khu ủy Khu V quyết định tiến công tiêu diệt cứ điểm Thượng Đức nhằm “mở toang cánh cửa phía tây để giải phóng Đà Nẵng”. Việc chọn đánh và chiến thắng Thượng Đức là đòn quyết định sáng suốt, bởi mất Thượng Đức thì địch tại Tam Kỳ, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và nhất là Đà Nẵng sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng.
Cục diện chiến trường miền Nam ngày càng thay đổi nhanh chóng, nhằm chuẩn bị các điều kiện cho giải phóng Đà Nẵng, ngày 5-1-1975, Khu ủy Khu V gửi Đặc khu Quảng Đà bức điện chỉ đạo thực hiện gấp các nhiệm vụ sau: 1. Tập hợp đông đảo quần chúng, phát huy vai trò lực lượng thứ ba. 2. Đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, thi hành Hiệp định Paris. 3. Khoét sâu mâu thuẫn làm cho địch khủng hoảng nghiêm trọng và sâu sắc. 4. Đẩy mạnh đấu tranh chính trị. 5. Xây dựng và phát triển thực lực. Trong đó phải nhanh chóng đưa lực lượng cốt cán ra căn cứ để học tập chủ trương tổng tiến công, nổi dậy giải phóng Đà Nẵng khi có thời cơ đến. Thời gian tiến hành: Từ nay đến cuối tháng 3-1975, nên tranh thủ trong dịp Tết để tiến hành”.
Ngay sau đó, một bức điện khác, Khu ủy Khu V cho biết: “Có hai lý do khiến cho Mỹ phải thay Thiệu và chấm dứt chiến tranh ở miền Nam: 1. Tình hình kinh tế, chính trị của Mỹ không cho phép kéo dài và gây lại chiến tranh ở miền Nam. 2. Mỹ cần sớm thành lập một tập đoàn tay sai mới ở Sài Gòn để đối phó tình hình ở miền Nam. Và hiện nay, tinh thần, tư tưởng ngụy quân, ngụy quyền sa sút nghiêm trọng, theo báo cáo của địch thì tình trạng binh biến, đào rã ngũ, ly khai diễn ra khắp nơi và mạnh mẽ; nhiều tiểu đoàn chủ lực cao nhất 250 tên, thấp nhất 150 tên. Vì vậy, các đồng chí hay chuẩn bị sẵn sàng để tiến công, nổi dậy”.
Cùng ngày (5-3-1975), Đặc Khu ủy Quảng Đà đánh đi một bức điện gửi các địa phương cần đẩy mạnh tấn công binh vận theo tinh thần gắn chặt công tác binh vận với dân vận, kết hợp chặt chẽ với tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng, phải “làm tan rã lớn lực lượng địch, phá rã cơ bản phòng vệ dân sự, phá rã làm mất tác dụng lực lượng dân vệ, vận động đào rã ngũ đưa về vùng ta, đánh tụt quân số địch”.
Để xây dựng lực lượng nòng cốt cho tổng tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng, ngày 7-3-1975, Khu ủy Khu V chỉ thị: “A15 giao cho Ban thành phố vạch chỉ tiêu rút thanh niên, học sinh nội trú vùng ven ra vùng giải phóng, chỉ tiêu giao là Đà Nẵng phải từ 1.000 đến 1.500 học sinh và thanh niên”. Tình hình Đà Nẵng mỗi ngày thêm chuyển biến mau lẹ, cán cân lực lượng cách mạng nghiêng hẳn về ta, ngày 13-3-1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ đạo các địa phương nêu rõ: “Địch đang đi vào thế phòng ngự, bị động, tinh thần tư tưởng hoang mang dao động, đào ngũ ngày càng nhiều, có nhiều biểu hiện rã về tổ chức. Vì vậy, phải vươn lên tiến công áp đảo địch”.
Đồng chí Phạm Đức Nam, nguyên Phó Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, sau này nhớ lại: Ngày 18-3-1975, Thường vụ Khu ủy V (A15) triệu tập anh Trần Thận, Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà lên giao nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng. Cùng đi có các anh Phan Hoan và Trần Văn Tân trong Thường vụ Đặc Khu ủy. Tình hình Quảng Đà lúc này biến động dữ dội: Ở phía bắc, quân dân Trị Thiên dồn dập tấn công các cứ điểm phòng thủ của Sư đoàn 1 ngụy.
![]() |
Đồng chí Hồ Nginh tại cánh đồng Nam Phước trên đường hành quân giải phóng Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu) |
Ở phía nam, quân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và bộ đội Sư đoàn 2 tấn công quyết liệt vào thị xã Quảng Ngãi, Tam Kỳ và nhiều vùng phụ cận. Đà Nẵng lúc này đã hoàn toàn bị cô lập. Bọn tàn binh ngụy từ khắp nơi đổ dồn về Đà Nẵng, nâng tổng số binh lính địch ở đây lên hơn 10 vạn tên. Lại thêm đồng bào di tản từ Trị Thiên, Quảng Ngãi, Tam Kỳ... ùn ùn chạy về làm cho tình hình càng thêm hỗn loạn. Số người thực tế ở trong thành phố vào những ngày cuối tháng 3 đã lên đến gần 2 triệu.
Tại Liên Khu V, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu V, cho rằng “địch có thể bỏ Sài Gòn và toàn bộ miền Nam chứ sẽ không bỏ Đà Nẵng...”. Ông còn thêm rằng: “Lúc này mà còn luầng quầng ở nông thôn là bỏ lỡ mất thời cơ. Phải lách bỏ nông thôn đánh vào thành phố, thị xã, được thị xã thì được cả nông thôn!”. Lập tức, Khu ủy Khu V chỉ đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà chuẩn bị tiến công, giải phóng Đà Nẵng với tinh thần “Phải biết tập trung sức, dồn sức (cả cán bộ, phương tiện, vật chất…) để giành thắng lợi lớn (đồng thời không làm suy yếu lực lượng phía sau)”.
Ngày 24-3-1975, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà ban hành “Chỉ thị khởi nghĩa số 1” nêu rõ: “Địch đang rất hoang mang, hỗn loạn, đang chuẩn bị cuốn chạy. Tình thế đã chín muồi. Thường vụ Đặc Khu ủy chỉ thị: 1. Thành lập Ủy ban khởi nghĩa các cấp và họp bàn ngay kế hoạch khởi nghĩa địa phương mình đồng thời chuẩn bị điều kiện khởi nghĩa thành phố. 2. Các quận nội thành phải cấp tốc đưa cơ sở bên trong ra phổ biến tình hình, giao nhiệm vụ khởi nghĩa”.
Huế bị uy hiếp, Đà Nẵng dần bị cô lập, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu liền ra huấn lệnh ngày 25-3-1975, kêu gọi cố thủ Đà Nẵng...
LƯU ANH RÔ