Đối với nhiều người cùng thế hệ của chúng tôi, những người đã từng nghe, từng biết và nhất là đã từng gắn bó cả cuộc đời của mình trong nửa thế kỷ qua ở thành phố bên bờ Biển Đông này thì có biết bao nhiêu kỷ niệm đong đầy. Nó như là cuốn phim nhiều tập đầy sắc màu, sinh động, hấp dẫn và cả những khó khăn, thử thách dưới nhiều góc độ khác nhau được chiếu chậm khi mỗi lần nhắc lại trong các cuộc gặp gỡ bạn bè hay những dịp lễ trọng đại của thành phố Đà Nẵng.
![]() |
Thành phố nhìn tử đỉnh Sơn Trà. Ảnh: LPC |
Những ngày đầu xây dựng
Cũng như bao địa phương khác ở miền Nam, những tháng năm sau ngày thành phố được giải phóng, chính quyền cách mạng và người dân Đà Nẵng phải đối mặt với đầy ắp những ngổn ngang do hậu quả cuộc chiến tranh kéo dài, nhưng cũng mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn cải tạo, xây dựng và phát triển thành phố. Các tầng lớp nhân dân đã bắt đầu làm chủ vận mệnh trên quê hương của mình bằng hàng loạt các “chiến dịch” đầy tinh thần cách mạng hào hùng như: rà phá bom mìn, khai hoang vỡ hóa, xóa nghèo nàn lạc hậu, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, ra sức cải tạo, phục hồi các cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá vô cùng nặng nề. Đồng thời không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời đấu tranh chống các âm mưu phá hoại của các phần tử phản động trong và ngoài nước, giữ gìn an ninh trật tự, ra sức xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ, từng bước cải thiện đời sống của người dân.
Được Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm quân sự khổng lồ với hàng vạn binh lính và nhân viên dân sự nên Đà Nẵng được xem là một đô thị tập trung tiêu thụ, ăn chơi trong suốt thời gian chiến tranh. Nhiều cơ sở hạ tầng chủ yếu là các căn cứ quân sự liên hoàn cho hải quân, không quân, doanh trại binh lính và các kho tàng phục vụ chiến tranh. Vì thế, việc từng bước chuyển thành các cơ sở sản xuất hàng hóa, gia công các sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ… để góp phần đáng kể cho tiêu dùng và xuất khẩu là bài toán đầy khó khăn cho chính quyền cách mạng lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng đã có những nỗ lực, sáng tạo từng bước khôi phục và phát triển ngành công nghiệp - thủ công mỹ nghệ, tạo ra nhiều việc làm và các sản phẩm tốt phục vụ cho đời sống và xuất khẩu. Với lợi thế có bờ biển dài, có đội ngũ ngư dân đánh bắt lành nghề từ bao đời nay, ngành thủy sản cũng nhanh chóng trở thành mũi nhọn, vươn ra các ngư trường ở Biển Đông, khai thác hàng trăm nghìn tấn mỗi năm thu lợi nhuận đáng kể cho kinh tế địa phương. Diện mạo đổi thay của Đà Nẵng nhanh chóng được hình thành tạo ra những tiền đề mới để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Lâm Hiển |
Thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị loại I
Tiến trình đổi mới của đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phải hội nhập quốc tế sâu rộng, phải nhanh chóng thoát nghèo bền vững, phải vươn lên làm giàu, thì Đảng bộ chính quyền và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tỏ rõ sự quyết tâm mà tiêu biểu cho hành động đó là tạo ra một Đà Nẵng và một Quảng Nam mới, mạnh giàu và đẹp...
Ngày 16-11-1996, tại kỳ họp thứ 10 (khóa IX), Quốc hội đã quyết định thành lập thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-1997. Và chỉ 5 năm sau, trên tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chính phủ công nhận Đà Nẵng là Đô thị loại I cấp quốc gia.
Xác định Đà Nẵng là một cực phát triển của cả nước, có vai trò, vị trí là đầu tàu kinh tế; là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Được hội tụ khá đầy đủ những tiền đề thuận lợi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chung sức chung lòng bước vào một giai đoạn phát triển đầy ngoạn mục.
Ấn tượng mà Đà Nẵng làm cho nhân dân cả nước và cả bạn bè quốc tế cổ vũ, đồng tình ủng hộ và coi đó là bài học quý giá trong công cuộc đổi mới là: giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại dân cư trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hơn 95.000 hộ cùng với hàng trăm nghìn cư dân đã di dời đến nơi ở mới, trong điều kiện còn nhiều khó khăn trở ngại là thành quả không thể tưởng tượng được ở một đô thị vốn còn nhiều bộn bề về tiềm lực kinh tế và xã hội. Nhưng vượt qua tất cả, tinh thần “ý Đảng, lòng dân” đã thổi bùng lên thành sức mạnh, vốn được Đảng ta khởi xướng và vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đã thấm đượm trong tâm trí của người Đà Nẵng và biến nó thành thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị.
Sau khi thoát khỏi “chiếc áo chật”, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã quyết tâm hướng ra biển, hay về phía nam và phía tây để tăng tốc phát triển. Vì thế bộ mặt thành phố nhanh chóng đổi thay với hàng trăm tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không được xây dựng kết nối với tuyến giao thông các địa phương bạn, với cả nước và quốc tế… Hệ thống các cây cầu bắc qua sông Hàn đã nhanh chóng đưa khu vực phía đông và phía nam thành phố trở thành các khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch sầm uất đến ngỡ ngàng trong con mắt du khách và bạn bè khắp nơi.
Cùng với đó, Đà Nẵng đã có những bước đi đầy ngoạn mục về tốc độ phát triển kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ. Điều này góp phần để chính quyền thành phố tiếp cận nhanh chóng với công nghệ thông tin để cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về các chỉ số cạnh tranh… Không những vậy, nhiều phong trào xuất hiện như: “dám nghĩ, dám làm”, “nhà nước và nhân dân cùng làm” hay “Thành phố 4 an” và “5 không”, “3 có”… đã tác động sâu sắc đến cộng đồng dân cư tạo nên một sức mạnh của lòng dân mạnh mẽ để không ngừng làm cho Đà Nẵng trở nên yên bình được bạn bè ví là “thành phố đáng sống”.
Sau chặng đường hơn 25 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã làm nên những dấu ấn rất đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, nhất là giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại dân cư, chỉnh trang đô thị, phát triển công nghệ thông tin, thành phố sự kiện, điểm đến du lịch hấp dẫn, xây dựng cuộc sống an lành cho mọi nhà, mọi người.
![]() |
Lãnh đạo Trung ương và thành phố cắt băng khánh thành Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Ảnh: M.QUẾ |
Những ước vọng vươn lên
Dù có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn Đà Nẵng phải có những bước đi táo bạo và có sự tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa về chính trị - kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh để đưa vùng đất này thành trung tâm của cả nước và khu vực. Vì thế, các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nền tảng vững chắc để cho Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng khởi động một giai đoạn phát triển mới để cùng cả nước vươn mình lên tầm cao mới.
Bên cạnh việc tập trung khai thác những thành quả đạt được suốt nửa thế kỷ qua, Đà Nẵng đã và đang hình thành những lĩnh vực mũi nhọn phù hợp với xu thế của thời đại để tạo ra bước nhảy vọt về kinh tế - xã hội. Trong đó, công nghiệp vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những động lực quan trọng mới, đặt nền tảng đột phá phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong thời gian tới. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khai thác hiệu quả các khu công nghiệp thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn.
Cùng với đó, Đà Nẵng được định hướng phát triển trung tâm tài chính quy mô khu vực với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tài chính để phục vụ thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và thương mại quốc tế, trong đó bao gồm các dịch vụ tài chính nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế phục vụ cho sự phát triển của Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Trong Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ là một hệ sinh thái đa thành phần bao gồm các trung tâm phát triển tập trung cho 3 nhóm dịch vụ: dịch vụ tài chính quốc tế; dịch vụ Fintech, TechFin; các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích.
Với mô hình trung tâm tài chính quy mô khu vực, Đà Nẵng tập trung phát triển các nhóm dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ tài trợ xuất nhập khẩu, tài trợ chuỗi cung ứng, quản lý rủi ro, bảo hiểm thương mại để hỗ trợ giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư quốc tế cho các nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức, tập đoàn quốc tế trong các lĩnh vực chế xuất, xuất nhập khẩu, logistics, công nghệ toàn cầu và các lĩnh vực khác đã được xác định trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời, Đà Nẵng đang khẩn trương khai trương hai dự án trọng điểm là khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu, tạo nên hệ sinh thái logistics và thương mại hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung. Sự cộng hưởng giữa cảng và khu thương mại tự do còn giúp Đà Nẵng xây dựng một hệ sinh thái thương mại và logistics bền vững. Khu thương mại tự do không chỉ là điểm đến của các doanh nghiệp logistics và thương mại mà còn là bàn đạp cho ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất xuất khẩu. Qua đó, Đà Nẵng có thể nâng cao sức cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư từ nhiều lĩnh vực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế địa phương và quốc gia.
Để biến bộ ba các mục tiêu nói trên thành hiện thực, một nhân tố mà Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn dành ưu tiên hàng đầu đó là xây dựng con người “vừa hồng vừa chuyên” trong một thành phố sáng tạo, năng động, có sức hấp dẫn nhưng luôn luôn an bình, “đáng sống”. Với truyền thống cách mạng hào hùng và khát vọng cháy bỏng vươn mình cùng cả dân tộc, các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng đã, đang và sẽ đồng hành cùng với Đảng bộ và chính quyền thành phố để không ngừng đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn của thành phố trong tương lai.
LÊ MINH HÙNG