Bảo tàng Đà Nẵng mở ra trang sử mới

Ngày 29-3-2025 đánh dấu một mốc son mới cho Bảo tàng Đà Nẵng khi chính thức mở cửa đón khách tham quan tại trụ sở mới. Điều này không chỉ mở ra cho bảo tàng một không gian trưng bày hiện đại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa của du khách gần xa, mà còn có ý nghĩa to lớn về lịch sử khi nơi đây đã từng có hai lần lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tòa nhà.

Đoàn địa biểu tham gia chương trình Diễn đàn các thành phố Hữu nghị và Hợp tác - Đà Nẵng 2025 trở thành những vị khách đầu tiên đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Đoàn địa biểu tham gia chương trình Diễn đàn các thành phố Hữu nghị và Hợp tác - Đà Nẵng 2025 trở thành những vị khách đầu tiên đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Dấu ấn lịch sử chói lọi

Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 8.686m², gồm 1 khối bảo tàng xây mới (1 tầng hầm, 3 tầng nổi), hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh đồng bộ. Đây là dự án cải tạo, nâng cấp các khối nhà 42 - 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú được khởi công giữa năm 2021 với tổng mức đầu tư 504,9 tỷ đồng để tiếp nhận, trưng bày hiện vật của bảo tàng. Với vị trí này, Bảo tàng Đà Nẵng mang trong mình giá trị văn hóa lịch sử khi trải qua các sự kiện quan trọng của thành phố.

Lịch sử Đà Nẵng ghi dấu, Tòa Đốc lý hay còn gọi là Tòa thị chính Đà Nẵng (số 42 Bạch Đằng), được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đến nay đã hơn 120 năm tuổi. Công trình này do người Pháp thiết kế và được khởi công xây dựng vào năm 1898 với khối nhà 3 tầng chính giữa và hoàn thành thi công trong vòng 2 năm. Sau này,  nơi đây được chọn làm Tòa thị chính. Bên hông cửa chính của khối nhà cổ là hai linh vật sư tử đá và bia đá với nội dung: “Tại đây tháng 2-1937, hàng nghìn người kéo về gặp đại diện Chính phủ Pháp đòi quyền dân sinh dân chủ. Ngày 26-8-1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tòa nhà. Toàn bộ chính quyền về tay nhân dân...”. Tòa thị chính còn là nhân chứng cho những thời khắc lịch sử hào hùng của quân và dân Đà Nẵng với sự kiện trưa 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tòa nhà, đánh dấu thắng lợi của quân dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong giai đoạn xây dựng và phát triển, công trình này tiếp tục được sử dụng làm trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Vào năm 1994, tòa nhà này được tu sửa, nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị thẩm mỹ của kiến trúc Pháp. Năm 1997, sau khi chia tách đơn vị hành chính, trụ sở này được sử dụng làm trụ sở UBND thành phố Đà Nẵng. Đến tháng 6-2014, bộ máy chính quyền thành phố Đà Nẵng chuyển về Trung tâm Hành chính thành phố, tòa nhà trở thành trụ sở của HĐND thành phố. Đến nay, HĐND thành phố Đà Nẵng đã chuyển về trụ sở mới, tại đây hiện còn hội trường lớn diễn ra các kỳ họp HĐND  thành phố hằng năm.

Về ý nghĩa lịch sử khi tòa nhà được chọn làm trụ sở mới của Bảo tàng Đà Nẵng, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện chia sẻ: “Câu chuyện nhà bảo tàng là câu chuyện lịch sử Đà Nẵng thời thuộc Pháp và người Pháp đã xây dựng trung tâm hành chính đầu tiên để đặt sự cai trị cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đó là tòa Đốc lý. Sau năm 1975 là trụ sở UBND và HĐND thành phố, nay là Bảo tàng Đà Nẵng. Đặc biệt, trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay là nơi hai lần lá cờ Tổ quốc tung bay: Năm 1945, cờ Tổ quốc tung bay trên tòa Đốc lý và năm 1975, cờ Tổ quốc tung bay trên Tòa thị chính. Và sau đó tung bay mãi mãi cả một chặng đường dài hội nhập và phát triển của Đà Nẵng - thành phố đáng sống, thành phố anh hùng. Đây là một hiện vật lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử hành chính công và lịch sử hình thành phát triển đô thị Đà Nẵng như hiện nay”.

Tái hiện không gian văn hóa lịch sử

Sau khi được đầu tư, Bảo tàng Đà Nẵng mở rộng quy mô trưng bày, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất là nơi sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ đó, góp phần giáo dục và phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân cũng như du khách.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, bảo tàng tại cơ sở mới ứng dụng các công nghệ khoa học nhằm tạo cho du khách có cảm xúc đặc biệt dâng trào, chứ không chỉ lưu trữ, bảo quản, sắp đặt hiện vật. Du khách được hưởng thụ các giá trị văn hóa thông qua các phương tiện công nghệ. Giải pháp trưng bày, tính trải nghiệm và nội dung trưng bày được đổi mới nhưng vẫn dựa trên những chủ đề câu chuyện hiện vật mà bảo tàng đã lưu giữ và trưng bày trước đây.

“Lâu nay, các hiện vật đều được trưng bày tĩnh thì nay tất cả hình ảnh đó được “sống lại” khi vừa tĩnh vừa động. Như vậy, bảo tàng mới đáp ứng được hai nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học. Tất cả không gian bảo tàng đều sử dụng công nghệ 3D mapping, phim 2D, 3D và những sline hình ảnh để kết nối dòng thời gian và câu chuyện nhờ nghệ thuật ánh sáng, nghệ thuật nghe nhìn, nghệ thuật màu sắc gắn với không gian khung màu lịch sử để giúp du khách có sự nhận diện về cảnh quan, không gian trưng bày”, ông Thiện nhấn mạnh.

Khi chuyển qua trụ sở mới, bố cục được sắp xếp theo lộ trình, câu chuyện liên quan đến dòng lịch sử và văn hóa con người Đà Nẵng từ thời tiền - sơ sử cho đến nay, được trưng bày, giới thiệu qua từng chủ đề. Cụ thể, tại phòng khánh tiết, du khách sẽ tiếp cận một bức tượng ảnh với 76 tấm ảnh, mỗi tấm ảnh đại diện cho mỗi chủ đề trưng bày bên trong bảo tàng. Từ đó bước đầu tạo cho du khách tiếp cận nội dung câu chuyện đang diễn ra và chuẩn bị diễn ra để khám phá toàn bộ câu chuyện hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.

Sau khi kết thúc khám phá bức tượng ảnh, du khách sẽ xem một phim ngắn 3 phút giới thiệu về vẻ đẹp thiên nhiên của Đà Nẵng, có cái nhìn tổng quan về lịch sử và điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng. Kết thúc phần thiên nhiên sẽ đến phần con người, du khách sẽ được giới thiệu Đà Nẵng thời tiền - sơ sử. Đặc biệt là tìm hiểu nền văn hóa Sa Huỳnh tiền Chăm pa, các di chỉ khảo cổ học liên quan đến nền văn hóa Sa Huỳnh và người việt cổ đã có mặt cách đây 3.500 năm, cùng di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc. Tiếp đến là Đà Nẵng với dấu ấn thời kỳ văn hóa Chăm và lịch sử làng xã Đà Nẵng với mốc lịch sử năm 1306 khi vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Quốc vương Chiêm Thành Chế Mân. Sự hình thành làng xã rõ nét nhất là thời kỳ vua Lê Thánh Tông có một cuộc hình trình Nam tiến.

Kết thúc phần Đà Nẵng thời phong kiến sẽ đưa du khách đến tham quan phần tiếp biến giao lưu văn hóa khi thực dân Pháp đặt nền móng đô hộ Việt Nam. Đà Nẵng bắt đầu bước vào giai đoạn thời kỳ thuộc Pháp và trở thành nhượng địa của Pháp. Đà Nẵng thời kỳ 1945-1975 sẽ là những câu chuyện giao thoa, tiếp biến văn hóa Đà Nẵng. Song song đó là cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân. Qua đó, giới thiệu Đà Nẵng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Du khách sẽ được giới thiệu các phong trào yêu nước nổ ra ở Đà Nẵng bắt đầu từ câu chuyện Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp. Đà Nẵng qua hai thời kỳ 1945-1954 và 1954-1975 là những câu chuyện Đà Nẵng - thành phố anh hùng, khúc ca khải hoàn giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975.

Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn các thành phố Hữu nghị và Hợp tác - Đà Nẵng 2025 vào ngày 18-1-2025, đoàn đại biểu đã đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng và bày tỏ sự thích thú, ấn tượng với cách thức trưng bày thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa phương pháp truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại. Sau khi nghe những câu chuyện về lịch sử, văn hóa tại bảo tàng mới, ông Pietro Piciocchi, Quyền thị trưởng thành phố Genoa (Italia) cho biết: “Tôi rất vinh dự khi được là một trong những vị khách đầu tiên tham quan Bảo tàng Đà Nẵng ở trụ sở mới. Ở đây có rất nhiều điều thú vị về văn hóa, lịch sử và thiên nhiên. Vị trí nơi đây cũng rất đẹp!”.

Với không gian hiện đại và số hóa gần như toàn bộ quy trình vận hành, Bảo tàng Đà Nẵng trong ngôi nhà mới đang khoác lên mình diện mạo mới để trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi du khách đến Đà Nẵng.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.