50 năm qua, có một bài học kinh điển mà các thế hệ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thường xuyên nhấn mạnh, đó là bài học về lòng dân. Cái được lớn nhất, đó là lòng dân, là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện những chủ trương của lãnh đạo vì sự phát triển chung của thành phố.
![]() |
Bình minh trên sông Hàn. Ảnh: P.T |
Nguyên nhân để có thể tạo nên khối đồng thuận xã hội đã được đúc kết qua thực tiễn cách mạng. Đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhưng động lực to lớn đẩy con thuyền cách mạng của Đảng đến bến bờ vinh quang, đó chính là sức mạnh của sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Với thành phố Đà Nẵng chúng ta trong 50 năm qua, nhất là từ sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đó chính là tính tích cực chính trị, thái độ đồng tình hưởng ứng của người dân đối với những chủ trương lớn nhằm phát triển thành phố theo hướng văn minh hiện đại.
Từ các bậc lão thành cách mạng, các vị cao niên, những người dân đã sống qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến các chức sắc tôn giáo, những nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, đội ngũ doanh nhân; từ người công chức, viên chức đến những người lao động phổ thông hành nghề xích lô xe thồ, buôn gánh bán bưng; từ những người áo thợ đến bà con nông dân đều ra sức đồng lòng ủng hộ chủ trương của thành phố. Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi một bộ phận người dân cũng chịu những thiệt thòi. Nhưng bài học lòng dân ở Đà Nẵng chúng ta là bài học hiểu để đồng thuận. Không phải đồng thuận theo kiểu tự phát, ngẫu nhiên, theo số đông, mà là một thái độ đồng thuận tự giác khi nhận ra cái đúng, cái chân lý, cái xu hướng, nhận ra quy luật phát triển.
Sự đồng thuận của người Đà Nẵng sau 50 năm giải phóng quê hương, đã hiện hình trên những công trình hạ tầng, những công trình dân sinh, hệ thống hạ tầng khoa học công nghệ theo xu hướng tiên tiến hiện đại, hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân… Không chỉ ở nội đô mà những vùng quê ngoại thành cũng đang được quy hoạch theo hướng nông thôn đô thị. Nhiều công trình được vinh danh là “công trình của lòng dân”, là kết quả của những đóng góp của người dân về công của, kể cả hy sinh phần đất hương hỏa của ông bà để thành phố xây dựng những thiết chế phục vụ công cộng.
Điều quan trọng hơn, chính sự đồng thuận của người Đà Nẵng đã tạo niềm tin để Trung ương có thể tin tưởng giao cho Đà Nẵng nhiều trọng trách mới như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm thương mại, tài chính, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; đô thị biển quốc tế...; là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…
Ở cột mốc kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Nẵng, những bước khởi động đã bắt đầu khá bài bản để thực hiện những nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn, chưa có tiền lệ: Đó là chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực theo kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Nửa thế kỷ tiếp theo đối với thành phố Đà Nẵng là khoảng thời gian của bứt phá, tăng tốc phát triển. Trong cuộc bứt phá tăng tốc ấy, vấn đề đồng thuận xã hội vẫn là bài học cốt lõi. Tuy nhiên, những thách thức trong việc xây dựng khối đồng thuận sẽ mới hơn, phức tạp hơn. Trước sự bùng phát của các luồng thông tin đa phương tiện, đa xu hướng, việc quy tụ các dòng suy nghĩ, tình cảm về cùng một hướng tích cực, chính thống để có được đồng thuận xã hội là cả một nghệ thuật, xen lẫn kỹ thuật, công nghệ. Cùng với trình độ của người dân được nâng cao, việc củng cố mối đồng thuận xã hội còn được tiến hành trên các kênh thông tin cá nhân.
Trên nền tảng xã hội số, công dân số, ngày nay, nhiều chủ trương của nhà nước, của địa phương đã được truyền tải, phổ biến đến tận chiếc điện thoại cầm tay của từng người dân, kể cả những cảnh báo cho người dân về những thủ đoạn của kẻ xấu trong xã hội. Đây là sự hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác tuyên truyền. Đồng thời, về phía ngược lại, để nắm được dư luận xã hội, nắm bắt được thái độ đồng tình hay băn khăn, thậm chí phản ứng của người dân trước một chủ trương nào đó, người lãnh đạo, quản lý, quản trị xã hội cũng cần lắng nghe, chắt lọc, phân biệt đâu là thái độ phản ứng cực đoan, thiếu xây dựng, với đâu là những ý kiến chân thành tâm huyết, những nguyện vọng chính đáng của người dân. Không phải lúc nào các ý kiến, nguyện vọng cử tri và nhân dân cũng có điều kiện được bộc lộ qua các buổi họp tổ dân phố hay những cuộc tiếp xúc cử tri. Sự lắng nghe tiếng nói trên mạng xã hội cũng rất cần thiết, đo đếm được mức độ đồng thuận trong xã hội và cộng đồng.
Điều quan trọng vẫn là quyết sách đúng, đi vào lòng người. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước những năm gần đây thường nhấn mạnh yêu cầu cần có chủ trương đúng và trúng. Đúng, tức là phải đảm bảo tuân thủ nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhưng đồng thời, phải trúng tâm lý, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đảm bảo tính hiệu quả trong thực tiễn. Mọi chủ trương lớn của Đảng ta, trước khi trở thành nghị quyết lan tỏa sâu rộng trong quần chúng, thường được bắt đầu từ chính cuộc sống.
Thực tiễn sinh động của cuộc sống được đúc kết thành nghị quyết, rồi từ đó, nghị quyết đi vào cuộc sống. Trong mối tương hỗ hai chiều này, vai trò của đồng thuận xã hội hết sức quan trọng. Đảng từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc chở che, từ cuộc sống của người dân, thấu hiểu tận cùng tâm tư nguyện vọng người dân, để có những quyết sách đúng, “Đảng ta con của phong trào”[1] – phong trào ở đây chính là phong trào cách mạng của quần chúng, sự giác ngộ, sự đồng lòng của quần chúng.
Sở hữu cái được lớn nhất - được lòng dân - là gia tài quý báu mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân thành phố Đà Nẵng phấn đấu gìn giữ và nâng cao trong bối cảnh phát triển mới. Thế hệ đã sống trọn 50 năm trong hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay, những nhân chứng của khối đồng thuận làm nên bao kỳ tích của một Đà Nẵng đổi mới, văn minh, hiện đại, luôn vững chắc niềm tin về khối đồng thuận của cộng đồng người dân thành phố trong 50 năm tới. Và, với khối đồng thuận vững bền ấy, tương lai của một đất nước phồn vinh, quê hương giàu mạnh, nhà nhà, người người hạnh phúc ấm no có thể hình dung một cách sáng rõ, ngay từ mùa Xuân này.
NẠI HIÊN
______
1. Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng