Cầu quay Sông Hàn: Những kỷ niệm khó quên

Tôi có duyên quen biết với anh Nguyễn Bá Thanh trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ I (1976-1980). Hồi ấy, anh là Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Nhơn 3, còn tôi là Giám đốc Xí nghiệp Công tư hợp doanh 29-3.

Khi thành phố Đà Nẵng tách ra trực thuộc Trung ương, vào chiều mồng 2 Tết  Đinh Sửu 1997, gia đình anh đi chúc Tết và luôn tiện ghé thăm chúng tôi.

Trong bữa cơm chiều, chúng tôi đã trao đổi nhiều chuyện thành phố, chuyện công ty và tôi nhắc lại anh kỷ niệm về Hợp tác xã Hòa Nhơn 3, về thành tựu “tay không bắt giặc” của anh khi xây dựng cầu Hòa Nhơn. Anh cười rồi chậm rãi nói: “Ông nghĩ coi, Đà Nẵng bây giờ là đô thị trực thuộc Trung ương nhưng còn nhiều bất cập lắm. Đường sá thì chật chội, cả một khu vực đầy tiềm năng như quận Ba, chỉ cách quận Một con sông Hàn mà cuộc sống người dân như vùng nông thôn”. Rồi giọng anh trầm xuống: “Nói gì thì nói muốn phát triển kinh tế phải ưu tiên giải quyết bài toán về giao thông, thành phố này phải có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn ông ạ”.

Tôi ái ngại nhìn anh, thành phố mới tách ra còn vô vàn khó khăn, nguồn lực tài chính nào để anh thực hiện mục tiêu làm cầu? Không cần suy nghĩ, anh nói như đã dự kiến từ trước “thì áp dụng như cái cách đã xây dựng cầu Hòa Nhơn, trước mắt làm một cái. Hồi ấy giai đoạn cực kỳ khó khăn, hợp tác xã thì nhỏ xíu, anh chủ nhiệm thì lúc nào cũng lấm lem bụi đường mà vẫn xin được vật tư làm cầu, huống chi bây giờ thành phố trực thuộc Trung ương, việc làm chính đáng thì dân đồng tình thành phố sẽ kêu gọi nhân dân, kêu gọi doanh nghiệp đóng góp theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Không lẽ 29-3 cái tên nghe “kêu” như vậy mà không có nghĩa vụ với thành phố?”. Anh cười và tôi cũng cười, song cái cười của tôi vừa mừng lại vừa lo vì tôi biết tính của anh đã nói là làm và đã làm là làm cho bằng được.

Rồi việc gì đến cũng sẽ đến, kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 1997, trong chương trình nghị sự có biểu quyết thông qua đề án xây dựng cầu Sông Hàn theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhớ lại lời nói của anh tại nhà tôi vào chiều mồng 2 Tết, trước khi đi họp tôi đã mời Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên (bộ tứ) để trình bày chủ trương của thành phố xây dựng cầu bắc qua sông Hàn và nghĩa vụ của công ty đối với chủ trương này. Cuối cùng chúng tôi đã đi đến thống nhất đóng góp 200 triệu đồng. Để tránh sự bàn lui, chúng tôi đã làm biên bản liên tịch có đủ 4 chữ ký và 4 con dấu đỏ, lưu lại công ty 1 tờ còn 1 tờ tôi mang đến kỳ họp.

Trong giờ giải lao ngày thứ 2 của kỳ họp, anh Huỳnh Nghĩa, lúc bấy giờ là Chánh Văn phòng UBND thành phố, đến gặp tôi và đề nghị “tí nữa giải lao xong là thảo luận dự án cầu Sông Hàn, anh xung phong phát biểu trước nghe” tôi gật đầu. Sau này tôi được anh Huỳnh Nghĩa cho biết lúc bây giờ anh Bá Thanh lo lắm, hỏi anh Huỳnh Nghĩa: Ông mời ai phát biểu đầu tiên?; - Ông Chính; - Liệu tay đó phát biểu có ngon không?; -   Chắc là được.

Sau khi đại diện lãnh đạo UBND thành phố chấm dứt việc trình bày dự án, tôi xung phong phát biểu đầu tiên và không quên tuyên bố Công ty 29-3 ủng hộ 200 triệu đồng, tôi nghe hội trường có tiếng râm ran và để lời phát biểu của mình là có căn cứ, tôi đã móc túi lấy luôn tờ biên bản có đủ 4 con dấu đưa cho chủ tọa kỳ họp. Mấy hôm sau tôi lại nhận được điện thoại của anh, anh khen phát biểu của tôi tại kỳ họp. Tôi biết tính anh ít khi khen ai do vậy nhận được lời khen của anh tôi cũng cảm thấy vui vui. Song sau lời khen, anh nói tiếp “Hôm nớ anh phát biểu đóng góp công trình 200 triệu đồng là tiền công ty, còn tiền cá nhân của giám đốc nữa nghe. Tôi đang kêu gọi thêm một số giám đốc doanh nghiệp đóng góp, tôi cũng đóng góp”. Tôi trả lời anh qua điện thoại: “Gia đình tôi xin đóng góp 10 triệu đồng anh nghe; - Ừ cũng được, càng nhiều càng tốt”.

Rồi cầu Sông Hàn được khởi công sau 1 năm kỳ họp HĐND lần đó và khánh thành vào ngày 29-3-2000, nhân dịp thành phố kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng (29-3-1975 - 29-3- 2000).

Ngày khánh thành cầu sông Hàn, nhìn dòng người xe qua lại, tôi không giấu được niềm xúc động và ứng tác mấy câu thơ:

“Đâu phà ngang kỷ niệm thuở còn thơ

Chen chúc qua sông giữa cảnh đời lầm lũi

Đâu những nhà chồ một thời buồn tủi

Mẹ oằn lưng chạy chợ sống qua ngày

Niềm vui bất ngờ trước những đổi thay

Của Đà Nẵng từng một thời chiến lũy

Từ lòng dân, lòng kiên trì bền bỉ

Đã làm nên những kỳ tích đất Hàn...”.

Giờ đây cầu quay Sông Hàn đã vào tuổi 25 nhưng những kỷ niệm về chiếc cầu ấy với tôi mãi mãi không bao giờ quên.

HUỲNH VĂN CHÍNH

;
;
.
.
.
.