CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO: Nền tảng để Đà Nẵng bước vào kỷ nguyên mới

Trong kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn là những nhiệm vụ quan trọng để kinh tế tăng cả “chất và lượng”. Trước nhiệm vụ đặt ra, Đà Nẵng xác định công nghiệp công nghệ cao là 1 trong 3 trụ cột để phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững. Cụ thể, công nghiệp công nghệ cao sẽ gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin; điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của thành phố xác định tâm điểm là Khu Công nghệ cao Đà Nẵng - 1 trong 3 khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước. Ảnh: M.LÊ
Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của thành phố xác định tâm điểm là Khu Công nghệ cao Đà Nẵng - 1 trong 3 khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước. Ảnh: M.LÊ

Trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Định hướng này sớm được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp tục được khẳng định tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, thành phố xác định: tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp; hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Cụ thể, phát triển công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.

Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của thành phố xác định tâm điểm là Khu Công nghệ cao Đà Nẵng - 1 trong 3 khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước. Theo đó, Khu Công nghệ cao có tổng diện tích quy hoạch là 1.128,4ha với 6 phân khu chức năng: khu sản xuất công nghệ cao; khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; khu quản lý - hành chính; khu nhà ở cho chuyên gia và người lao động; khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao với tổng mức đầu tư 8.841 tỷ đồng.

Với sự chuẩn bị và tạo điều kiện của thành phố, lũy kế đến cuối năm 2024, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thu hút 30 dự án, trong đó: 17 dự án trong nước, 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Các dự án thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thu hút các lĩnh vực mũi nhọn công nghệ cao mà thành phố hướng đến như vi mạch bán dẫn (Công ty TNHH điện tử Foxlink Đà Nẵng); hàng không vũ trụ (Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam, Công ty TNHH KP AeroSpace Vietnam), y tế công nghệ cao (Công ty TNHH ICT Vina thuộc Tập đoàn Dentium, Hàn Quốc)…

Bên cạnh đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, thành phố đang kêu gọi đầu tư vào 6 dự án lớn trên địa bàn huyện Hòa Vang, gồm: Khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang quy mô 229,1ha; Cụm công nghiệp Hòa Nhơn quy mô 24,7ha; Chợ đầu mối Hòa Phước 30,9ha; Khu công nghiệp Hòa Ninh 400ha; Trung tâm Cảng cạn - logistics Hòa Nhơn quy mô 20ha; 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các xã Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Phong.

Đây là các dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, hướng tới xây dựng huyện Hòa Vang trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao mới, góp phần định hình Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao vùng và quốc gia.

Quan tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao

Có thể nói, với nền móng vững chắc là Khu Công nghệ cao, các khu công nghệ thông tin tập trung đã được đầu tư xây dựng, cùng nguồn nhân lực dồi dào, Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội bứt phá, trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghiệp bán dẫn, hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) đạt 2 con số.

Về định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, đối với ngành điện tử, công nghệ thông tin, thành phố tập trung thu hút đầu tư dự án mới vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghệ thông tin về sản xuất, lắp ráp chi tiết, linh kiện điện tử chuyên dụng định hướng xuất khẩu; sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm hỗ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, đo lường, tự động hóa. Đột phá của ngành trong giai đoạn này là trở thành trung tâm quốc gia về sản xuất thiết bị y tế.

Đối với ngành cơ khí chế tạo sử dụng công nghệ cao, Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư chiều sâu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đột phá của ngành trong giai đoạn này là chế tạo các thiết bị cho ngành năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện khí…

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng đang thúc đẩy hình thành các cụm liên kết giữa các khu công nghiệp (KCN), Khu Công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp vệ tinh. Mô hình này sẽ tạo ra các chuỗi giá trị sản xuất, giúp các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững. Đặc biệt, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp mở rộng các KCN, chú trọng điều chỉnh và tối ưu hóa các KCN hiện hữu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

“Tổng diện tích đất công nghiệp của thành phố hiện là 2.325ha, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 88%. Để giải quyết bài toán quỹ đất, Đà Nẵng đang xây dựng và mở rộng 3 KCN mới với tổng diện tích gần 700ha, bao gồm KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 và KCN Hòa Nhơn. Trong đó, dự án KCN Hòa Ninh có diện tích khoảng 400ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2024, được kỳ vọng sẽ thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao và sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng lớn. Bên cạnh đó, dự án KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 có diện tích 120ha đã hoàn thành đấu thầu và dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong quý 1-2025. Ngoài ra, KCN Hòa Nhơn đang trong quá trình quy hoạch và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những KCN trọng điểm của thành phố trong tương lai”, ông Hùng nói.

Về cụm công nghiệp, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, việc hình thành các cụm công nghiệp nhằm di dời, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho các doanh nghiệp là hướng ưu tiên của thành phố. Theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg, đến năm 2030, thành phố có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 532,89ha và sau năm 2030 có 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích 757,89ha, phân bổ trên địa bàn các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Trong năm 2025, thành phố đặt nhiệm vụ sẽ thành lập cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam; kêu gọi đầu tư Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc gia cầm gắn với cụm công nghiệp chế biến thực phẩm; đồng thời thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp Hòa Liên nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển và tăng thu ngân sách cho thành phố.

MINH LÊ

;
;
.
.
.
.