Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến, cảm nhận, chia sẻ của các thế hệ và tầng lớp nhân dân về sự phát triển, vươn lên của thành phố kể từ ngày giải phóng đến nay, nhất là từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí:
ĐÀ NẴNG LUÔN CÓ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TẬN TÂM, TẬN TỤY, SÁNG KIẾN VÀ ĐỔI MỚI, HẾT LÒNG VÌ CÔNG VIỆC CHUNG
Ngay sau khi chia tách tỉnh, trở thành đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương (1997), thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, tăng tốc phát triển trên hầu khắp các lĩnh vực. Đà Nẵng những năm đó như một công trường lớn, cán bộ, công chức, viên chức ai ai cũng tìm cách để được tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng thành phố.
Chính nhờ vậy, các chỉ số về tăng trưởng kinh tế - xã hội đều đạt ở mức cao, diện mạo đô thị khởi sắc từng ngày, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Thành phố gặt hái nhiều thành công trong thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, có nhiều bước tiến trong cải cách hành chính, chủ động đề xuất xây dựng chính quyền đô thị và thí điểm thực hiện chủ trương này.
Trong hơn 28 năm qua, thành phố đã có nhiều chủ trương về chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với các cuộc vận động xây dựng thành phố “5 không, “3 có”, “4 an”, nhiều chủ trương về an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn cùng với nhiều mô hình và cách làm tốt, có hiệu quả, được dư luận cả nước đánh giá cao. Thực tiễn sinh động đó của thành phố không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, xây dựng và phát triển thành phố, mà còn đóng góp vào việc hình thành, hoàn thiện các chủ trương, chính sách mới của Trung ương.
Đáng chú ý, những thành tựu đó được Bộ Chính trị khẳng định trong Nghị quyết số 43/NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh” để phát triển.
Gần đây nhất, trong cuộc chiến chống Covid-19, Đà Nẵng cũng là địa phương chịu nhiều thử thách nặng nề. Với sự hỗ trợ của cả nước và sự đồng lòng, đoàn kết, sẻ chia của người dân, thành phố đã vượt qua đại dịch và sớm trở lại trạng thái bình thường. Sự khốc liệt của Covid-19 đã gây ra nhiều đau thương, mất mát nhưng nhiều giá trị tốt đẹp được bộc lộ và nhân lên, đặc biệt là tinh thần làm việc xả thân để cứu người bệnh của y, bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thành phố, cũng như những nghĩa cử nhân văn, mang ý nghĩa thiện nguyện của hàng triệu người dân khắp các địa bàn cơ sở.
Có được những thành công đó, thành phố Đà Nẵng luôn có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn tận tâm, tận tụy với công việc, có nhiều sáng kiến và đổi mới, hết lòng vì công việc chung. Tôi mong muốn và cũng tin chắc rằng, thời gian tới, phát huy những thành tích đạt được trong quá khứ, kết quả của nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố tiếp tục đoàn kết, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng mà các nghị quyết, kết luận của Trung ương cũng như kỳ vọng của nhân dân đặt ra, đưa thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn:
LUÔN LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM
Gắn cả cuộc đời sinh sống và hơn 35 năm công tác tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, tôi chứng kiến sự thay đổi từng ngày của thành phố. Với bài học lấy “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, sau 28 năm từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã không ngừng thay da, đổi thịt, tạo ra một đô thị mới, hiện đại; quy mô và trình độ nền kinh tế thành phố thuộc nhóm phát triển của cả nước; thương hiệu điểm đến du lịch từng bước được khẳng định; các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Đặc biệt, tôi nhận thấy một dấu ấn nổi bật của thành phố đó là thực hiện hiệu quả việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị. Chính những quyết sách đúng đắn mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm đã giúp thành phố nhanh chóng thay đổi diện mạo đô thị, tạo tiền đề cho sự phát triển. Nếu sau ngày đầu chia tách, Đà Nẵng chỉ có khoảng hơn 125 con đường thì đến nay đã có hơn 2.300 con đường, 412 km đường bộ đến nay có trên 1.200 km đường bộ; những cây cầu mới, hiện đại đã nối liền hai bờ sông Hàn; hệ thống bệnh viện, trường học được đầu tư khang trang, hiện đại...
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự thay đổi trong suy nghĩ, nếp sống văn minh đô thị được hình thành, dần trở thành thói quen, tập quán, là văn hóa của người Đà Nẵng. Từ rất lâu rồi, Đà Nẵng không còn những đám tang tiền giấy rải đầy đường; thành phố không còn những bãi rác tự phát; những con người lang thang xin ăn, bán hàng dạo chèo kéo khách. Thay vào đó là những con đường sạch tinh tươm, cây xanh rợp đường, những tuyến phố rợp cờ bay vào những ngày lễ, Tết, không có người ăn xin trên địa bàn thành phố. Văn hóa con người Đà Nẵng cũng trở thành điểm nhấn khi người dân sống chan hòa, đoàn kết, là sự mến khách đối với từng vị khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thành phố.
Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất đó là khẳng định niềm tin vững chắc không gì lay chuyển được của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố, niềm tin vào tương lai phát triển của thành phố. Thành phố xác định rõ tôn chỉ phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội một cách hài hòa, bền vững, trong đó người dân thành phố là chủ thể trung tâm, quyền lợi của người dân được đặt trên hết. Từ đó, các chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”; các chính sách ưu đãi vượt trội cho người dân như miễn giảm học phí cho các cấp học, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, người cao tuổi; xây dựng, sửa chữa nhà chính sách... đã đồng hành và bảo đảm cuộc sống cho người dân thành phố.
Chất lượng cuộc sống người dân thành phố không ngừng được nâng lên, chuẩn nghèo được nâng cao hơn mức quy định chung của cả nước và hướng đến giảm nghèo đa chiều, bền vững; thu nhập bình quân đầu người thành phố thuộc nhóm cao của khu vực. Yếu tố quyết định cho những thành quả tuyệt vời đó chính là “ý Đảng, lòng dân”, là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, vào các quyết sách của thành phố để tạo nên một sức mạnh to lớn trong quá trình phát triển thành phố, làm nên sự thành công, vóc dáng thành phố hôm nay.
Ông Nguyễn Công Bôn, Phó Chủ nhiệm CLB Thái Phiên:
THÀNH PHỐ “THAY DA ĐỔI THỊT” MẠNH MẼ
Là người lính từng đi qua chiến tranh, tôi cảm nhận rõ ràng sự thay da đổi thịt của thành phố trong suốt 50 năm qua. Sau ngày 29-3-1975, thành phố đầy những bộn bề của chiến tranh, tuy nhiên, bằng trí tuệ của đội ngũ lãnh đạo cùng sức mạnh đồng thuận của nhân dân, thành phố đã vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, từng bước xây dựng hạ tầng, chăm lo đời sống nhân dân. Đà Nẵng sau năm 1975 chỉ có 150 con đường có tên, đến nay có gần 3.000 con đường. Trước đây chỉ có một cây cầu bắc qua sông Hàn, nay có hơn chục cây cầu. Trước đây chỉ có một vài nhà cao tầng thì nay có hàng trăm công trình bề thế mọc lên khắp thành phố. Bản thân tôi và những người dân Đà Nẵng chưa bao giờ cảm thấy vui mừng như lúc này vì sau 50 năm xây dựng phát triển, thành phố đã thay đổi tích cực về mọi mặt.
Một điều rất đáng mừng là trong thời gian gần đây, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, bộ, ngành Trung ương dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành nhiều chủ truơng, chính sách, cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho thành phố đột phá phát triển. Qua đó, mở ra cho thành phố một hướng đi mới, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, chắp cánh để thành phố vươn xa, vươn cao trong thời gian tới. Tôi tin tưởng với sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh đạo thành phố, cùng sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân, thành phố sẽ bứt phá vươn lên mạnh mẽ hơn, khẳng định hình ảnh thành phố đáng sống, hiện đại, văn minh trên cả nước và khu vực.
Nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hải Châu Ngô Thị Tuyết Hồng:
ĐÀ NẴNG SẼ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ
Có những khoảnh khắc trong đời khiến ta không thể nào quên và với tôi, một trong những khoảnh khắc ấy chính là ngày đầu tiên trở về quê hương Đà Nẵng sau giải phóng. Lúc đó, thành phố vẫn còn giản dị, mộc mạc, những con đường nhỏ in dấu thời gian, những khu phố chợ tấp nập nhưng đơn sơ. Dòng sông Hàn hiền hòa, lững lờ trôi như chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất này.
Thế nhưng, năm tháng trôi qua, Đà Nẵng dần thay da đổi thịt. Tôi tận mắt chứng kiến một thành phố chuyển mình mạnh mẽ, từ một vùng đất bình yên, lặng lẽ sau chiến tranh nay đã trở thành một trung tâm phát triển năng động, sầm uất. Những tòa nhà cao tầng mọc lên, những con đường mở rộng, khang trang, phố chợ giờ đây sôi động hơn bao giờ hết. Bờ sông Hàn không còn chỉ là nơi của những con thuyền nhỏ, dãy nhà chồ nhấp nhô, mà đã trở thành điểm nhấn du lịch với những cây cầu rực rỡ ánh đèn, phản chiếu xuống mặt nước lung linh, tạo nên một vẻ đẹp hiện đại nhưng vẫn đầy chất thơ.
Là đảng viên, cán bộ hưu trí và từng giữ vai trò bí thư chi bộ khu dân cư, tôi luôn theo dõi sát sao những bước chuyển mình của Đà Nẵng. Thành phố đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để bứt phá, nhưng đồng thời cũng đối mặt với không ít thách thức. Tôi đặt niềm tin rất lớn vào đội ngũ lãnh đạo thành phố, các cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Trung ương một cách quyết liệt, hiệu quả. Tôi mong rằng, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong quản lý, điều hành sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông và an sinh xã hội. Phát triển kinh tế bền vững, tận dụng tốt lợi thế về du lịch, công nghiệp công nghệ cao, logistics để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực.
Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, với những chiến lược đúng đắn và sự đồng lòng của nhân dân, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư; một trung tâm kinh tế - du lịch - dịch vụ hàng đầu của miền Trung và cả nước; một đô thị thông minh, hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và môi trường sống trong lành.
Ông Đặng Vân (93 tuổi), đảng viên 70 năm tuổi Đảng, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu:
CHĂM LO TỐT ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
Qua 50 năm xây dựng phát triển, tôi ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của thành phố. Trong đó, phải kể đến việc kiến thiết cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, các công trình trọng điểm. Bên cạnh đó là đưa ra nhiều chính sách vượt trội nhằm chăm lo an sinh cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Nhờ tạo được sự đoàn kết, đồng thuận, nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, chung tay thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động xây dựng thành phố xanh sạch đẹp, đô thị văn hóa văn minh, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Hạnh, phường An Khê, quận Thanh Khê:
ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN TĂNG LÊN CẢ VỀ CHẤT VÀ LƯỢNG
Tôi được sinh ra trước lúc thành phố giải phóng và an cư ở đây cho đến nay, nên có cơ hội nhìn thấy sự thay da đổi thịt của đất và người Đà Nẵng qua 50 năm xây dựng, phát triển. Đặc biệt khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị từng bước được kiến thiết, cải tạo lại khang trang, hiện đại và phát triển một cách ngoạn mục như hôm nay. Trong khoảng 3 thập niên qua, nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp mọc lên, người dân có công ăn việc làm, điều kiện để buôn bán, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Đời sống kinh tế phát triển, kéo theo trình độ nhận thức, dân trí của người dân tăng lên.
Thành quả ngày hôm nay chính là nhờ những quyết sách kịp thời, chính xác của các thế hệ lãnh đạo thành phố, cùng với sự chung sức, đồng lòng và cầu tiến của người dân. Đà Nẵng đã tiên phong và rất thành công trong việc xóa bỏ người lang thang, xin ăn, và nay đang nỗ lực xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát. Tin rằng, với những chính sách, chủ trương nhân văn, chiến lược phát triển kinh tế đúng hướng, thành phố của chúng ta sẽ ngày càng phát triển cao hơn, mạnh hơn, trở thành đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế.
NSNA Ông Văn Sinh, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố:
ĐÀ NẴNG ĐỔI THAY MỘT CÁCH KỲ DIỆU
Đi dọc hai bờ đông, tây sông Hàn, đường Võ Nguyên Giáp, đường Nguyễn Tất Thành, chúng ta dễ dàng cảm nhận sự đổi mới, phát triển của đô thị Đà Nẵng trong ½ thế kỷ. Trước đây, sự khác biệt của hai bờ đông, tây sông Hàn quá lớn, đến nỗi người dân bờ đông mỗi lần qua bờ tây sông Hàn thường hay nói là qua phố hay qua Đà Nẵng. Bờ tây sông Hàn trước đây chỉ ít tàu thuyền vào đậu bốc chở hàng hóa, một số công trình đơn sơ tại khu vực chợ Hàn, ngày nay là con đường Bạch Đằng chạy dài từ cầu Trần Thị Lý giáp với đường Như Nguyệt. Khu vực biển Thanh Bình trước đây khi mùa mưa bão đến là nỗi lo sợ của người dân, nay là đại lộ Nguyễn Tất Thành nối dài giao thông từ cảng Tiên Sa đến quốc lộ 1A, với làng nghề truyền thống Nam Ô, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa của một thời mở cửa, nối với cảng nước sâu Liên Chiểu tạo nên một đại lộ ven vịnh Đà Nẵng dài và đẹp khó nơi nào mà có được.
Có thể nói, cầu Sông Hàn đã mở đầu cho sự phát triển của Đà Nẵng, cầu Rồng biểu tượng mới của Đà Nẵng, cầu Trần Thị Lý như cánh buồm đỏ hướng ra Biển Đông, cầu dây văng Thuận Phước như tô điểm thêm cho vẻ đẹp thành phố nơi cuối sông Hàn. Nửa thế kỷ từ ngày giải phóng, gần ba thập niên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đánh dấu sự thay đổi kỳ diệu của thành phố từ bên bờ biển đông, tạo đà cho Đà Nẵng trở thành thành phố của tương lai. Đà Nẵng hôm nay là thành phố đa góc nhìn, tùy theo góc nhìn, vị trí mà chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp khác biệt về một thành phố mới, thành phố nối nhịp giữa hai đầu đất nước.
Ông Đặng Hòa, chủ du thuyền Hàn Giang:
DU LỊCH ĐÀ NẴNG PHÁT TRIỂN TỪNG NGÀY
Từ năm 1997, tôi tiên phong khai thác du lịch đường sông tại Đà Nẵng khi đóng chiếc tàu du lịch có sức chứa 50 khách, công suất 80CV đặt tên “Du thuyền Hàn Giang”. Gần 30 năm qua, từ những ngày du khách đi thuyền ngắm cảnh trên sông Hàn chỉ lác đác, thì đến nay vào những buổi tối, hàng chục chiếc tàu chở khách ngược xuôi sông Hàn. Điều này cũng tỷ lệ thuận với sự phát triển của du lịch thành phố thời gian qua. Theo con số thống kê, khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng cao. Số lượng du khách bình quân giai đoạn 2017-2023 là 5,01 triệu lượt khách/năm. Năm 2024, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 10,9 triệu lượt, tăng 32,8% so với năm 2023, bằng 135% so với năm 2019, vượt 29,3% so với kế hoạch năm 2024. Năm 2025, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút hơn 11,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 10% so với năm 2024.
Về tương lai, tôi nghĩ thành phố có đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch vì có biển, có sông, có rừng có núi, có nếp sống văn minh, có hạ tầng sạch đẹp, có con người hiền lành, mến khách… Tôi mong lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành thực hiện các đề án, kế hoạch đã đề ra, tạo động lực cho những người có năng lực, uy tín và khát vọng vươn lên cống hiến cho thành phố. Tôi tin tưởng với nhiều giải pháp đồng bộ, du lịch sẽ xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn, sắc bén nhất góp phần vào sự phát triển của thành phố.
Thầy Lê Mạnh Tấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thoại:
THÀNH PHỐ GẮN VỚI NHIỀU THƯƠNG HIỆU
Là cán bộ, giáo viên trẻ trưởng thành trong giai đoạn đất nước và thành phố Đà Nẵng đổi mới, tôi cảm thấy rất tự hào vì bản thân mình có thể là một điểm màu tươi sáng trên bức tranh tuyệt đẹp về mảnh đất giàu truyền thống này. Nhìn từ lịch sử về hiện tại, không khó để nhận ra sự chuyển mình rõ nét của Đà Nẵng trong mọi mặt của đời sống, những thương hiệu như “Thành phố 5 không, 3 có”, “Thành phố 4 an”, “Thành phố đáng sống” đến “Thành phố thông minh”, “Thành phố chuyển đổi số”, “Thành phố môi trường”, tất cả đều ghi dấu những đóng góp không ngừng nghỉ của cán bộ, viên chức và nhân dân thành phố.
Trong 50 năm qua, cùng với sự đoàn kết một lòng của đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đà Nẵng, sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và đặc biệt là tư duy quản lý, điều hành của các thế hệ lãnh đạo đã góp phần nâng tầm các mặt của thành phố, đặc biệt là giáo dục và đào tạo. Tôi và các đồng nghiệp được thỏa sức sáng tạo, cống hiến để hoàn thành tốt các nhiệm vụ và không phụ sự tin yêu của ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh. Tất cả là niềm động lực rất lớn để mỗi cán bộ, giáo viên vượt qua khó khăn, dẫn dắt các thế hệ học sinh chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách; góp vào cho đời những đóa hoa thơm, cho quê hương đất nước những chủ nhân tương lai vừa hồng vừa chuyên.
Nhìn về tương lai, tôi tin tưởng đất nước ta nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển; bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với hào khí mới, đạt được đích đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang Lê Văn Hùng Vương:
THÀNH PHỐ ĐẶC BIỆT QUAN TÂM ĐẾN CÁN BỘ TRẺ
Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân thành phố rất năng động, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng, có nhiều ý tưởng, quyết sách với cách làm mới... để chung tay xây dựng, phát triển thành phố, tạo nên sự khác biệt, riêng có của Đà Nẵng, tạo nên giá trị, uy tín và thương hiệu “đáng sống” của thành phố.
Lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đến cán bộ trẻ. Thành phố đã có nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ rèn luyện và phát triển, như câu lạc bộ cán bộ trẻ, đề án 89; dành kinh phí đào tạo cán bộ trẻ, bổ nhiệm cán bộ trẻ vào vị trí chủ chốt ở phường, xã. Nhiều lãnh đạo các cấp xin nghỉ trước tuổi nhằm tạo điều kiện bố trí, nhường chỗ cho cán bộ trẻ có môi trường rèn luyện, trưởng thành. Tôi thật sự ấn tượng về nghĩa cử của các thế hệ cán bộ lãnh đạo các cấp thành phố về lối tư duy này.
Ghi nhận những kết quả xây dựng và phát triển thành phố trong suốt thời gian qua với từng thành tựu đạt được trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, chúng ta kỳ vọng thời gian tới thành phố có một bộ máy lãnh đạo, quản lý thật gọn, thật hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Đà Nẵng.
Bí thư Thành đoàn Lê Công Hùng:
TUỔI TRẺ PHÁT HUY TRÍ TUỆ, NHIỆT HUYẾT XÂY DỰNG THÀNH PHỐ NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN
Thành phố Đà Nẵng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những đô thị phát triển năng động, văn minh và hiện đại, đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội lớn của miền Trung và là hạt nhân quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Dấu ấn nổi bật nhất chính là sự đổi mới toàn diện về hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh - trật tự xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Tôi đặc biệt ấn tượng với tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm vươn lên của con người Đà Nẵng. Các thế hệ lãnh đạo và nhân dân đã cùng nhau nỗ lực để tạo dựng một thành phố đáng sống. Trong đó, tuổi trẻ Đà Nẵng luôn phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt trận, từ phong trào tình nguyện, khởi nghiệp đến ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế số. Là một người con của thành phố, tôi cảm thấy tự hào và tin tưởng rằng, với nền tảng vững chắc đã được gây dựng trong 50 năm qua, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững và trở thành đô thị kiểu mẫu, hiện đại, xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân.
Thời gian tới, Thành đoàn tập trung vào một số định hướng lớn như: thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh các phong trào thanh niên tình nguyện, bảo vệ môi trường; nâng cao kỹ năng, trình độ hội nhập cho thanh niên; xây dựng thành phố an toàn, lành mạnh. Chúng tôi tin tưởng, với tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết của tuổi trẻ Đà Nẵng, cùng sự hỗ trợ của chính quyền và nhân dân, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục nối tiếp truyền thống cha anh, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thành phố trong những năm tới.
Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng Đỗ Lê Hưng Toàn:
PHÁT HUY VAI TRÒ SINH VIÊN CHUNG TAY XÂY DỰNG THÀNH PHỐ
Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi đang sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Trải qua 50 năm, thành phố có những bước chuyển mình ngoạn mục, từ một địa phương gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh, thành phố Đà Nẵng đã vươn lên trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thành phố không chỉ là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung mà còn là điểm đến hấp dẫn với môi trường đầu tư thuận lợi, hạ tầng hiện đại và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.
Hội sinh viên Đại học Đà Nẵng tiếp tục đoàn kết, phát huy sức trẻ, trí lực, tinh thần nhiệt huyết, tình nguyện của sinh viên đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, vận động sinh viên ứng xử văn minh, sống có trách nhiệm. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động trong xu thế mới, ngành nghề mới như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn; hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên, kết nối với các quỹ đầu tư và vườn ươm khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò sinh viên trong việc phát triển các dự án, giải pháp nhằm xây dựng thành phố thông minh… Tôi tin rằng, với tinh thần trẻ trung và nhiệt huyết của sinh viên, chúng ta sẽ góp phần xây dựng Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu đẹp và yên bình, trở thành một thành phố trẻ trung, hiện đại và đầy sức sống.
Tổng Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng Souphanh Hadaoheuang:
XỨNG TẦM LÀ TRUNG TÂM CỦA KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN
Trong quá trình công tác tại thành phố Đà Nẵng, tôi nhận thấy thành phố đổi thay từng ngày với những công trình mới, các khu đô thị hiện đại, các dự án du lịch, dịch vụ không ngừng mở rộng. Đồng thời, tôi ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đồng bộ, có cảng hàng không quốc tế và cảng biển. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp và xứng tầm là trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hơn nữa, Đà Nẵng là đô thị năng động và phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, thương mại, du lịch đến công nghệ cao. Cùng với đó, nhiều năm qua, thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế, góp phần khẳng định vị thế “Đà Nẵng là điểm đến sự kiện hàng đầu châu Á”. Thành phố có môi trường đầu tư rất thuận lợi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện sống lý tưởng cho người dân và cộng đồng quốc tế.
Từ góc nhìn của một nhà ngoại giao, sự phát triển nhanh chóng của thành phố Đà Nẵng còn thể hiện qua việc thành phố ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế. Trong đó, có mối quan hệ khăng khít với Lào. Đà Nẵng không chỉ là trung tâm hợp tác kinh tế mà còn là cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam.
Để bước vào kỷ nguyên phát triển mới, theo tôi, thành phố Đà Nẵng cần tập trung vào một số định hướng chiến lược quan trọng như: tiếp tục nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tạo thuận lợi cho giao thương với Lào và các nước ASEAN; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước ở các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, kinh tế số, logistics và du lịch chất lượng cao. Thành phố Đà Nẵng tiếp tục giữ vững và phát huy danh hiệu “thành phố đáng sống” bằng cách bảo vệ môi trường, phát triển không gian xanh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội. Có như vậy, Đà Nẵng không chỉ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên mà còn vươn tầm quốc tế, trở thành một trong những đô thị phát triển năng động nhất khu vực ASEAN.
Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Mori Takero:
NÂNG CAO VAI TRÒ, VỊ THẾ CỦA ĐÀ NẴNG TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ
Tôi hoàn toàn bị hấp dẫn bởi văn hóa và truyền thống của đất nước Việt Nam, cũng như sự thân thiện của người dân và tốc độ phát triển của miền Trung Việt Nam, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng đang ngày càng phát triển bứt phá ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Điều này minh chứng cho việc Đà Nẵng vừa công bố quyết định mở rộng và khai trương Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Hơn nữa, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam được phép thành lập khu thương mại tự do và trung tâm tài chính khu vực. Đây là thách thức lớn, lĩnh vực mới mẻ ở thành phố nhưng là chiến lược đột phá trong phát triển kinh tế, tài chính, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Đà Nẵng trên trường quốc tế, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đà Nẵng cũng là giao điểm huyết mạch về đường bộ và đường sắt tới hai miền Nam - Bắc, là cửa ngõ quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Đây là một lợi thế đặc biệt, riêng có của Đà Nẵng và hiện nay, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố rất hấp dẫn. Chính quyền thành phố luôn hỗ trợ, hợp tác tích cực và tạo điều kiện thuận lợi với các doanh nghiệp.
Hơn nữa, thành phố có nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin. Chúng tôi tin rằng, thời gian đến, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào khu vực miền Trung với Đà Nẵng làm trung tâm sẽ tăng vượt ngưỡng so với thời điểm hiện tại.
NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện