Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều chính sách mang tính đột phá, giàu tính nhân văn nhằm chăm lo tốt an sinh xã hội, xây dựng hình ảnh con người Đà Nẵng hài hòa, thân thiện, mến khách.
Từ “5 không” đến “3 có”
Năm 2000, thành phố Đà Nẵng đề ra chương trình “5 không” gồm: “Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của”. Vào thời điểm này, đây là chủ trương mang đậm tính nhân văn, đột phá, chưa có địa phương nào trong cả nước thực hiện.
Để thực hiện hiệu quả chương trình này, cả hệ thống chính trị thành phố đồng loạt vào cuộc, triển khai quyết liệt, sâu rộng đến từng hộ dân. Chỉ sau 2 năm triển khai, thành phố đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, thành phố cơ bản không còn hộ đói, điều chỉnh thành tiêu chí “không có hộ đặc biệt nghèo”. Thành phố đã chọn gần 6.000 hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thực hiện các chính sách đặc thù, tập trung huy động nguồn lực từ Nhà nước và cộng đồng để hỗ trợ, giúp thoát nghèo. Mục tiêu “không có người mù chữ” chuyển sang “không có học sinh bỏ học”, tập trung phổ cập tất cả các cấp học, không để học sinh phải nghỉ học vì lý do kinh tế.
Về mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, thành phố tăng cường xử lý các điểm nóng về ăn xin, không còn tình trạng ăn xin nhếch nhác. Về mục tiêu “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng” và “không có giết người để cướp của”, thành phố đã thực hiện quyết liệt, xử lý triệt để các điểm nóng, tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình trạng người nghiện, các tệ nạn xã hội...
Với những thành công ấy, năm 2005, thành phố tiếp tục đề ra chương trình “3 có”: “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị”. Thành phố xây dựng nhiều khu chung cư xã hội, bố trí cho các đối tượng khó khăn, đơn thân thuê ở. Tính đến nay, thành phố đã bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ, góp phần giảm tải áp lực về chỗ ở cho người dân. Bên cạnh đó, kêu gọi xã hội hóa xây dựng hàng loạt khu chung cư xã hội để cho thuê, bán cho người lao động thu nhập thấp, công nhân lao động với giá ưu đãi để an cư lạc nghiệp. Đồng thời bố trí ngân sách, vận động các nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu “có nhà ở” trên địa bàn thành phố.
Chị Phạm Thị Ngọc Uyên, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận Liên Chiểu) vui mừng nói: “Từ ngày nhận công tác, tôi được thành phố tạo điều kiện cho thuê căn hộ chung cư ở phường Hòa Hiệp Nam sinh sống cho đến nay. Nếu không được thuê căn hộ chung cư, với đồng lương giáo viên ít ỏi, không biết khi nào vợ chồng tôi mới có được nơi ở ổn định”.
Cụ thể hóa mục tiêu “có việc làm”, thành phố duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tuần, thường xuyên tổ chức các “chợ việc làm” tại các quận, huyện, trường đại học, giúp người lao động, sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp, tìm được việc làm phù hợp. Hằng năm, bình quân giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động (trong đó gần 20.000 việc làm mới tạo ra).
Cụ thể hóa mục tiêu “xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện; hình thành những tuyến phố không rác, tuyến đường không bán hàng rong, không chèo kéo khách, không dán quảng cáo rao vặt trái phép. Đồng thời thực hiện chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”, tạo dấu ấn về con người Đà Nẵng thân thiện, mến khách trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.
Năm 2009, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố, giúp mở lối cho thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật tiến bộ, sống có ích cho gia đình, xã hội, thể hiện rõ tinh thần nhân văn, nhân đạo. Sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, hàng trăm lượt học sinh bỏ học được giúp đỡ, hỗ trợ tạo điều kiện đi học trở lại, tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo và từng bước phát triển. Hàng nghìn lượt thiếu niên hư, vi phạm pháp luật được quản lý, cảm hóa, giáo dục ngày càng tiến bộ, gắn với hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm với thu nhập ổn định. Những kết quả đạt được của chương trình “5 không, 3 có” đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thành phố Đà Nẵng an bình, thân thiện, văn minh.
Chăm lo tốt an sinh xã hội
Từ những kết quả của chương trình “5 không”, “3 có”, năm 2016, thành phố ban hành đề án thực hiện chương trình thành phố “4 an”, gồm: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội. Mục tiêu chung là cân đối các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng an sinh xã hội. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, thành phố thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra, xử phạt các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các hàng quán trên những tuyến đường trọng điểm phục vụ du lịch.
Để nâng cao chất lượng an sinh xã hội, bên cạnh những chính sách của Trung ương, thành phố xây dựng và triển khai nhiều chính sách đặc thù, cao hơn quy định Trung ương từ 1,2 đến 1,5 lần để chăm lo các đối tượng khó khăn, yếu thế. Đối tượng thụ hưởng cũng ngày càng mở rộng, bao phủ đến các nhóm đối tượng yếu thế không có thu nhập, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.
Cụ thể, giai đoạn 2012-2021, thành phố 3 lần nâng chuẩn nghèo cao hơn mức chung cả nước, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn Trung ương 500.000 đồng/người/tháng, giúp hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, tạo động lực phấn đấu vươn lên. Thành phố không ngừng tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách cao hơn mức chung.
Từ ngày 1-7-2024, mức hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo được nâng lên 80 triệu đồng/nhà (trước đây 50 triệu đồng/nhà); sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo tối đa 30 triệu đồng/nhà (trước đây 20 triệu đồng/nhà), cao hơn mức hỗ trợ do Trung ương quy định. Đồng thời giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo và miễn tiền thuê nhà cho hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khi thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Không chỉ quan tâm hộ nghèo, thành phố còn có các chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức Trung ương. Nhờ đó, những người từ 75 tuổi đến 80 tuổi, người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn, chạy thận nhân tạo không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội; người khuyết tật nhẹ là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hằng tháng 1-1,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội, được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Tính đến nay, có gần 43.000 đối tượng bảo trợ xã hội nhận trợ cấp hằng tháng với tổng kinh phí hơn 270 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố còn ban hành nhiều chính sách riêng có như: hỗ trợ học nghề đối với các đối tượng lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học, lao động thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất... Từ năm học 2020-2021 đến nay, thành phố có 4 năm liên tiếp miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập (các trường có vốn đầu tư nước ngoài), với tổng số tiền hơn 625,7 tỷ đồng, góp phần chăm lo tốt an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Cùng với thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thành phố đặc biệt quan tâm công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Bên cạnh nâng hỗ trợ nhà ở cho người có công cao hơn quy định Trung ương, Đà Nẵng còn là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành đề án xây dựng các khu chung cư xã hội bố trí cho gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở.
Giai đoạn 2020-2025, thành phố đặt mục tiêu xây dựng 400 căn hộ chung cư cho người có công, tổng kinh phí đầu tư 400 tỷ đồng. Theo đề án, trong giai đoạn 1 (2020-2024), thành phố đầu tư xây dựng hoàn thành chung cư cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên (quận Ngũ Hành Sơn) với số lượng 209 căn hộ để ưu tiên bố trí cho các hộ gia đình người có công cách mạng gặp khó khăn về nhà ở. Trong giai đoạn 2 (2023-2025), thành phố tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng một số căn hộ tại khu vực quận Hải Châu hoặc Thanh Khê. Giai đoạn 3 (2024-2025), đầu tư xây dựng số căn hộ còn lại tại khu đất đường Trương Vĩnh Ký (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), góp phần thực hiện mục tiêu “có nhà ở” trên địa bàn thành phố.
Xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tháng 8-2015, ngành du lịch Đà Nẵng xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch và là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện điều này. Ngay lập tức, bộ quy tắc ứng xử được các cấp, ban, ngành, người dân và doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, tạo làn gió mới trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Bộ quy tắc được in thành một tờ rơi hoạt hình với 12 lời nhắc nhở, dịch sang nhiều thứ tiếng và được phát tới tận tay khách du lịch ở nhà ga, sân bay, khách sạn và nhà hàng, góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện. Thành phố cương quyết “tuyên chiến” với các hành vi mồi chài, chèo kéo du khách; lừa đảo, chặt chém giá dịch vụ; vi phạm an toàn giao thông; phá hoại di tích hoặc cảnh quan môi trường... Song song đó, các sở, ngành cũng triển khai dự án “Thoải mái như ở nhà”, chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”... góp phần xây dựng hình ảnh người Đà Nẵng thân thiện, mến khách, để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Để tiếp tục xây dựng con người Đà Nẵng, tháng 12-2022, UBND thành phố ban hành đề án “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030”. Đề án đặt mục tiêu xây dựng con người Đà Nẵng năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện; mang bản sắc đặc trưng phù hợp lịch sử, văn hóa, truyền thống, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời kỳ mới.
|
BÌNH MINH - HUY HOÀNG