Đại học Đà Nẵng: Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Đồng hành sự phát triển lớn mạnh của thành phố, nhiều năm qua, Đại học Đà Nẵng không ngừng nỗ lực để góp phần vào sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đóng góp phát triển vùng và đất nước.

Các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đều rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa tham gia một hoạt động kết nối diễn ra tại trường. Ảnh: THU HÀ
Các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đều rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa tham gia một hoạt động kết nối diễn ra tại trường. Ảnh: THU HÀ

Phát triển mạnh, khẳng định thương hiệu
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, thời điểm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997) cũng là chặng đường hình thành và phát triển của Đại học Đà Nẵng. Nhờ lợi thế “đứng chân” tại thành phố trẻ, năng động và phát triển đã giúp Đại học Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong thu hút nhân tài từ mọi miền của đất nước đến học tập, nghiên cứu. Có thể nói, trong mỗi bước đi lên của Đại học Đà Nẵng đều có sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo và nhân dân thành phố. Ngược lại, sự phát triển của thành phố luôn có sự đồng hành, đóng góp tích cực của Đại học Đà Nẵng, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ tiền thân một trường đại học, một cơ sở giáo dục đại học (cấp khoa), một trường cao đẳng và một trường công nhân kỹ thuật, đến nay Đại học Đà Nẵng cơ bản hoàn thiện mô hình, cơ chế tổ chức, hoạt động, có 6 trường thành viên và 4 đơn vị đào tạo thuộc và trực thuộc cùng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao. Ban đầu, đội ngũ chỉ gần 400 cán bộ, giảng viên, nhiều ngành chưa có tiến sĩ. Sau thời gian bồi dưỡng, phát triển, đến nay Đại học Đà Nẵng có gần 2.600 cán bộ, giảng viên (tăng 6 lần), trong đó có 127 GS, PGS (tăng gần 10 lần), 758 tiến sĩ khoa học (tăng hơn 16 lần); tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 48%, trong đó Trường Đại học Bách khoa hơn 70%, bình quân chung của cả nước là 32%.

Nhờ có đội ngũ giảng viên chất lượng, đến nay Đại học Đà Nẵng phát triển thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô đào tạo thuộc top đầu cả nước, khẳng định thương hiệu với gần 55.000 sinh viên, học viên chính quy, lưu học sinh (tăng 8,5 lần) với 136 ngành bậc đại học, 48 ngành thạc sĩ và 32 ngành tiến sĩ.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ cho hay, Đại học Đà Nẵng luôn chú trọng chất lượng đào tạo; là đại học vùng đầu tiên có 100% các trường đại học thành viên kiểm định, đạt chuẩn chất lượng quốc gia, trong đó Trường Đại học Sư phạm là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của cả nước kiểm định, đạt chuẩn quốc gia vào tháng 4-2016; Trường Đại học Bách khoa là một trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam tiên phong kiểm định đạt chuẩn quốc tế HCERES năm 2017...

Bên cạnh đó, Đại học Đà Nẵng luôn chú trọng đổi mới, cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, nhạy bén trong việc mở các ngành đào tạo mới phù hợp định hướng phát triển vùng, trước hết là Đà Nẵng như mới đây tham gia khởi xướng Liên minh các đại học hàng đầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp bán dẫn, trong đó có 3 trường đại học thành viên đã mở ngành, tuyển sinh, đào tạo ngành Thiết kế vi mạch từ năm 2024, công nghệ tài chính (Fintech)…

Trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố, nhiều cựu sinh viên Đại học Đà Nẵng đã trưởng thành và nắm giữ nhiều vị trí, trọng trách trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước. Các thế hệ sinh viên trân trọng sự cống hiến, sáng tạo, nỗ lực không ngừng của đội ngũ giảng viên trong những thập niên qua đã góp phần kiến tạo Đại học Đà Nẵng trở thành một trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín, ngang tầm khu vực và thế giới, có đóng góp quan trọng trong tiến trình hội nhập, đổi mới giáo dục đại học nước nhà. Mỗi năm về thăm trường, các thế hệ sinh viên thấy được sự thay đổi, đổi mới mạnh mẽ của đại học Đà Nẵng từ cơ sở vật chất, giảng đường khang trang, phòng thí nghiệm hiện đại, học tập đào tạo, nghiên cứu khoa học không ngừng phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ thời kỳ hội nhập quốc tế, kỷ nguyên công nghệ số.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Để hướng tới mục tiêu chung, các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng rất quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, nhà trường tiếp tục vận hành các chương trình đào tạo hiện có, bám sát xu hướng phát triển khoa học công nghệ của thế giới và yêu cầu của thị trường lao động để mở mới các chương trình đào tạo tương ứng trong đó chú trọng các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn và các dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn…

Nhà trường chủ động xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo mới, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin (chất lượng cao, đặc thù, hợp tác doanh nghiệp), chuyên ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (2020), kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành cơ khí hàng không (2020), kỹ thuật máy tính (2020), kỹ thuật ô tô (2021), chuyên ngành công nghệ sinh học Y Dược thuộc ngành công nghệ sinh học (2022), chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch thuộc ngành kỹ thuật điện tử viễn thông (2024)…

Theo PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, sự phát triển của Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế - tài chính khu vực và vai trò của Đà Nẵng trong việc định hình các chính sách phát triển kinh tế số của quốc gia ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu vực này. Nhà trường xác định đào tạo nguồn nhân lực số là nhiệm vụ cốt lõi, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại. Vì thế, nhà trường đã tích hợp công nghệ số vào các chương trình đào tạo, đồng thời phát triển các mô hình giảng dạy mới nhằm giúp sinh viên có thể thích ứng với những yêu cầu và thách thức của thời đại.

Việc đào tạo nguồn nhân lực số của nhà trường không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng công nghệ cụ thể mà bao gồm cả phát triển tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc trong môi trường đa ngành, đa văn hóa; không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao và kinh nghiệm thực tiễn, liên kết đào tạo với tổ chức, doanh nghiệp.

​​​​Đánh giá Đà Nẵng có vị thế trung tâm kinh tế và du lịch hàng đầu miền Trung, thu hút lượng lớn du khách quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Văn Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ cho rằng, điều này tạo ra nhu cầu rất cao đối với nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ tốt, đặc biệt trong các ngành nghề du lịch, dịch vụ khách sạn và các ngành nghề liên quan đến giao thương quốc tế. Do đó, nhà trường không ngừng cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; chương trình học được thiết kế linh hoạt, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp sinh viên phát triển các kỹ năng cần thiết, thích ứng với môi trường làm việc đa dạng. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà trường hiểu rõ các yêu cầu về nhân lực từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo và các hoạt động để sinh viên ra trường nhanh chóng thích nghi và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Theo Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung CPCIT Trần Khắc Tuấn, Đại học Đà Nẵng là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, là nơi cung cấp nguồn nhân lực có tư duy đổi mới, năng lực cao; thích ứng nhanh và có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường hội nhập quốc tế. Đại học Đà Nẵng định hướng dựa trên nền tảng giáo dục STEM (kết hợp giữa khoa học - công nghệ - kỹ thuật và toán học), các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn và các dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, Đại học Đà Nẵng có lộ trình phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp (đặt hàng nhu cầu nhân lực), Nhà nước (dự báo quy hoạch các dự án đầu tư trọng điểm) và nhà trường (xác định ngành nghề, chỉ tiêu và tập trung đào tạo có địa chỉ sử dụng nguồn nhân lực). Nhờ vậy sinh viên tốt nghiệp từ các trường thuộc Đại học Đà Nẵng phần lớn đáp ứng về trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, thích ứng nhanh với môi trường, điều kiện làm việc tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, phần lớn các ứng viên tuyển dụng đều được đào tạo bài bản, có tư duy sáng tạo, có năng lực làm việc tự chủ, tiếp nhận và thích nghi rất nhanh với vị trí công việc được giao.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.