Định hướng phát triển kinh tế biển Đà Nẵng

Đà Nẵng là một trong sáu thành phố trực thuộc trung ương, nằm chính giữa dải ven biển Việt Nam, có vị trí rất quan yếu về an ninh, quốc phòng cũng như vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế của các tỉnh/thành phố vùng Duyên hải miền Trung. Thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội lớn của miền Trung và là hạt nhân quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là một trong những đô thị loại I và là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia.

Ảnh: KIM LIÊN
Ảnh: KIM LIÊN

Trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước

Trong Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị  về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ghi rõ: “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển; là trung tâm nghề cá hiện đại gắn với ngư trường Hoàng Sa và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo”.

Về phần mình, tại Quyết định số 70/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3-4-2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố đã xác định mục tiêu tổng quát thời kỳ đến năm 2030 là “hướng tới mục mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước” và tầm nhìn đến năm 2050 là “đưa Đà Nẵng trở thành đô thị biển quốc tế trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên”.

Mục tiêu này không những hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn phù hợp với điều kiện thực tế của Đà Nẵng, đồng thời phản ánh tính chất bao trùm của yếu tố biển trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Mục tiêu cụ thể về kinh tế biển

Phát triển bền vững các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác hải sản; (4) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển khác. Đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (GRDP) đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững, phù hợp với các quy định quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển”.

Hiện nay, những lĩnh vực kinh tế chủ đạo của thành phố là du lịch biển, đi kèm theo đó là hệ thống hạ tầng và dịch vụ du lịch đã khá phát triển, bao gồm: hệ thống khách sạn, nhà hàng, sân bay, đường bộ, đường sắt, dịch vụ vui chơi giải trí, thương mại…; vận tải biển và dịch vụ logicstics (cảng biển, đội tàu, kho bãi…) đã và được xây dựng và mở rộng theo hướng ngày càng hiện đại; khai thác hải sản (bao gồm cả đánh bắt, nuôi trồng và chế biến) với đội tàu hơn 1.000 chiếc, khai thác trên ngư trường rộng lớn, bao gồm cả ngư trường Hoàng Sa, sản lượng thủy sản toàn thành phố đạt trên 35.000 tấn/năm, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Kèm theo đó là hệ thống bến cảng, các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền quy mô khá lớn, không chỉ phục vụ cho riêng ngành hải sản thành phố mà còn cho cả khu vực. Do là thành phố biển nên các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất công công nghiệp hiện có của thành phố cũng có thể được coi là “công nghiệp ven biển” theo khái niệm mà Nghị quyết 36-NQ/TW xác định.

Các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế biển Đà Nẵng

Thời kỳ đến năm 2030 và những năm tiếp theo được xác định là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc có nội hàm là giàu mạnh, thịnh vượng. Quan điểm xuyên suốt là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, không chỉ là “cực tăng trưởng” mà còn đóng vai trò “đầu tàu”, “động lực”, có sứ mệnh khởi tạo, dẫn dắt, lan tỏa và lôi kéo các vùng xung quanh cùng phát triển. Thành phố Đà Nẵng được xem là một trong những địa bàn như vậy.

Đối với kinh tế biển Đà Nẵng, nội dung phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững có nghĩa là phát triển kinh tế biển xanh (blue economy), hiện đại theo các tiêu chuẩn chung của thế giới. Đồng thời, Đà Nẵng còn là địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng và đặc thù trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ, nên các hoạt động kinh tế biển phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện sứ mệnh này. Đây chính là quan điểm chỉ đạo chung đối với phát triển mọi lĩnh vực kinh tế biển của thành phố Đà Nẵng.

Trên tinh thần như vậy, để phát triển kinh tế biển xanh và nhanh, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau.

Phân vùng, xác định rõ chức năng từng khu vực không gian biển.

Trên cơ sở Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ vừa được Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 139/2024/QH15 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1117/QĐ-TTg, cần khẩn trương thực hiện phân vùng và xác định rõ chức năng của từng khu vực không gian biển của thành phố để làm cơ sở cho việc quản lý các vùng biển (các vùng cần bảo tồn, các vùng khai thác có điều kiện và các vùng khuyến khích khai thác phát triển).

Xây dựng hệ sinh thái du lịch biển xanh, trọng tâm là sản phẩm du lịch biển cao cấp.

Đây là trụ cột kinh tế có vai trò quan trọng hàng đầu tạo ra thương hiệu Đà Nẵng trong tương quan với các lĩnh vực kinh tế khác và với ngành du lịch của nhiều tỉnh/thành khác. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh du lịch là loại hoạt động kinh doanh tổng hợp, bao gồm trong đó nhiều loại hình du lịch và vô vàn các dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, thương mại, vui chơi giải trí, các hoạt động kinh tế đêm, mua sắm, triển lãm, tham quan phong cảnh, di tích, kiến trúc đô thị, v.v…) và gắn kinh tế với văn hóa, nên trên thực tế luôn tự động hình thành một hệ sinh thái bổ trợ cho nhau. Khách du lịch đến bất cứ đâu cũng không chỉ mong muốn được thưởng thức không gian du lịch đặc sắc, độc đáo, tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội, mà còn cảm nhận các mối quan hệ xã hội tích cực.

Vì vậy, trên nền tảng những thành công vốn đã khá tốt trong lĩnh vực du lịch của thành phố, Đà Nẵng cần nâng cấp lĩnh vực này thành loại hình du lịch đậm nét “biển xanh” và tạo ra nhiều sản phẩm mới, cao cấp hơn. Ngay cả khi sắp tới, Đà Nẵng sẽ xây dựng trung tâm tài chính khu vực, khu thương mại tự do và nhiều công trình kiến trúc hạ tầng khác, cũng nên xem đó như những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù, đậm chất Đà Nẵng.

Mở rộng không gian du lịch.

Cần tiếp tục nghiên cứu và mở rộng không gian du lịch của thành phố, mở rộng và chuyển đổi khu bến Tiên Sa thành trung tâm du lịch-dịch vụ biển, và trong trung và dài hạn, cần nghiên cứu mở rộng không gian du lịch của thành phố theo hướng khai thác tốt hơn các dòng sông, phát triển hạ tầng tối ưu cho Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, đặc biệt là có chương trình tổng thể khai thác hiệu quả vịnh Đà Nẵng. Hệ sinh thái du lịch của một thành phố có vai trò động lực cho cả vùng thì không thể làm du lịch một mình, mà cần đẩy mạnh liên kết vùng, với cố đô Huế, với đô thị cổ Hội An, với thánh địa Mỹ Sơn… và với nhiều vùng miền khác. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch Đà Nẵng theo hướng thái độ thân thiện, tiện nghi hiện đại và tác phong chuyên nghiệp, để qua đó dẫn dắt, lan tỏa ra toàn vùng.

Phát triển mạnh kinh tế hàng hải gắn với việc hình thành các trung tâm logicstics quy mô vùng.

Từ lâu, khu vực cảng Đà Nẵng đã là một trong những cảng biển quan trọng của khu vực. Vì vậy, đồng thời với việc mở rộng cảng Tiên Sa, triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực dịch vụ vận tải biển theo mô hình cảng xanh, thông minh. Để góp phần khắc phục hạn chế về quy mô chân hàng, cần tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với các loại hình vận tải khác (đường sắt, đường bộ, đường hàng không) và đặc biệt là hệ thống cảng cạn, kho bãi, dịch vụ logicstics với sự hỗ trợ của công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành tác nghiệp.

Duy trì ổn định ngành khai thác hải sản và từng bước gia tăng nuôi trồng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cần nhanh chóng nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá để thực sự đóng vai trò là trung tâm nghề cá lớn của cả vùng, bao gồm các cảng cá, khu vực tránh trú bão, các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền, trung tâm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế trên biển, cung cấp các vật tư, thiết bị, thông tin, thị trường… cho các hoạt động nghề cá.

Thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển.

Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế của toàn thành phố thời kỳ 2021-2030 đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cần đạt mức tăng 11-12%/năm. Do lĩnh vực kinh tế biển có ý nghĩa rất quyết định đến tăng trưởng kinh tế của thành phố, nên cần đa dạng hóa việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong đó bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, phải đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược với các cơ chế đặc thù, ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Các công trình xây dựng hạ tầng kinh tế biển, đặc biệt là các cảng biển và logistics, các trung tâm du lịch lớn, các khu bảo tồn biển, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực, hệ thống giao thông kết nối, giao thông ngầm và sau này là chương trình tổng thể khai thác vịnh Đà Nẵng… rất cần có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược.

Đẩy mạnh đào tạo và thu hút nhân lực phục vụ phát triển các ngành nghề kinh tế biển.

Là một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, Đà Nẵng rất có điều kiện và cần trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực cho kinh tế biển. Vì vậy, căn cứ vào những ngành, lĩnh vực kinh tế biển và ven biển có thế mạnh của thành phố (du lịch, hàng hải, nghề cá, bảo vệ tài nguyên biển…), tiến hành rà soát lại hệ thống các cơ sở đào tạo trên địa bàn, tập trung ưu tiên hơn cho việc đào tạo chuyên sâu cán bộ quản lý, các chuyên gia và đội ngũ lao động cho những ngành nghề này. Đồng thời, trên cơ sở phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội, thành phố cần chủ động xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ có chuyên môn, có kinh nghiệm vào làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển, nhất là với các cán bộ thường xuyên hoặc phần lớn thời gian phải hoạt động trên biển, ngoài các đảo.

Tóm lại, trên cơ sở là một cực tăng trưởng lớn của vùng Duyên hải miền Trung, thành phố Đà Nẵng ngày nay có điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hơn nữa vai trò này, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng tới các vùng xung quanh, trở thành một trong những động lực mạnh của vùng và quốc gia, trong đó có vai trò rất quyết định của kinh tế biển, góp phần quan trọng vào thực hiện khát vọng của kỷ nguyên vươn mình của đất nước và chính bản thân thành phố. Những giải pháp nêu trên không phải là tất cả, nhưng thực sự là những giải pháp chủ yếu, vừa rất căn bản, lâu dài, vừa mang ý nghĩa cấp thiết trước mắt.

PGS TS BÙI TẤT THẮNG
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

;
;
.
.
.
.