Định vị tầm vóc Đà Nẵng qua ngành logistics

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

Doanh nghiệp vận tải logistics cung cấp dịch vụ tại Khu công nghệ thông tin tập trung. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Doanh nghiệp vận tải logistics cung cấp dịch vụ tại Khu công nghệ thông tin tập trung. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phát huy lợi thế đầu mối giao thông

Việc nằm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây và là cửa ngõ ra biển góp phần giúp thành phố Đà Nẵng phát huy lợi thế, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, logistics của khu vực. Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) là chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 8 tại thành phố Manila (Philippines) vào năm 1998. Chương trình nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước trên tuyến hành lang.

Với tổng chiều dài 1.450 km, Hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố Mawlamyine (Myanmar), qua Thái Lan, Lào và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam (tại thành phố Đà Nẵng). Là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối trực tiếp các thị trường nội địa và quốc tế, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Đà Nẵng có thể mở rộng giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế thông qua hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, hoàn thiện. Trong đó, cảng Đà Nẵng, cảng biển có quy mô lớn nhất miền Trung, chính là điểm khởi đầu của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương.

Các chuyên gia nhận định, Đà Nẵng đang có nhiều thuận lợi trong việc phát huy vị thế trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây khi các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên đã đầu tư xây dựng và sẽ được nâng cấp mở rộng trong năm 2025. Trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang vươn lên bứt phá mạnh mẽ, Đà Nẵng cần khẳng định vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung. Đặc biệt là phát triển dịch vụ logistics nhằm phát huy lợi thế của địa phương, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đà Nẵng đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics. Trong đó, cảng Đà Nẵng không chỉ là một cơ sở trung chuyển hàng hóa quan trọng, mà còn được nâng cấp để có thể phục vụ các tàu trọng tải lớn.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã chấp thuận để cầu cảng số 1 bến Tiên Sa (thuộc Cảng Đà Nẵng) có thể đón tàu có trọng tải tới gần 50.000 DWT từ quý 4-2024. Đồng thời, Công ty CP Cảng Đà Nẵng cũng đưa vào khai thác Khu bãi sau cầu cảng số 4, 5, bến cảng Tiên Sa, với tổng diện tích 37.415 m2, có sức chứa xấp xỉ 110.000 teus. Theo Công ty CP Cảng Đà Nẵng, tính đến nay, Cảng Đà Nẵng đã có 1.700 m cầu tàu, có thể tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEUs, tàu khách đến 170.000 GT.

Tại diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 14-11-2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn.

Đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt

Ngày 29-3-2024, tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Công ty CP Cơ điện lạnh Searee (Searee) - thành viên của Searefico Group đã khánh thành Tổng kho Logistics Searee. Ông Nguyễn Khoa Đăng, Tổng Giám đốc Searee, cho rằng Đà Nẵng có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và nằm trên tuyến đường hàng không quốc tế trọng yếu nên việc đưa vào sử dụng Tổng kho Logistics - Searee sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống logistics trong khu vực. Đồng thời, giúp đáp ứng nhu cầu lưu trữ, luân chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho khu vực Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Nhiều dự án lớn đã và sắp triển khai đang biến Đà Nẵng dần trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước và là đầu mối logistics trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là lĩnh vực thành phố tập trung đầu tư, phát triển, kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng những năm tới. Hiện nay thành phố mới có 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, 14 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho bãi, 15 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bốc xếp, 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan vận tải đường biển, còn lại chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đường bộ với 681 đơn vị. Thành phố đã quy hoạch phát triển 5 trung tâm logistics chính với tổng diện tích 229 ha, nổi bật như tại cảng Liên Chiểu (69 ha)- phần cơ sở hạ tầng dùng chung; Hòa Nhơn (54 ha); sân bay Đà Nẵng (8 ha); Khu Công nghệ cao (30 ha).

Trong thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm về logistics cũng được cấp phép đầu tư, triển khai trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đã cấp mới dự án Trung tâm phân phối Con Ong của Công ty Con Ong với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; dự án Trung tâm Logistics Mộc Hoa với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng; dự án chia chọn tự động tại KCN Liên Chiểu của Công ty Bưu chính Viettel tổng vốn 729 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ Công ty CP Cảng Đà Nẵng đầu tư Trung tâm dịch vụ logistics tại Hòa Nhơn và Hòa Sơn trên diện tích 20ha, tổng vốn đầu tư 533 tỷ đồng.

Đặc biệt, để phát triển logistics bằng đường sắt, thành phố sẽ triển khai dự án di dời ga Đà Nẵng hiện tại ra khỏi nội đô theo hướng di dời ga hàng hóa, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt ra ga Kim Liên (quận Liên Chiểu). Trong giai đoạn 1 của dự án ga Kim Liên hiện tại sẽ được nâng cấp đáp ứng 350.000 tấn hàng hóa và 1,5 triệu khách/năm… Một số định hướng thu hút và kêu gọi đầu tư cũng được thành phố xác định kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vự giao nhận vận tải trọn gói tích hợp quốc tế như DHL, Shoppee, fedEx… đặt tổng kho giao nhận tại Đà Nẵng với dự kiến đến năm 2026, các trung tâm logistics tại Đà Nẵng sẽ đáp ứng được khoảng 30% về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, 15% qua cảng hàng không, riêng luồng hàng hóa đường sắt đạt 20% vào năm 2030. 

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.