Để Đà Nẵng văn minh, hiện đại như ngày nay, cán bộ và nhân dân thành phố đã đồng lòng, chung tay khai thác, biến các tiềm năng và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương “trung dũng, kiên cường” trở thành các nguồn lực để đầu tư, xây dựng và phát triển, nhất là từ năm 1997 đến nay. Đà Nẵng đang tiếp tục huy động và khơi thông các nguồn lực, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển bứt phá, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
![]() |
Thành phố đang tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển tăng tốc và bứt phá trong thời gian đến. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đột phá từ khai thác quỹ đất
Cách đây 28 năm, ngày 29-3-1997, công trình đường Bạch Đằng Đông (nay là đường Trần Hưng Đạo) được khởi công xây dựng cùng với các khu dân cư để bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa, nhất là các hộ ở các dãy nhà chồ dọc bờ đông sông Hàn. Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, nguyên Trưởng ban quản lý dự án công trình tuyến đường Bạch Đằng Đông, nhớ lại: “Số hộ dân có nhu cầu bố trí đất tái định cư rất lớn mà dự án thì luôn trong tình trạng thiếu kinh phí để thi công và đền bù giải tỏa. Chúng tôi phải xoay xở nhiều cách, đặc biệt là vay tiền ngân hàng để lo đền bù giải tỏa, còn các chủ đầu tư và nhà thầu tự lo vốn thi công, chờ khai thác quỹ đất rồi trả dần”. Đà Nẵng đã bắt đầu công cuộc chỉnh trang đô thị bằng cách khai thác nguồn lực đất đai như vậy.
Trong quá trình xây dựng và phát triển từ khi trở thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, Đà Nẵng tập trung khai thác giá trị đất đai để chuyển thành giá trị tài chính nhằm xây dựng một thành phố hiện đại, phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch và mở rộng không gian đô thị. GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từng đánh giá: Đà Nẵng là một thành phố duy nhất của Việt Nam làm được việc tạo dựng thành phố hiện đại nhờ biết khai thác giá trị từ đất đai như nhiều nước phát triển đã làm. Từ một thành phố cũ vào loại nghèo nàn, Đà Nẵng đã khai thác giá trị đất đai để chuyển thành giá trị tài chính nhằm xây dựng một thành phố hiện đại, phát triển mạnh về du lịch và làm tăng giá trị đất đai ở khu vực mới để đầu tư, phát triển các lĩnh vực mong muốn.
Tiềm năng về quỹ đất của thành phố được khai thác khá hiệu quả trong giai đoạn đầu khó khăn, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân có điều kiện tăng khả năng tích lũy vốn, tái sản xuất và mở rộng, sống an cư. Trong giai đoạn từ năm 1997-2024, tổng số tiền thu được từ khai thác quỹ đất đạt hơn 67.700 tỷ đồng. Đây là nguồn lực chủ yếu để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội cùng nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Qua thống kê, năm 1997, tổng vốn đầu tư phát triển của thành phố Đà Nẵng chỉ ở mức khiêm tốn là 1.625 tỷ đồng. Song hành với sự mở rộng không gian đô thị và phát triển ấn tượng của thành phố, quy mô vốn đầu tư hằng năm cũng tăng nhanh, lên mức 20.060 tỷ đồng vào năm 2010 và 31.380 tỷ đồng vào năm 2015. Trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2016 (trong 20 năm), tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội được huy động, thực hiện gần 260.000 tỷ đồng.
Nhưng từ năm 2017-2024 (8 năm), tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là hơn 285.700 tỷ đồng. Cơ cấu vốn chuyển dịch theo hướng tích cực là giảm dần tỷ trọng của nguồn vốn khu vực nhà nước và gia tăng tỷ trọng của nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước. Tỷ trọng nguồn vốn khu vực nhà nước đã giảm từ 68,92% vào năm 2010 xuống còn 23,47% vào năm 2019 và 23,19% vào năm 2022; tỷ trọng của nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước (nguồn vốn từ dân cư và tư nhân) tăng từ 30,67% năm 2010 lên hơn 62% vào năm 2022.
Cơ chế đặc thù huy động nguồn vốn đầu tư phát triển
Nguồn vốn đầu tư công được xem là nguồn vốn mồi để đầu tư phát triển và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 52.036 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách thành phố là 45.727 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 6.308 tỷ đồng) và được phân bổ trong giai đoạn 2021-2024 là 32.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau năm 2025, khi các quy hoạch đã được phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư của thành phố trong giai đoạn 2026-2030 là rất lớn với quy mô lên khoảng 150.000 tỷ đồng để thực hiện các công trình động lực, trọng điểm, các dự án có quy mô lớn đã được Trung ương và thành phố xác định giúp Đà Nẵng tăng tốc, bứt phá phát triển, hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Các dự án này như: di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng; 2 tuyến đường sắt đô thị Đà Nẵng; công trình qua sông Hàn (nối từ đường Đống Đa đến ngã tư đường Vân Đồn - Trần Thánh Tông); đầu tư tuyến kết nối giao thông về phía tây Sân bay Đà Nẵng và nâng cấp cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng khai thác của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần cảng biển Liên Chiểu, ga hàng hóa (hậu cần đường sắt); Khu thương mại tự do Đà Nẵng; các cụm công nghiệp và khu công nghiệp mới…
Kinh tế phát triển vượt bậc Hiệu quả chung của nền kinh tế Đà Nẵng gia tăng đáng kể nhờ sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, đặc biệt là tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng cao. Tổng GRDP theo giá hiện hành năm 2024 là 151.307 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với năm 2019. Một số thống kê về sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Đà Nẵng sau 28 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như: kim ngạch xuất khẩu tăng từ 155 triệu USD (năm 1997) lên 1,911 tỷ USD (năm 2024); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 1.164 tỷ đồng lên hơn 26.845 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 6.353 tỷ đồng lên 136.954 tỷ đồng... |
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030, bên cạnh nguồn vốn Trung ương, ngân sách thành phố và nhà đầu tư, thành phố cần có thêm nguồn vốn vay lớn để thực hiện. Theo Nghị quyết số 136/2024/QH15của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố được có tổng mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 136/2024/QH15 cũng quy định các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào dự án cảng biển Liên Chiểu, Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các dự án trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn... Ngoài ra, thành phố được sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã chủ động thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của mình và tích cực phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có chủ trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các dự án, khu đất để khơi thông nguồn lực và dư địa phát triển của thành phố. Sau khi được tháo gỡ các vướng mắc, năm 2024, Sở Xây dựng đã triển khai thẩm định dự án và cấp phép xây dựng cho hơn 85 dự án với tổng mức đầu tư hơn 61.000 tỷ đồng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, hầu hết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố đã cơ bản được tháo gỡ, giải quyết.
Đối với các khó khăn, vướng mắc tại các dự án, khu đất cần Trung ương tháo gỡ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Với nghị quyết này, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc để khơi thông nguồn lực rất từ khoảng 1.330 dự án, khu đất để thúc đẩy Đà Nẵng phát triển, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
HOÀNG HIỆP