Khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa

Nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa đã không ngừng nỗ lực sưu tầm tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn công tác UBND huyện Hoàng Sa  khảo sát sưu tầm tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4, Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Nhà Trưng bày Hoàng Sa
Đoàn công tác UBND huyện Hoàng Sa khảo sát sưu tầm tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4, Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Ngày 11-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại Nghị quyết ngày 6-11-1996 kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tách huyện đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ để sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, với Nghị định số 07/1997/NĐ-CP ngày 23-1-1997 về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện đảo Hoàng Sa chính thức được thành lập cùng 5 đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Kể từ tháng 4-2009, UBND thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa theo từng nhiệm kỳ chính quyền.

Báo cáo của UBND huyện Hoàng Sa cho biết, 10 tháng đầu năm 2024, nhà Trưng bày Hoàng Sa đón tiếp 15.858 lượt với 194 đoàn khách đến tham quan và tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tính từ ngày nhà trưng bày đi vào hoạt động đến nay, có hơn 130.000 lượt tham quan, tìm hiểu. UBND huyện Hoàng Sa, nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức nhiều hoạt động, chương trình triển lãm và trưng bày tư liệu của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Theo đó, triển lãm tư liệu “Hoàng Sa là của Việt Nam” trong khuôn khổ lễ hội cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024; phối hợp Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo hưởng ứng Tháng Thanh niên; phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và Thành đoàn Đà Nẵng triển lãm tư liệu, hình ảnh và báo cáo chuyên đề về chủ đề “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” cho đoàn viên sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

UBND huyện phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức chương trình “Trại hè Việt Nam 2024” dành cho thanh, thiếu niên kiều bào ở nước ngoài; triển lãm, giới thiệu trực quan những tư liệu, hình ảnh về biển đảo Việt Nam cho học sinh tại Trường Tiểu học, THCS FPT; Trường THCS Kim Đồng; Trường Tiểu học, THCS, THPT Việt Nhật... với chủ đề “Hoàng Sa là của Việt Nam”. Qua mỗi cuộc triển lãm đã giúp cho hàng ngàn học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên có thể tiếp cận thông tin tư liệu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

UBND huyện Hoàng Sa, nhà Trưng bày Hoàng Sa phối hợp Sở Du lịch và Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng giới thiệu tư liệu, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa là của Việt Nam” cho các hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, qua đó cung cấp những thông tin tư liệu về Hoàng Sa giúp các hướng dẫn viên giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng tham quan, tìm hiểu. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã kịp thời đưa tin bài về hoạt động quản lý nhà nước và tuyên truyền bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bên cạnh các hoạt động trưng bày giới thiệu tại chỗ, nhà Trưng bày Hoàng Sa thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên đề, các cuộc triển lãm lưu động giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ có thể tiếp cận thông tin tư liệu chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách dễ hiểu nhất. Để giúp những người ở xa có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin tư liệu hiện vật, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã số hóa tài liệu, ứng dụng mã QR tại không gian trưng bày, nâng cấp bảo tàng ảo lên bảo tàng 3D cập nhật trên website của nhà Trưng bày Hoàng Sa tại địa chỉ: http://nhatrungbayhoangsa.danang.gov.vn.

Thời gian qua, UBND huyện Hoàng Sa, nhà Trưng bày Hoàng Sa chú trọng công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa. Trong năm 2024, UBND huyện Hoàng Sa, nhà Trưng bày Hoàng Sa đã sưu tầm và tiếp nhận nhiều tư liệu, hiện vật quý về Hoàng Sa; thực hiện thẩm tra, xử lý thông tin theo đúng quy trình. Đây là những tư liệu mới, tư liệu quý về Hoàng Sa là một trong những bằng chứng khẳng định chủ quyền rất quan trọng

Đại diện UBND huyện Hoàng Sa thăm, tặng quà các nhân chứng từng sống, làm việc trên quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: PV
Đại diện UBND huyện Hoàng Sa thăm, tặng quà các nhân chứng từng sống, làm việc trên quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: PV

Ngày 15-3-2024, nhà Trưng bày Hoàng Sa đã tổ chức sưu tầm, vận động hiến tặng tư liệu Hán Nôm tại quận Ngũ Hành Sơn và tiếp nhận tài liệu gốc, quý của tộc họ Mai tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn hiến tặng liên quan đến thủy quân thời vua Thiệu Trị, Tự Đức… Kết quả sưu tầm được 38 văn bản gốc gồm Sắc, Bằng do triều đình nhà Nguyễn cấp cho các cá nhân đảm nhiệm một số vị trí, chức vụ của lực lượng hoạt động trên biển đương thời, các tư liệu có niên đại kéo dài từ năm Thiệu Trị 01 (tức năm 1841) đến năm Tự Đức 17 (tức năm 1863). Đây là các tư liệu quý, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lịch sử quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung dưới thời nhà Nguyễn.

Bên cạnh nguồn tư liệu Hán Nôm, nhà Trưng bày Hoàng Sa đã tiếp cận và sưu tầm với hàng ngàn tư liệu Pháp ngữ với nhiều loại hình như tư liệu thành văn, bản đồ, hình ảnh. Đặc biệt, đây là nhóm tư liệu mới nhất, được khai thác từ Trung tâm Chính trị và Thương mại của Trung tâm lưu trữ - Bộ Ngoại giao Pháp, thời gian phản ánh của tài liệu nằm trong giai đoạn chính quyền thuộc địa Pháp quản lý quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ sưu tầm về tài liệu và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại địa phương, nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức xác minh thông tin nhân chứng, quay phim tư liệu về nhân chứng lịch sử Hoàng Sa, những người đã từng sinh sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Công trình Nhà Trưng bày Hoàng Sa được khởi công xây dựng vào tháng 12-2015 trên diện tích gần 1.300m2 tại góc ngã ba đường Hoàng Sa - Phan Bá Phiến, quận Sơn Trà. Công trình có quy mô 1 tầng trệt, 3 tầng nổi, chiều cao xây dựng 18,2 m, có tổng vốn hơn 40 tỷ đồng do UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Công trình nhà trưng bày Hoàng Sa được thiết kế, xây dựng theo phương án kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” (đạt giải thưởng trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa năm 2014).

Nhà Trưng bày Hoàng Sa trực thuộc UBND huyện Hoàng Sa, được thành lập theo Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 8-8-2017 của UBND huyện Hoàng Sa. Sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, công trình được  khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 28-3-2018. Nhà Trưng bày Hoàng Sa là một thiết chế văn hóa - xã hội mang tính chính trị cao, nơi sưu tầm, lưu trữ và trưng bày các tư liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng và biển đảo nói chung. Nhà Trưng bày Hoàng Sa đi vào hoạt động đánh dấu bước tiến trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước đối với quần đảo Hoàng Sa.

Qua thời gian hoạt động, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã khẳng định được vị thế, vai trò trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.