Khẳng định vị thế Đà Nẵng trên bản đồ thế giới

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Đà Nẵng mở rộng, thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 50 địa phương của 24 quốc gia cùng nhiều đối tác lớn trên thế giới. Đồng thời, tổ chức thành công nhiều diễn đàn quốc tế, sự kiện đối ngoại quy mô lớn để bạn bè quốc tế nhìn nhận Đà Nẵng là thành phố hội nhập, năng động và sáng tạo. Qua đó, dần khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

 Lãnh đạo thành phố cùng đại biểu quốc tế tham quan
Lãnh đạo thành phố cùng đại biểu quốc tế tham quan "Triển lãm các thành phố hữu nghị và hợp tác". Ảnh: T.PHƯƠNG

Khẳng định cực tăng trưởng và hội nhập

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ban hành đề án Hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030. Đề án chỉ ra khối các nước, thị trường và lĩnh vực tiềm năng mà thành phố có thể tập trung xúc tiến đến năm 2030. Đồng thời, xác định mục tiêu giúp thành phố tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và khai thác vai trò cực tăng trưởng chủ chốt, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành phố của khu vực, dẫn dắt khu vực miền Trung và Tây Nguyên cùng phát triển, đóng góp cho sự ổn định chung của an ninh quốc gia, sự lớn mạnh chung của kinh tế cả nước, nâng tầm chất lượng đời sống xã hội toàn dân.

Điều này cho thấy Đà Nẵng thể hiện rõ tính quốc tế hóa, tinh thần năng động và đổi mới sáng tạo của một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến mục tiêu là thành phố lớn của khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Kết luận số 79-KL/ TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hằng năm, thành phố Đà Nẵng đón khoảng 300 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc và tổ chức khoảng 10 đoàn lãnh đạo thành phố đi công tác nước ngoài. Những chuyến thăm và làm việc này không chỉ củng cố quan hệ đối ngoại giữa Đà Nẵng với các đối tác mà còn là cơ hội thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, nâng cao vị thế, hình ảnh của thành phố trong nước và quốc tế. Điển hình như chuyến công tác tại Thụy Sĩ do Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh dẫn đầu nhân dịp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 20 đến 23-1-2025. Tại đây, Chủ tịch UBND thành phố có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Sygnum, là ngân hàng tài sản kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới; ông Philipp Rosler, Tổng Giám đốc Công ty Concessor AG và các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính lớn tại Thụy Sĩ như: ngân hàng UBS, ngân hàng Maerki Baumann...

Trước đó, cuối tháng 11-2024, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp tại New York và Washington DC (Hoa Kỳ) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là thúc đẩy hợp tác ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Giờ đây, sự hiện diện của các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ như Synopsys, Marvell... tại Đà Nẵng là minh chứng rõ ràng nhất về tiềm năng và cơ hội của thành phố trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chia sẻ tại Diễn đàn các thành phố Hữu nghị và Hợp tác - Đà Nẵng 2025, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Susan Burns bày tỏ, Đà Nẵng đã làm rất tốt trong việc kết nối các địa phương trên thế giới bao gồm xây dựng mối quan hệ với các thành phố tại Mỹ. Năm 2024, đoàn lãnh đạo thành phố đã đến thăm và làm việc tại New York và San Francisco (Mỹ). Đà Nẵng ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ hợp tác quốc tế.

Diễn đàn các thành phố Hữu nghị và Hợp tác - Đà Nẵng 2025 thu hút 500 đối tác trong nước và quốc tế tham dự. Đặc biệt, nhiều thỏa thuận và biên bản quốc tế được ký kết tác giữa Đà Nẵng và các đối tác, các dự án đầu tư nước ngoài. Tại đây, thành phố ký kết hợp tác với các thành phố: Aktau (Kazakhstan) và Genoa (Ý). Qua đó, thành phố mở rộng bản đồ hợp tác quốc tế với hơn 50 địa phương của 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hợp tác quốc tế không chỉ diễn ra ở cấp thành phố mà ở cấp quận, huyện, ban, ngành thành phố đã ký kết nhiều biên bản thỏa thuận với nhiều địa phương nước ngoài.

Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình, không chỉ chủ động trong hợp tác quốc tế mà Đà Nẵng còn là thành viên tích cực, trách nhiệm trong các tổ chức đa phương như: Tổ chức Mạng lưới chính quyền các địa phương về quản lý định cư con người (CityNet), Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về quản lý tổng hợp vùng bờ (PNLG), Tổ chức các thành phố thông minh và bền vững thế giới (WeGo)... Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đã làm tốt vai trò chủ tịch PNLG; điều phối phiên họp tổng thể Đại hội đồng PNLG tại thành phố Hạ Môn (Trung Quốc) vào ngày 7-11-2024. Qua đây, hình ảnh thành phố Đà Nẵng ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến là một địa phương năng động và tích cực.

Đà Nẵng tiếp tục chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy rằng là thành phố hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, an toàn, xanh sạch đẹp và thân thiện mến khách; được đánh giá Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á trong năm 2024 (theo Tạp chí du lịch Mỹ Cn Traveller). Những năm qua, thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam; Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng; Lễ hội Golf và giải Golf châu Á; Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc... Các sự kiện nói trên đã để lại những dấu ấn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần khẳng định vị thế “Đà Nẵng là điểm đến sự kiện hàng đầu châu Á”.

Bước vào kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 26-6-2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2025, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của thành phố với những động lực thúc đẩy phát triển mới như khu thương mại tự do, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Mới đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW kết luận về việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Đây là lĩnh vực mới mẻ đối với Đà Nẵng song là chiến lược đột phá trong phát triển kinh tế, tài chính, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Để hiện thực hóa chủ trương này, ngày 16-1, Đà Nẵng tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam”. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức, định chế tài chính, các quỹ đầu tư cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các cơ chế chính sách đặc thù để Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sớm hình thành và phát triển. Chủ tịch Tập đoàn Makara Capital Ali Ijaz Ahmad chia sẻ sự quan tâm đối với Trung tâm tài chính Đà Nẵng. Đà Nẵng nên nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm tài chính kết hợp với đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là điểm khác biệt so với các mô hình trung tâm tài chính khác trên thế giới, thu hút nhiều đối tác chiến lược đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ông Ali Ijaz Ahmad khẳng định sẽ cử chuyên gia hàng đầu của mình đến Đà Nẵng hỗ trợ thành phố hiện thực hóa dự án trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời, cam kết đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thành phố.

Thành phố xác định ngoại giao kinh tế là mũi nhọn, đẩy mạnh ngoại giao khoa học công nghệ làm trọng tâm. Với cơ chế chính sách đặc thù và ưu đãi mà Trung ương giao cho thành phố Đà Nẵng như xây dựng khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và các chính sách ưu đãi khác dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số và các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế của thành phố sẽ tăng tốc, bứt phá hướng đến các hợp tác thực chất, có hiệu quả trên cơ sở lợi ích của các bên. Đà Nẵng được định vị là cực tăng trưởng và cực hội nhập quốc tế của khu vực miền Trung Việt Nam, nên rất cần huy động các nguồn lực về thương mại, đầu tư, cập nhật các xu thế phát triển và liên kết kinh tế, vận dụng sức mạnh của kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tri thức làm nền tảng thúc đẩy sự vươn mình của thành phố trong kỷ nguyên mới. 

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.