Mở rộng không gian đô thị

Sau 50 năm giải phóng thành phố, đặc biệt là sau 28 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, từ một đô thị với không gian đô thị nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đến nay, Đà Nẵng là một đô thị hiện đại, văn minh... với tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ đô thị hóa cao, diện tích không gian đô thị được mở rộng gấp nhiều lần. Đà Nẵng được định hướng xây dựng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng tạo nên những dấu ấn về diện mạo và phát triển đô thị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng tạo nên những dấu ấn về diện mạo và phát triển đô thị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Dấu ấn phát triển đô thị

Nếu như từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975, Đà Nẵng chỉ có 77 đường phố được đặt tên và 21 năm sau đó (từ năm 1975 đến cuối năm 1996), chỉ thêm 13 đường có tên, thì chỉ sau 5 năm kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (từ năm 1997 đến tháng 7-2002), với việc xây dựng các trục đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị mới..., thành phố đã có thêm 124 đường được đặt tên. Đến nay, thành phố có hơn 2.600 đường được đặt tên với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.

Từ không gian đô thị nhỏ hẹp với diện tích khoảng 5.600ha vào năm 1997, Đà Nẵng đã phát triển 18.396ha đất xây dựng đô thị và 8.191ha đất xây dựng công trình dân dụng vào năm 2019. Từ một “thành phố không có chiều cao” vào trước năm 1997, Đà Nẵng hiện có khoảng 170 nhà cao tầng, khách sạn cao từ 15 tầng trở lên, đặc biệt có những công trình căn hộ, khách sạn cao tầng như dự án Soleil Ánh Dương cao 57 tầng, Đà Nẵng Times Squares cao 50 tầng, khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng và Chung cư cao cấp Sơn Trà cao 42 tầng, khách sạn Novotel cao 38 tầng, khách sạn Vinperl Condotel Riverfront Đà Nẵng cao 36 tầng, Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng cao 34 tầng...

Đánh giá theo các mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống đô thị theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia, đến năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố là 87,3%, cao hơn chỉ tiêu đề ra đến 42,2%; tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố khu vực nội thị đạt 99,2%, cao hơn chỉ tiêu đề ra 24,2%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 83,5%, cao hơn 23,5%; tỷ lệ chiếu sáng đường phố chính và khu nhà ở, ngõ, xóm đạt 100%...

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho rằng, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, Đà Nẵng đã ghi dấu ấn đậm nét trong phát triển đô thị; là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước với 87,4% năm 2020 và tỷ lệ đô thị hóa lên đến 87,3%, cao gấp 2 lần bình quân toàn vùng. Quá trình đô thị hóa không chỉ mở rộng không gian kinh tế mà còn cải thiện đời sống người dân, nâng cao cảnh quan và phát triển hạ tầng kỹ thuật, góp phần làm giàu thêm chất lượng sống ở đô thị.

Tuy nhiên, Đà Nẵng đang phải đối mặt với không ít thách thức như diện tích đất hạn chế, thành phố đang cần tối đa hóa mật độ dân cư phù hợp với tăng trưởng dân số; cân bằng giữa khai thác và bảo tồn hệ sinh thái; nguy cơ từ lũ lụt và nhiễm mặn tại các khu vực ven biển; áp lực gia tăng dân số lên cơ sở hạ tầng giao thông đô thị; tỷ lệ cây xanh trong khu dân cư còn thiếu; áp lực tái định cư và công trình hạ tầng xã hội…

​​​​​​​“Phát triển đô thị bền vững trở thành một nhiệm vụ cấp bách để xây dựng một Đà Nẵng không chỉ đẹp về kiến trúc, cảnh quan mà còn bền vững về môi trường, văn minh, nhân văn... Đà Nẵng đang ưu tiên xây dựng và phát triển thành phố trên cơ sở chú trọng theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy phát triển văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, sinh thái, duy trì các điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm... Đồng thời, kết hợp tốt giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, gia tăng mật độ kinh tế trên một diện tích đất và hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng dùng chung”, ông Võ Tấn Hà nhấn mạnh.

Xây dựng huyện Hòa Vang thành đô thị vệ tinh

Tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021, đô thị Đà Nẵng được định hướng phát triển đa cực với nhiều nút nén tích hợp hiệu quả mạng lưới giao thông và các điểm trung chuyển kết nối thành phố. Dựa trên các đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, thành phố được cấu trúc thành ba vùng đô thị đặc trưng là vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh và vùng sườn đồi.

Bên cạnh đó, xác lập vùng sinh thái, đây là vùng ranh giới với vùng đô thị hóa với quy định quản lý với các nguyên tắc để phát huy tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững, tiến tới trở thành một thành phố sinh thái và đáng sống. Mô hình đô thị được chuyển đổi mô hình phát triển dàn trải, đơn cực, sử dụng đất đơn năng, thành đô thị nén, phát triển đa cực, đa trung tâm; sử dụng đất đa năng với các mô hình đô thị nén, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị sân bay, đô thị cảng biển, đô thị đại học...

Tại Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng được định hướng phát triển là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống…

Cùng với đó, quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại. Khu vực trung tâm thành phố cũng được định hướng xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng.

Khu vực phát triển đô thị mới được xác định là phát triển về phía tây, tây bắc thành phố; đến năm 2030, khu vực đô thị hóa được xác định tại 9 xã của huyện Hòa Vang gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%. Huyện Hòa Vang được định hướng tổ chức lại không gian, cơ cấu chức năng các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa tiệm cận theo các tiêu chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống; phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại 4, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường… để đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất.

Tại các quy hoạch nói trên của Thủ tướng Chính phủ, dư địa phát triển đô thị Đà Nẵng là ở huyện Hòa Vang. Trong Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2029 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã định hướng xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh. Định hướng này của Bộ Chính trị được đưa vào Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 79-KL/TW theo Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 30-9-2024 của Chính phủ. Nghĩa là Hòa Vang được định hướng trở thành đô thị loại 3 (thành phố trong thành phố) trực thuộc Trung ương.

Từ Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị với định hướng xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội với thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có cơ hội lớn để phát triển... Huyện đón nhận và xem các yếu tố trên là thời cơ quan trọng, tạo nên động lực cho Hòa Vang tăng tốc, góp phần thay đổi diện mạo Hòa Vang theo hướng đô thị văn minh. Lãnh đạo huyện Hòa Vang cho biết, trong định hướng phát triển thời gian đến, song hành với mục tiêu xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái giàu bản sắc vào năm 2030, huyện còn xác định tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh; trung tâm công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao; phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng... 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.