Nỗ lực trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam

Công nghiệp vi mạch bán dẫn được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế của Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới. Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố - DSAC (đầu tiên, bên phải) trao biên bản ghi nhớ 4 bên với các đối tác về đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong khuôn khổ sự kiện “Diễn đàn các thành phố Hữu nghị và Hợp tác  -  Đà Nẵng 2025”.  Ảnh: MAI QUẾ
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố - DSAC (đầu tiên, bên phải) trao biên bản ghi nhớ 4 bên với các đối tác về đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong khuôn khổ sự kiện “Diễn đàn các thành phố Hữu nghị và Hợp tác - Đà Nẵng 2025”. Ảnh: MAI QUẾ

Nhiều kết quả trong xúc tiến đầu tư

Ngày 10-10-2023 đánh dấu mốc thời gian Đà Nẵng đặt bước đi đầu tiên và cho thấy quyết tâm phát triển ngành vi mạch bán dẫn khi UBND thành phố tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”. Ngay sau đó, tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: công nghiệp công nghệ cao như công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn… sẽ là ngành công nghiệp chủ đạo của Đà Nẵng. Hơn 1 năm qua, thành phố triển khai những bước đi cụ thể về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, đạt những kết quả bước đầu trong xúc tiến thu hút đầu tư, chuẩn bị điều kiện và hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.

Trong năm 2024, thành phố tổ chức cũng như tham gia 5 chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Cuba, Liên minh Châu Âu... Bên cạnh đó, thành phố tham gia, tổ chức hơn 20 sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng của Đà Nẵng đến các đối tác liên quan, đáng chú ý là tổ chức thành công Ngày vi mạch bán dẫn thành phố Đà Nẵng vào ngày 29 và 30-8-2024; đồng chủ trì diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á” tại Hà Nội vào ngày 8-11-2024... Thành phố tham mưu, chủ trì tổ chức các buổi làm việc với hơn 70 tổ chức, tập đoàn lớn và đối tác liên quan về hợp tác vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng, trong đó có các đối tác lớn như Tập đoàn Qualcomm, Marvell, Nvidia, Intel, Sovico, Đại học bang Oregon, Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ)…

Kết quả, Đà Nẵng đã ký kết 9 biên bản ghi nhớ hợp tác với một số đơn vị nhằm phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trong đó có Công ty Synopsys, Tập đoàn Sovico, Marvell, Intel, Công ty TNHH FPT IS, Trung tâm đào tạo bán dẫn Đại học Phenikaa, Viện Công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty CP Tecotec Group và Công ty TNHH KandH MFG. Đến nay, Đà Nẵng có thêm 5 công ty thiết kế vi mạch đầu tư (so với cuối năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thiết kế vi mạch lên 13 đơn vị. Vừa qua, Đà Nẵng có 4 công ty khởi nghiệp lọt vào top 10 khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) do tập đoàn Qualcomm tổ chức là: Công ty TNHH Công nghệ XB, Công ty TNHH Alpha Asimov Robotics, Công ty TNHH Vox Cool, Công ty CP Giải pháp công nghệ cao VAS (Delta X).

Sẵn sàng hạ tầng, chính sách, nguồn nhân lực

Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị quỹ đất, các khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm, khu công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch bán dẫn, AI; hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư. Đặc biệt, ngày 16-1-2025, thành phố tổ chức khai trương Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 và đưa vào sử dụng tòa nhà ICT1 với 8 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 39.000m2, diện tích khai thác 21.000m2, trong đó ưu tiên cho các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Việc vận hành Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 và 3 khu công nghệ thông tin tập trung đã được Chính phủ công nhận (Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1, Khu phức hợp Văn phòng FPT), hạ tầng khoa học công nghệ của thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Đến năm 2030, thu hút ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn

Theo Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 21-1-2025 về đề án Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng, thành phố xác định 3 hướng đột phá phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo: cơ sở hạ tầng, chính sách và nguồn nhân lực. Thành phố đặt lộ trình phát triển trong 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2024-2027, thành phố tập trung đào tạo nguồn nhân lực, gắn với thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Giai đoạn 2027-2030, thành phố ưu tiên phát triển doanh nghiệp nội địa, khởi nghiệp cùng với thu hút đầu tư lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn; đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực đóng gói, kiểm thử. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số đóng góp tối thiểu 35-40% GRDP thành phố; thu hút ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Thành phố có 3 khu công nghệ thông tin đang thực hiện: dự án không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có diện tích 17,3ha (đã được chấp thuận chủ trương đầu tư); tòa nhà Viettel Đà Nẵng tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu có diện tích 1,07ha (dự kiến khởi công quý 2-2025); Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu có diện tích 3,5ha (đang thực hiện chủ trương đầu tư).

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 là dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh các chính sách của Nhà nước; hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp... Trong năm 2025, thành phố sẽ đầu tư và đưa vào sử dụng 3 phòng nghiên cứu (lab), trong đó 2 lab đào tạo thiết kế vi mạch, 1 lab đào tạo trí tuệ nhân tạo trong Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2; triển khai đầu tư hoàn thiện giai đoạn 2 Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để đưa vào sử dụng tòa nhà ICT2, ICT3.

Tín hiệu tích cực là vào ngày 13-12-2024, HĐND thành phố đã thông qua 3 nghị quyết để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn bằng cách cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Cụ thể: Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố; Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND quy định các chính sách ưu đãi, nội dung và mức hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; trình tự tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành tài sản kết cấu hạ tầng thông tin trên địa bàn thành phố; Nghị quyết số 59/2024/NQ-HĐND quy định các nội dung để xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.

Về đào tạo nhân lực, theo ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố (DSAC), trong năm 2025, thành phố tiếp tục triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nguồn trong và ngoài nước liên quan đến thiết kế vi mạch và đóng gói kiểm thử trên cơ sở hợp tác với Công ty Synopsys, Đại học Bang Arizona - Mỹ. Thành phố sẽ hợp tác với Tập đoàn Microsoft (thông qua đối tác Công ty CP Giáo dục Inter Edu) để triển khai xây dựng một số trường học chuẩn AI Microsoft; hợp tác với Tập đoàn Nvidia triển khai chương trình đào tạo “Đại sứ AI” cho các giảng viên trên địa bàn thành phố.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.