Đà Nẵng xác định du lịch là 1 trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trên cơ sở đó, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố cụ thể hóa thành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời ngành du lịch xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch cốt lõi, phù hợp với xu thế phát triển và tiềm năng hiện có của địa phương kết hợp với việc đồng bộ cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng dịch vụ du lịch nâng cao; đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến được du khách trong và ngoài nước lựa chọn.
Nâng tầm điểm đến bằng các sản phẩm du lịch
Theo thống kê của Sở Du lịch, khách du lịch đến thành phố tăng đều qua các năm. Số lượng du khách bình quân giai đoạn 2017-2023 là 5,01 triệu lượt khách/năm, trong đó du khách quốc tế là 1,98 triệu lượt/năm, du khách nội địa là 3,03 triệu lượt/năm. Số lượt khách du lịch bình quân trong giai đoạn này cao so với giai đoạn 2010-2016 (3,43 triệu lượt/năm).
Năm 2024, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 10,9 triệu lượt, tăng 32,8% so với năm 2023, bằng 135% so với năm 2019, vượt 29,3% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 4,1 triệu lượt, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 128% so với năm 2019, vượt 65,8% so với kế hoạch năm 2024; khách nội địa ước đạt hơn 6,7 triệu lượt, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 141% so với 2019, vượt 13,9% so với kế hoạch năm 2024. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2024 ước đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2023, bằng 146% so với năm 2019, vượt 10,8% so với kế hoạch năm 2024.
Thành phố có 1.290 cơ sở lưu trú du lịch với 46.527 phòng, trong đó cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao và tương đương là 110 cơ sở với 21.293 phòng (trong đó số lượng đã xếp hạng công nhận hạng 4-5 sao là 70 cơ sở với 15.225 phòng), 3 sao và tương đương trở xuống là 1.180 cơ sở với 25.234 phòng. Ngoài ra, 548 đơn vị lữ hành (trong đó có 120 công ty lữ hành nội địa, 332 công ty lữ hành quốc tế, 53 chi nhánh lữ hành quốc tế, 25 văn phòng đại diện, 14 đại lý du lịch, 4 văn phòng đại diện nước ngoài); 5.988 hướng dẫn viên do Sở Du lịch cấp thẻ, trong đó 1.712 hướng dẫn viên nội địa và 4.276 hướng dẫn viên quốc tế.
![]() |
![]() |
![]() |
Khách du lịch đến thành phố tăng đều qua các năm. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển 10 loại hình sản phẩm đặc sắc góp phần thu hút, phục vụ khách, tạo không khí sôi động, tươi mới như du lịch lễ hội, sự kiện; du lịch tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề; du lịch ban đêm; du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lịch sử, cộng đồng, sinh thái; du lịch đường thủy nội địa; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch cưới; du lịch golf; du lịch ẩm thực. Trong đó, các sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế không ngừng được đầu tư, trở thành thương hiệu của thành phố.
Đơn cử như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) qua 12 lần tổ chức đã trở thành thương hiệu riêng của Đà Nẵng, trở thành “thỏi nam châm” hút khách và là động lực thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế của thành phố bên sông Hàn. Năm 2008, khi Lễ hội pháo hoa đầu tiên được tổ chức, số lượt khách tham dự được thống kê là 30.000 người. Đến năm 2018, số vé bán ra đã lên tới 82.000 và tổng lượng khách du lịch đến thành phố trong dịp này ước đạt hơn 1,5 triệu lượt khách.
Bước sang năm 2024, lượng khách do các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ qua hơn 1 tháng diễn ra sự kiện DIFF 2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 60% so với kỳ DIFF 2023. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành, tháng 6-2024 ước đạt 16.344 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023.
Trong năm 2025, cùng với sự đồng hành của thành phố, Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) tiếp tục nâng tầm lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng với nhiều điểm mới mẻ nhằm nâng cao chất lượng và quy mô của lễ hội này. Những năm gần đây, Đà Nẵng vượt qua nhiều tên tuổi lớn để vươn lên dẫn đầu trong top danh sách các điểm đến toàn cầu. Trong năm 2025, Đà Nẵng tiếp tục được các tạp chí về du lịch chọn là tốp đầu phải đến trong năm như Michelin Guide chọn ra 10 điểm đến ẩm thực phải đến; chuyên trang du lịch Mỹ Travel Off Path bình chọn Đà Nẵng lọt top 5 điểm đến lý tưởng cho dân du mục kỹ thuật số; tờ Time Out của Anh xếp Đà Nẵng ở vị trí thứ 3 trong 8 điểm đến đáng ghé thăm nhất thế giới…
Triển khai đồng bộ giải pháp phát triển du lịch
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch, trên cơ sở tài nguyên, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ đang có, quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng hướng tới sự phát triển du lịch bền vững. Ngành du lịch tập trung các nguồn lực để triển khai 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch thành phố gồm: đột phá về sản phẩm du lịch; đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch; đột phá về chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Đồng thời, triển khai quy hoạch, định hướng phát triển trọng tâm của ngành theo lộ trình: kế hoạch phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2025; kế hoạch đề án phát triển kinh tế ban đêm, kế hoạch phát triển du lịch đường thủy nội địa, kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch và các đề án, kế hoạch trọng tâm đã được thành phố phê duyệt theo lộ trình…
Nghiên cứu thị trường và xu hướng của du khách để truyền thông xúc tiến quảng bá đúng trọng tâm trọng điểm; xúc tiến đường bay Qatar, Úc, Osaka (Nhật Bản), Indonesia, tăng thêm đường bay mới từ Ấn Độ và các nước thuộc cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS); triển khai các chương trình kích cầu thu hút khách, kích cầu duy trì đường bay; xây dựng, công bố và tổ chức áp dụng Bộ tiêu chí “chất lượng cao” trong hoạt động/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành.
Trên cơ sở quan điểm định hướng phát triển Đà Nẵng tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp lãnh đạo thành phố đã có quyết tâm và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển du lịch thành phố gắn với tài nguyên, lợi thế của Đà Nẵng. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ và dành nguồn lực cho mục tiêu phát triển ngành du lịch thành phố thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Hơn hết, điều quan trọng nhất trong phát triển du lịch bền vững chính là yếu tố cộng đồng. Người dân là những người sẽ cùng chung tay xây dựng sản phẩm du lịch, nhưng cũng là một hướng dẫn viên giới thiệu những gì tốt đẹp của điểm đến đến với du khách nhanh hơn và chân thật hơn. Từ ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan sẽ giúp du khách cảm nhận nhiều hơn về sự hấp dẫn điểm đến cũng như chung tay gìn giữ điểm đến. Tôi mong người dân đồng lòng chung tay với thành phố trong phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, hướng đến mỗi người dân là một “hướng dẫn viên du lịch”, góp phần tạo nên hình ảnh Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp và mến khách trong lòng du khách”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường bày tỏ.
NGỌC HÀ