Quận Thanh Khê thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XII (2020-2025) và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo đó, kinh tế phát triển ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm; hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện; góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
![]() |
Quận Thanh Khê ngày càng phát triển đồng bộ về kinh tế, an sinh xã hội. TRONG ẢNH: Tượng đài Mẹ Nhu trở thành biểu tượng của quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC HÀ |
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, trong đó ngành thương mại - dịch vụ đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của quận. Cụ thể, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ tăng nhanh, từ 47,8% năm 2006 lên 60,54% năm 2015 và lên 90,73% năm 2024 (chỉ tiêu nghị quyết đại hội đến năm 2025 ngành thương mại - dịch vụ chiếm 86,15%).
Trong khi đó, đến hết năm 2024, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 7,72%; thủy sản chiếm 1,55% (chỉ tiêu nghị quyết đại hội đến năm 2025: công nghiệp - xây dựng chiếm 12,3%; thủy sản chiếm 1,55%).
Để đạt được kết quả trên, lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiếp tục được thúc đẩy với nhiều chương trình kích cầu, xúc tiến thương mại; sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, UBND quận triển khai thực hiện Đề án “Phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn quận Thanh Khê giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; triển khai đăng ký thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng và duy trì 4 tuyến phố chuyên doanh với 393 cơ sở; thông qua phương án xây dựng tuyến phố thời trang và ẩm thực đường Phan Thanh.
Mạng lưới bán lẻ từng bước hoàn thiện với 22 siêu thị, 71 cửa hàng tiện ích, 1.000 cửa hàng bán lẻ, tạp hóa; đầu tư xây mới 1 chợ, sửa chữa 5 chợ, đến nay, có 11/12 chợ đạt chợ văn minh thương mại, 6/12 chợ đạt tiêu chí chợ vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% các chợ tự chủ chi thường xuyên.
UBND quận định hướng, hỗ trợ 8 chủ thể với 14 sản phẩm OCOP được công nhận, đánh giá hạng 3 và 4 sao, hỗ trợ 6 chủ thể đưa 11 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… nhằm tiếp cận, mở rộng thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử, bắt kịp xu thế chung, tạo động lực phát triển mới cho ngành thương mại. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có xu hướng giảm dần so với giai đoạn 2015-2020.
Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này quy mô ngày càng thu hẹp và chuyển ra khỏi địa bàn. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, xây dựng giai đoạn 2020-2024 là 10.491 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,72% cơ cấu kinh tế. Hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn ngày càng được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp với 112 tàu cá đánh bắt tổng sản lượng khai thác đạt 34.782 tấn, giá trị tăng thêm của nông lâm nghiệp hải sản là 1.919 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,55 % cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng bình quân đạt 4,68%.
Chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại
Những năm qua, quận Thanh Khê đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu dân cư đồng bộ, có trọng điểm, từng bước thực hiện đề án xây dựng Thanh Khê - đô thị văn minh, công tác quản lý quy hoạch đô thị được chủ động triển khai, bám sát định hướng quy hoạch thành phố.
Để phát triển không gian đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận theo định hướng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của thành phố, quận đã đề xuất 10 điểm tái thiết đô thị theo hướng đô thị nén hiện đại, được UBND thành phố xem xét chọn 2 khu vực (chợ Hải sản phường Thanh Khê Đông, Khe Cạn để thí điểm triển khai giai đoạn 2023-2030).
Chủ trương kết nối giao thông đô thị giữa các trục đường nhỏ đến các trục đường chính trên địa bàn được quan tâm, ưu tiên; dự án mở rộng đường Nguyễn Đức Trung ra Nguyễn Tất Thành được thành phố đưa vào danh mục dự án động lực trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025; quy hoạch đường kiệt 112 Trần Cao Vân (đoạn từ đường Trần Cao Vân đến đường Nguyễn Tất Thành) được UBND thành phố đồng ý giao UBND quận đề xuất phương án mở rộng, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn quận; hoàn chỉnh việc phê duyệt đồ án quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xác định lộ giới kiệt, hẻm và các quy định về xây dựng tại 1.082 tuyến kiệt, hẻm, phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý kiến trúc quy hoạch chung trên địa bàn quận.
Hạ tầng các khu dân cư trên địa bàn quận được đầu tư, từng bước hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ sinh hoạt đi lại của người dân với việc đầu tư, nâng cấp cải tạo 234.190m2 đường, 54.638m2 tại các khu dân cư với tổng mức đầu tư hơn 271 tỷ đồng.
Bảo đảm an sinh xã hội
Cùng với phát triển kinh tế, quận Thanh Khê quan tâm đầu tư tương xứng cho các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng mọi mặt đời sống của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí tại các dân cư và các khu vực trên địa bàn được quan tâm đầu tư, chiếm 11,87% tổng chi đầu tư phát triển.
Nhằm phát triển giáo dục vững chắc, lâu dài, từ năm 2020 đến cuối 2024, UBND quận đầu tư hơn 370 tỷ đồng xây dựng mới 5 trường học (Trường THCS An Khê, Trường Mầm non Mẫu Đơn, Trường Mầm non Tuổi Hoa, Trường Mầm Non Hải Đường, Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm); cải tạo sửa chữa 31 trường học; mua sắm trang thiết bị dạy học. Quận thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề cho người lao động (tổ chức hơn 60 buổi đối thoại; kết nối việc làm cho 2.401 lao động, đăng ký học nghề 725 người và 45 trường hợp được kết nối, hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn làm hồ sơ đi làm việc tại nước Nhật, Đức)…
Chính sách người có công được địa phương thực hiện thường xuyên, trong đó ưu tiên chi trả chế độ kịp thời cho người có công, giới thiệu việc làm, thăm hỏi động viên và nghỉ dưỡng theo chế độ, các hoạt động nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 và các ngày lễ, Tết; thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà chính sách; 100% người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội cho 8.231 đối tượng với tổng mức trợ cấp bình quân hằng tháng là 272.300 triệu đồng bảo đảm kịp thời, đúng quy định, 100 % đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp từ quận đến phường, từ năm 2020 đến nay, có 1.592 hộ thoát nghèo theo chuẩn Trung ương và thành phố…
Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 |
NGỌC HÀ