Trong 50 năm qua, nhất là sau 28 năm Đà Nẵng trở thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 1-1-1997) và thành lập quận Sơn Trà (ngày 23-1-1997), cán bộ và nhân dân quận đã phát huy truyền thống cách mạng của Khu Đông - Sông Đà - Quận Ba để xây dựng quận giàu đẹp và văn minh. Quận Sơn Trà đang phấn đấu, quyết tâm tạo bứt phá để phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là trọng điểm về du lịch, dịch vụ, tài chính, thương mại và kinh tế biển của thành phố.
![]() |
Diện mạo đô thị quận Sơn Trà đổi thay vượt bậc. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đổi thay diệu kỳ, phát triển vượt bậc
Theo Quận ủy Sơn Trà, xuất phát từ một vùng biển nghèo khó, dân trí thấp, trong những năm đầu sau ngày giải phóng thành phố, bằng nỗ lực, quyết tâm lớn, Đảng bộ và nhân dân quận Sơn Trà đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; tích cực khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đời sống văn hóa - xã hội ngày càng tiến bộ; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đời sống các tầng lớp nhân dân từng bước ổn định... Đảng bộ đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và biện pháp thực hiện khoa học, phù hợp với tình hình thực tế và phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Sau ngày giải phóng thành phố, từ việc xác định thế mạnh của địa phương là kinh tế biển, Đảng bộ tập trung phát triển mạnh nghề cá và coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Khi bước vào giai đoạn đổi mới, tính chủ động, sáng tạo được Đảng bộ và các cấp ủy đảng phát huy mạnh mẽ hơn, trong đó, vừa đẩy mạnh ngành kinh tế mũi nhọn là khai thác hải sản, vừa chuyển hướng sang quan tâm phát triển các ngành kinh tế khác như công nghiệp (trong đó, Khu công nghiệp Đà Nẵng được thành lập vào năm 1993), dịch vụ, du lịch để thực hiện thành công những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, sau khi Đà Nẵng đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và quận Sơn Trà được thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận dồn sức vận động nhân dân giải tỏa, di dời, thực hiện chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển điện, đường, trường, trạm...
Từ đây cũng mở ra thời kỳ đổi thay diệu kỳ, phát triển vượt bậc về đô thị, kinh tế - xã hội. Chỉ trong vòng 1 năm, từ giữa năm 1997 đến giữa năm 1998, vệt san ủi mặt bằng để thi công 1.600m đầu tiên của công trình đường Bạch Đằng Đông đã được thông thoáng đoạn từ đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi đến gần bến phà với 955 hộ dân có nhà chồ, nhà ở, vườn tược, đồng ruộng ven bờ đông sông Hàn đã di dời chỗ ở để nhường đất xây dựng đường và các khu dân cư An Trung, An Mỹ...
Nhận đất tái định cư, nhiều hộ bắt tay xây dựng nhà, chỉ sau vài tháng, nhiều căn nhà mặt phố gác lửng hoặc 2-3 tầng mọc lên bên những tuyến đường đô thị cũng được thi công mặt đường, vỉa hè, cống thoát nước, hệ thống cấp điện, cấp nước, điện chiếu sáng...
Cầu Sông Hàn được khởi công xây dựng vào ngày 2-9-1998 và hoàn thành sau đó 2 năm đã góp phần làm tăng tốc quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn quận Sơn Trà. Hàng loạt trục đường giao thông huyết mạch được hoàn thành như đường Trần Hưng Đạo (đường Bạch Đằng Đông), Ngô Quyền (mở rộng trong trục hành lang kinh tế Đông - Tây), đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa), Phạm Văn Đồng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Thoại, Yết Kiêu, Hồ Nghinh, Võ Văn Kiệt...
Cùng với đó, cảng Tiên Sa được mở rộng; cầu Rồng, Thuận Phước, Trần Thị Lý, đường bao quanh bán đảo Sơn Trà, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, chợ, khu vui chơi, khu dân cư... được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần tạo thế liên hoàn, vững mạnh về an ninh - quốc phòng.
Dịch vụ, du lịch phát triển, hướng đến trung tâm tài chính khu vực
Trong 20 năm qua, dọc theo đường Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng..., hàng loạt khu phức hợp khách sạn, căn hộ, dịch vụ cao tầng được xây dựng, trong có các tòa nhà cao nhất Đà Nẵng hiện nay thuộc dự án Times Square Đà Nẵng và Tổ hợp Wyndham Soleil Đà Nẵng. Quận Sơn Trà đang dần trở thành địa bàn trọng điểm về dịch vụ, du lịch của thành phố với hơn 200 khách sạn, khu nghỉ dưỡng và có hàng triệu lượt khách đến tham quan, du lịch hằng năm, giúp tăng mạnh dịch vụ lưu trú, kinh doanh ăn uống và hoạt động dịch vụ tại các bãi tắm, điểm tham quan du lịch.
Nhiều hộ gia đình nghèo khó đã dựa vào du lịch để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Các làng chài nghèo, nhà cửa xập xệ, đường đất nhỏ hẹp ở phường Nại Hiên Đông được giải tỏa, xây dựng thành các khu dân cư theo mô hình đô thị mới với hơn 50 tuyến đường nhựa khang trang, 55 khu nhà chung cư cao tầng...
Từ một làng quê nghèo chuyên trồng hoa trên cát và khai thác thủy sản ven bờ, nay cả phường Phước Mỹ trở thành “phố khách sạn” lớn nhất Đà Nẵng với hơn 100 khách sạn và khu căn hộ, 50 nhà hàng, quán ăn. Bên cạnh trung tâm thương mại Vincom, nhiều siêu thị, cửa hàng hiện đại được xây dựng cùng nhiều cửa hàng đặc sản, cửa hàng lưu niệm và nhà hàng với chủng loại hàng hóa, ẩm thực phong phú, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ du khách.
Sự phát triển vượt bậc của quận Sơn Trà còn thể hiện ấn tượng ở những con số thống kê về kinh tế - xã hội. So với năm 1997, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 528 tỷ đồng lên 10.600 tỷ đồng vào năm 2016 và tăng lên 14.440 tỷ đồng vào năm 2024. Từ con số thu ngân sách nhà nước năm 1997 chỉ đạt hơn 8 tỷ đồng, thì năm 2016 đã tăng lên 312,4 tỷ đồng và năm 2024 đạt 1.169 tỷ đồng. Nhờ tăng thu nên các khoản chi ngân sách đều có cải thiện đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo... Hạ tầng đô thị của quận tiếp tục được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại; chất lượng cuộc sống người dân có sự cải thiện hơn; quốc phòng - an ninh được giữ vững...
Những năm gần đây, quận Sơn Trà tích cực thực hiện Kết luận số 209-KL/TU ngày 22-6-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển quận Sơn Trà đến năm 2030 và những năm tiếp theo, nhất là tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; vận dụng tốt các cơ chế, chính sách; tạo bứt phá để quận có sự phát triển nhanh, bền vững, thực sự trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là trọng điểm về du lịch, dịch vụ, tài chính, thương mại và kinh tế biển của thành phố.
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31-12-2024, ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó thành lập Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Thành phố đã chuẩn bị quy hoạch, quỹ đất dọc theo đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường Mỹ Khê 7 và Nguyễn Thiện Kế đến đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) để kêu gọi đầu tư các dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp. Đây sẽ là những dự án góp phần giúp quận Sơn Trà phát triển đúng định hướng của Ban Thường vụ Thành ủy tại Kết luận số 209-KL/TU.
Theo Quận ủy Sơn Trà, phát huy truyền thống cách mạng và thành quả đạt được trong 50 qua, đặc biệt là trong 28 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng như thành lập quận Sơn Trà, toàn Đảng bộ sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặc biệt là thực hiện chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời, tập trung phát huy mọi nguồn lực để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tạo bứt phá, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; chăm lo đời sống nhân dân; xây dựng văn hóa, văn minh đô thị; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh; xây dựng quê hương Sơn Trà ngày càng phát triển, thực sự trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là trọng điểm về du lịch, dịch vụ, tài chính, thương mại và kinh tế biển của thành phố Đà Nẵng.
HOÀNG HIỆP