Thành phố của những cây cầu

Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, con người thân thiện, mến khách mà còn được biết đến là “thành phố của những cây cầu”. Danh xưng này có được không chỉ nhờ số lượng cây cầu mà còn đến từ sự độc đáo riêng có của những công trình này. Mỗi chiếc cầu đã trở thành biểu trưng cho từng thời kỳ xây dựng và phát triển của một thành phố trẻ trung, năng động trong suốt 50 năm qua.

Cầu Rồng thể hiện cho khát vọng phát triển lớn mạnh và tượng trưng cho nghệ thuật kiến trúc mới của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: H.LÊ
Cầu Rồng thể hiện cho khát vọng phát triển lớn mạnh và tượng trưng cho nghệ thuật kiến trúc mới của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: H.LÊ

Những cây cầu độc đáo trên sông Hàn

Dòng sông Hàn thơ mộng bắt đầu từ ngã ba sông giữa các quận Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn; là hợp lưu của sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện đổ ra vịnh Đà Nẵng. Đến nay, sông Hàn chỉ dài khoảng 7,7km nhưng có nhiều cây cầu bắc qua. Những cây cầu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về giao thông mà còn là điểm nhấn kiến trúc của thành phố với những nét độc đáo hiếm nơi nào ở nước ta có được.

Là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng năm 1960. Cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m và không có lề dành cho người đi bộ. Từ năm 2013, cầu đã dừng hoạt động thông xe do tình trạng xuống cấp và không đáp ứng được mật độ giao thông tăng cao.

Theo kế hoạch ban đầu, khi cầu mới Trần Thị Lý xây dựng xong, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được tháo dỡ; song thành phố đã nghiên cứu giữ lại để làm cầu đi bộ; đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp, tạo điểm dừng chân cho người dân và du khách có thể thư thái ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố. Cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay không còn chức năng vận hành giao thông, thay vào đó là cây cầu du lịch độc đáo và là một “kỷ vật” của thành phố.

Mang tên của dòng sông và là biểu tượng của thành phố, cầu Sông Hàn khởi công năm 1997 và hoàn thành vào ngày 29-3-2000. Đây là cầu xoay đầu tiên tại Việt Nam do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và xây dựng. Cầu Sông Hàn có chiều dài 444,2m, rộng 13,5m với tổng cộng 11 nhịp, trong đó có hai nhịp dây văng. Cây cầu nối liền hai trục đường chính của Đà Nẵng là đường Lê Duẩn ở bờ tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ đông thành phố.

Đặc trưng nổi bật nhất của cầu Sông Hàn là phần giữa cầu có thể quay 90 độ quanh trục nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông để tàu lớn đi qua. Không chỉ khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố, cây cầu còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, niềm tự hào của riêng người dân Đà Nẵng. Có thể nói, đây là cây cầu có sứ mệnh “mở đường” để thành phố xây thêm những chiếc cầu độc đáo khác.

Thời điểm ấy, trên sông Hàn đã có cầu Sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý (cũ), nhưng cả ba vốn có tải trọng hạn chế. Được khởi công vào tháng 2-2002 và khánh thành ngày 19-2-2004, cầu Tiên Sơn mang ý nghĩa là cây cầu mở đường để Đà Nẵng hội nhập và vươn mình. Cây cầu dài 529,8m, rộng 25,05m với 4 làn xe và lối bộ hành; nối quận Ngũ Hành Sơn và quận Hải Châu. Đến nay, cầu Tiên Sơn được xem là cầu vận tải hàng hóa chính qua sông Hàn, là điểm nối quan trọng giúp cảng biển Đà Nẵng trở nên sầm uất.

Tiếp đó, trên dòng sông Hàn thơ mộng, cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng vào ngày 16-1-2003 và chính thức thông xe vào ngày 19-7-2009. Cầu có tổng chiều dài 1.855m, mặt cầu rộng 18m, quy hoạch cho 4 làn xe; bắc qua đoạn cuối cùng của sông Hàn, nằm giữa hai quận Hải Châu và quận Sơn Trà, đặc biệt gần cảng Tiên Sa thuộc vịnh Đà Nẵng. Cầu được thiết kế tinh tế, kết cấu theo công nghệ xây dựng hiện đại được áp dụng trên thế giới lúc bấy giờ, bảo đảm tính thẩm mỹ, an toàn với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ thi công.

Đến năm 2013, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới) cùng lúc được khánh thành và đưa vào hoạt động, đã minh chứng cho một thành phố không ngừng đột phá trong việc xây dựng cái mới để hướng tới sự phát triển bền vững.

Cầu Rồng được khởi công xây dựng vào ngày 19-7-2009 và thông xe ngày 29-3-2013, nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố. Cầu có 6 làn xe chạy với chiều rộng cầu là 37,5m và chiều dài lên đến 666m, chia thành 5 nhịp. Đặc biệt, trên dải phân cách giữa cầu thiết kế hình dáng con rồng vàng bằng thép. Phần đầu của rồng với một hệ thống cơ-điện có thể phun nước và phun lửa. Kiến trúc của cây cầu mang hình dạng một con rồng thời Lý đang vươn mình bay ra biển lớn, thể hiện cho khát vọng phát triển lớn mạnh và tượng trưng cho nghệ thuật kiến trúc mới của thành phố Đà Nẵng.

Trong khi đó, cầu Trần Thị Lý mới được khởi công xây dựng vào ngày 22-4-2010 và hoàn thành vào ngày 29-3-2013. Cây cầu vốn là cầu đường sắt trong thời Pháp thuộc, nằm cách cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 20m về phía thượng lưu. Sau năm 1975, cầu được đặt tên là Trần Thị Lý, tên một nữ anh hùng và được nâng cấp thành cầu đường bộ. Với chiều dài 731m và chiều rộng 35,5m, cầu có thiết kế theo hình cánh buồm, chia thành 12 nhịp, trong đó nhịp dây văng dài 230m.

Cầu Trần Thị Lý được xem là cây cầu dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam. Cầu sử dụng hệ thống dây văng 3 chiều với những trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu lạ mắt kết hợp với trụ tháp nghiêng cao đến 145m so với mặt nước biển. Tổng thể của cầu tạo nên hình tượng cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra Biển Đông, mang theo khát vọng vươn lên của người dân thành phố Đà Nẵng.

Các cây cầu ở Đà Nẵng mang một vẻ đẹp khác lạ khiến du khách phải trầm trồ vì những thiết kế vô cùng độc đáo và ấn tượng. TRONG ẢNH: Cầu Trần Thị Lý và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: TRẦN TRÚC
Các cây cầu ở Đà Nẵng mang một vẻ đẹp khác lạ khiến du khách phải trầm trồ vì những thiết kế vô cùng độc đáo và ấn tượng. TRONG ẢNH: Cầu Trần Thị Lý và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: TRẦN TRÚC

Nối những bờ vui

Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn thành phố có 6 cây cầu lớn trên 300m, 25 cây cầu dưới 300m, 15 cầu kênh dưới 25m, 6 cây cầu có kết cấu đặc biệt. Song hành với sự phát triển của thành phố, những cây cầu lần lượt ra đời với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, kết nối giao thương, kiến tạo phát triển các vùng đất. Trong đó, phải kể đến các cây cầu bắc qua sông Cẩm Lệ, khu vực phía tây nam thành phố. Cầu Cẩm Lệ mới được xây dựng năm 2001, có chiều dài 399m, rộng 14,5m được xây dựng mới nối quốc lộ 1A và quốc lộ 14B, mở ra sự phát triển vùng đất phía nam của thành phố.

Cũng trên dòng sông này, cầu Hòa Xuân được xây dựng vào năm 2008 và đưa vào hoạt động năm 2010. Tiếp đó, cầu Nguyễn Tri Phương được khởi công vào ngày 14-5-2011 và khánh thành vào ngày 30-4-2013, bắc qua sông Cẩm Lệ, kết nối quận Cẩm Lệ với quận Ngũ Hành Sơn. Trong khi đó, cầu Khuê Ðông nằm trên đường Võ Chí Công, bắc qua sông Ðô Tỏa (sông Cái), nằm giữa quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn được khởi công tháng 5-2011, khánh thành ngày 30-4-2013. Công trình này cùng với cầu Nguyễn Tri Phương giúp thành phố mở rộng không gian đô thị về phía đông nam.

Sông Cổ Cò đoạn chảy qua địa phận thành phố (quận Ngũ Hành Sơn) có cầu Cổ Cò và cầu Bãi Dài bắc qua. Cầu Bãi Dài (tên gọi cầu Cổ Cò cũ) được khởi công vào tháng 6-2012 và khánh thành ngày 19-5-2014, có chiều dài 90m, rộng 19m. Cách cầu Bãi Dài khoảng 1km là cầu Cổ Cò (mới) được khởi công ngày 3-2-2020 và khánh thành ngày 30-10-2021, có chiều dài 113,8m và có khổ cầu rộng 27m, có 3 nhịp được thiết kế với dạng kết cấu khung vòm bê-tông cốt thép.

Những cây cầu qua sông Hàn. Đồ họa: ANH DUY
Những cây cầu qua sông Hàn. Đồ họa: ANH DUY

Trên địa bàn huyện Hòa Vang, hàng loạt cây cầu được đưa vào sử dụng như cầu Sông Yên (xã Hòa Tiến - xã Hòa Phong), cầu Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc), cầu Phò Nam (xã Hòa Bắc) cầu Diêu Phong (xã Hòa Nhơn - xã Hòa Phú), cầu Trường Định (xã Hòa Liên), cầu Giăng (xã Hòa Nhơn)… đã giúp hoàn chỉnh hệ thống giao thông, tạo sự kết nối, thông suốt trong việc đi lại giữa các khu dân cư với trung tâm xã, huyện và các khu vực lân cận. Đơn cử như cầu treo dây văng Phò Nam (xã Hòa Bắc) được khởi công ngày 15-1-2001 và hoàn thành ngày 2-9-2002, có chiều dài 151,4m, rộng 7,5m.

Cây cầu đưa vào sử dụng đã thỏa niềm mơ ước của hàng nghìn người dân sống ở đôi bờ sông Cu Đê. Mỗi chiếc cầu ở vùng đất này lần lượt được xây dựng đã mở ra cơ hội thuận lợi cho địa bàn dân cư về mọi mặt, giúp người dân thoát khỏi cảnh “cách núi, ngăn sông”; nối liền vùng miền núi, trung du và đồng bằng để tạo thế phát triển bền vững cho huyện Hòa Vang. Những ngày tháng 3 lịch sử này, thêm một cây cầu nữa hoàn thành và đưa vào sử dụng, đó là cầu Quảng Đà qua sông Yên - biểu tượng cho mối quan hệ khăng khít giữa Đà Nẵng và Quảng Nam.

Trong hành trình 50 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh các cầu vượt sông, nhiều cây cầu vượt cạn được tạo nên mang trong mình sứ mệnh gắn với sự phát triển, mở rộng đô thị về phía đông nam, phía tây nam của thành phố. Sự hiện hữu của những cây cầu ấy cùng với sự phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng đã làm cho gương mặt đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại.

Cầu vượt Hòa Cầm được khởi công cuối năm 2003 và đưa vào hoạt động cuối năm 2004. Cầu vượt rộng 28m, có 6 nhịp với 6 làn xe, 2 làn dành cho người đi bộ đã góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối vùng đất tây nam thành phố. Một công trình hiện đại khác là cầu vượt nút giao thông ngã ba Huế, được khởi công xây dựng vào ngày 29-3-2013 và khánh thành vào ngày 29-3-2015. Là cây cầu vượt lớn nhất nước nằm trên quốc lộ 1A - cửa ngõ vào thành phố, cầu vượt ngã ba Huế được xây dựng vĩnh cửu và thiết kế phức tạp với tổng chiều dài hơn 2,5km, vòng xuyến có đường kính rộng 150m. Công trình là điểm nhấn kiến trúc mới cho đô thị Đà Nẵng, thể hiện sự hòa hợp của “Đất” và ‘Trời”.

Theo Sở Giao thông vận tải, nhiều năm qua, Đà Nẵng chọn phát triển hạ tầng giao thông làm bước đột phá với những công trình trọng điểm có yêu cầu cao về kỹ thuật lẫn kiến trúc đặc sắc, tạo những dấu ấn riêng có. Tất cả những cây cầu này không đơn thuần là một công trình phục vụ lưu thông thuận lợi mà còn là điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, tạo cho đô thị một không gian hiện đại và quyến rũ.

Bên cạnh việc gắn liền với đời sống con người, mỗi cây cầu cũng là chứng nhân lịch sử đi cùng thành phố từ thuở khai sơ. Bên cạnh chức năng kết nối giao thông đều có những ý nghĩa, giá trị riêng và đều mang đậm dấu ấn về khoa học, kỹ thuật, văn hóa. Đến nay, thành phố vẫn luôn tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều cây cầu trở thành biểu tượng, không chỉ riêng thành phố mà còn thu hút khách du lịch đến với Việt Nam...

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.