Thành phố lớn lên từ những con đường

Ngày 1-1-1997, ngày không thể nào quên với toàn thể nhân dân thành phố Đà Nẵng anh hùng. Ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương để ra “ăn riêng, ở riêng” và bắt đầu cuộc sống “tự lực” để khẳng định mình.

Đường Phan Thanh, con đường đầu tiên của phương châm “Nhà nước và nhân cùng làm”. Ảnh: LÊ VĂN HOA
Đường Phan Thanh, con đường đầu tiên của phương châm “Nhà nước và nhân cùng làm”. Ảnh: LÊ VĂN HOA

Đột phá từ phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Còn nhớ, tuy là thành phố nơi “đầu não” của tỉnh, nhưng khi chưa tách thành thành phố trực thuộc Trung ương thì tổng số tiền đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố Đà Nẵng (cũ) hằng năm chỉ bằng với huyện vùng cát Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Đà Nẵng lúc bấy giờ gọi là thủ phủ của miền Trung, tuy nhiên nhìn tổng số tiền đầu tư hằng năm của thành phố Hải Phòng kết nghĩa anh em về xây dựng cơ sở hạ tầng thấy mà “thèm”.

Tôi vẫn còn nhớ, trụ sở UBND phường Thạc Gián cách đường Hùng Vương, con đường chính giữa trung tâm thành phố không xa, nhưng đến mùa mưa lụt mỗi lần vào phường công tác chúng tôi phải đi bằng ghe mới vào được. Bàu Thạc Gián lúc bấy giờ cỏ mọc um tùm, đầy rác rưởi, là cái ổ của dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm. Ở giữa trung tâm thành phố gọi là lớn nhất miền Trung này vẫn còn những xóm Chuối, xóm Tre… với nhiều tệ nạn xã hội nhức nhối. Mặt tiền trung tâm thành phố như đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ rất ít nhà cao tầng, còn đi sâu vào bên trong các kiệt, hẻm là nhà tôn lụp xụp, đường không ra đường, phố không ra phố.

Trung tâm thành phố là vậy, còn ở “bông tê sên” (bên tê sông) thì sao? Dòng sông Hàn thơ mộng xinh đẹp nhưng bên bờ đông dòng sông là nhà chồ tạm bợ, nhếch nhác với nhà không số, phố không đường. Tôi đã nhiều lần đến đây và đã có những bài phóng sự nhiều kỳ về “Nỗi khổ của nhà chồ” và hiểu được phần nào về cuộc sống nhọc nhằn, khổ cực của người dân sống ở nơi này.

Đà Nẵng dù trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng vươn mình phát triển không thể dựa vào Trung ương mà phải tự mình tạo lập bằng chính mình. Muốn làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng phải có tiền mà tiền đâu ra khi cả thành phố chỉ có một vài nhà máy, xí nghiệp chỉ sản xuất một vài mặt hàng mang tính địa phương “Cái khó ló cái khôn”, Đà Nẵng đã dựa vào chiếc đũa thần, đó là dựa vào nhân dân, sức dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để mở đường.

Đường Phan Thanh ở phường Thạc Gián là con đường đột phá, nổ phát súng đầu tiên về phương châm đầy sáng tạo này. Như phần đầu bài viết đã đề cập về phường trung tâm này muốn vào UBND phường phải đi thuyền vào mùa mưa lũ, nhiều khi nước ngập cả tháng trời. Để dân đồng tình về việc mở đường, tôi đã có những buổi tối cùng dự tiếp xúc cử tri với ông Nguyễn Bá Thanh, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thành phố, với nhân dân phường Thạc Gián. Một đêm họp vận động dân chưa thông thì họp hai đêm, ba đêm. Cuối cùng, hơn 80% các hộ dân đồng tình ủng hộ mở đường theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân hai bên đường Phan Thanh đã tự nguyện hiến đất đai, tường rào, cổng ngõ, cây trái để mở rộng đường.

Sự thành công của đường Phan Thanh là bài học bổ ích về phương châm đầy sáng tạo và hoàn toàn mới mẻ này. Sau đường Phan Thanh, là đường Trần Cao Vân, đường Đống Đa, đường Nguyễn Tri Phương, đường Phạm Như Xương, đường Tô Hiệu, đường Huỳnh Ngọc Huệ… 

Mọi việc diễn ra thuận lợi về vận động nhân dân làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Có những đêm lãnh đạo thành phố họp dân rất khuya để nghe ý kiến, nguyện vọng đề đạt của mọi người. Có những dự án như mở đường biển Nguyễn Tất Thành, theo ban quản lý dự án báo cáo, chỉ còn tồn đọng vài chục hồ sơ nhưng khi tiếp xúc người dân tại khách sạn Thanh Bình, dân kéo đến cả trăm người. Lãnh đạo thành phố ăn trưa tại chỗ để lắng nghe ý kiến từng trường hợp và giải quyết rất hợp tình hợp lý. Để ra đời con đường ven biển dài hàng chục cây số, đi qua 4 quận, huyện Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu và Hòa Vang, trước đó vài năm, lãnh đạo thành phố đã lội bộ để thị sát nắm tình hình thực tế, lên ý tưởng để có một con đường ven vịnh biển đẹp nhất miền Trung này.

Làng hoa Phước Mỹ (quận Sơn Trà) là một ví dụ khác. Chỉ cần một vài chục mét đất trồng hoa, tuy cuộc sống không sung túc nhưng nuôi sống được cả nhà. Vài chục hộ dân ở vùng biển bãi ngang này chỉ sống dựa vào đánh cá ven bờ, cuộc sống khó khăn, nghèo khổ còn lại sống dựa vào nghề trồng hoa là chính. Đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, họ thôi làm làng nghề truyền thống, di dời đến nơi ở mới để thành phố làm đường và quy hoạch đô thị. Giải tỏa đến nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, đó là định hướng của lãnh đạo thành phố.

Thời gian trôi qua, có dịp gặp lại những gia đình đã giải tỏa đến nơi ở mới, ai cũng cho biết, thời gian đầu tuy gặp khó khăn về ngành nghề, về cuộc sống nhưng hơn xa so với nơi ở cũ. Sau phương châm làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng bằng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để có những đại lộ lớn và hiện đại, thành phố đã áp dụng phương châm đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Đường Nguyễn Văn Linh, đường Hàm Nghi, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Nguyên Giáp, đường Võ Văn Kiệt, đường 3 Tháng 2, đường 2 Tháng 9, đường Như Nguyệt, đường Nguyễn Tất Thành… được hình thành từ phương châm này.

Bàu Thạc Gián nay là khu đô thị. Ảnh: ANH DUY
Bàu Thạc Gián nay là khu đô thị. Ảnh: ANH DUY

Sự đồng thuận của lòng dân

Người Đà Nẵng xa quê sống ở nơi khác về hoặc khách lâu ngày trở lại Đà Nẵng đều có chung một nhận xét: Chỉ cần xa Đà Nẵng một vài tháng thôi, khi trở lại là nhìn không ra, tìm không ra đường. Đường ở thành phố này mọc nhiều và nhanh đến mức không kịp đặt tên, khó tìm ra tên để đặt. Đường mở ra đến đâu, nhà cao tầng, các dịch vụ mọc đến đó. Dân số Đà Nẵng từ chỗ vài trăm nghìn người bây giờ gấp cả chục lần. Từ thành phố nhỏ như lòng bàn tay bây giờ không gian đô thị đang mở rộng từng ngày. Đà Nẵng đã, đang và sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để tự khẳng định mình…

Nói về sự thành công của Đà Nẵng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị chắc chắn sẽ đúc kết được nhiều bài học quý giá, nhưng bài học đầu tiên, bài học lớn nhất là lòng dân. Cách đây vài chục năm, một người bạn thân của tôi từ một thành phố phía bắc nói với tôi là dân Đà Nẵng hiền quá, tốt quá, làm đường dân hiến đất, tài sản trên đất mà không tính toán thiệt hơn, không đòi đền bù thỏa đáng khi giải tỏa. Tôi cười bảo, dân này không hiền đâu, là dân anh hùng đó, nhưng họ hiểu: để đem lại một lợi ích lớn cho xã hội, cho thành phố đôi khi phải biết hy sinh về lợi ích cá nhân của gia đình.

Trong những lần công tác ở tỉnh ngoài, tôi nghe người ta nói nhiều, ca ngợi nhiều về sự thành công của thành phố Đà Nẵng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Có ý kiến cho rằng, Đà Nẵng đi lên được là nhờ đất. Tôi nghĩ, địa phương nào, tỉnh, thành phố nào mà không có đất. Cái khác là biến đất thành cơ sở hạ tầng, là nâng giá trị của đất. Đà Nẵng đã và đang phát triển từng ngày. Đà Nẵng đang vươn lên để sánh vai cùng các thành phố hiện đại và văn minh của khu vực và thế giới. Điều đó không phải là tiềm năng mà chính là hiện thực.

LÊ VĂN HOA

;
;
.
.
.
.