Đà Nẵng có nhiều thương hiệu được du khách trong và ngoài nước yêu mến gọi tên, như: “thành phố của những cây cầu”, “thành phố pháo hoa”, “thành phố môi trường”… Riêng tôi, Đà Nẵng còn có một thương hiệu khác có thể gọi tên cũng ấn tượng không kém: “thành phố an dân”.
![]() |
1.
Trước Tết Ất Tỵ 2025 ít ngày, Sở Xây dựng ra thông báo mở bán 30 nhà ở xã hội tại khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Ngay những ngày đầu năm mới, sở tiếp tục có thông báo danh mục 5 khu đất đấu thầu dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong năm 2025 làm những người dân chưa có nhà ở khấp khởi vui mừng. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng trở thành địa phương có nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước nhiều nhất, chiếm khoảng 80% quỹ nhà cả nước. Để có con số ấn tượng này, tròn 20 năm qua, thành phố đã quan tâm xây dựng các khu nhà chung cư thông qua chương trình “có nhà ở”, thuộc chương trình “3 có”.
Từ năm 2005, thực hiện mục tiêu “có nhà ở”, thành phố đã cho ra đời và triển khai 5 đề án phát triển nhà ở xã hội. Về tổng thể, tính đến hết năm 2024, thành phố đã hoàn thành 15.549 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên. Theo Sở Xây dựng chỉ trong 4 năm trở lại đây, thành phố hoàn thành 8 khối nhà tại 3 dự án (1.774 căn); đang triển khai xây dựng 5 dự án (2.750 căn); đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 1 dự án (608 căn) từ nguồn vốn ngân sách; đang thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư 3 dự án (3.519 căn) từ nguồn vốn ngoài ngân sách; bổ sung kế hoạch tiếp tục kêu gọi đầu tư 2-3 dự án mới trong giai đoạn 2024-2025.
Đáng chú ý, chương trình phát triển nhà ở Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội, vượt 64% chỉ tiêu đề án 1 triệu căn hộ mà Trung ương giao cho thành phố là 12.800 căn hộ. Đà Nẵng liệu có “quá tự tin”? Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi đọc được con số trên. Nhưng với con số “biết nói”: nhà ở xã hội chiếm khoảng 80% quỹ nhà cả nước, Đà Nẵng hoàn toàn có thể hiện thực hóa con số này bằng những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đã thành công trước đó. Trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang gặp rất nhiều lúng túng khiến cho việc phát triển quỹ nhà ở xã hội gặp khó khăn thì từ rất sớm, Đà Nẵng bằng cách làm của mình đã có những bứt phá, trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương đến tìm hiểu, học tập…
Có thể nói, hiếm nơi nào trên cả nước, người dân được tiếp cận nhà ở xã hội thuận lợi như ở Đà Nẵng. Công cuộc an dân không gì tốt hơn khi giúp dân “có nhà ở”, an cư lạc nghiệp.
2.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng từng có bài phân tích sâu sắc về những thương hiệu của Đà Nẵng, trong đó, ông cho rằng, những chính sách từ “5 không”, “3 có” cho đến “4 an” thì cũng đều hướng đến tính an sinh xã hội, hướng đến những người yếm thế trong xã hội. Ông Tiếng đánh giá, trong công cuộc chỉnh trang đô thị với quy mô và tốc độ như thời gian qua, cái được là rất lớn, rất bao trùm. Nhưng công bằng mà nói, để có cái được rất lớn, rất bao trùm cho hàng chục vạn người thụ hưởng ấy, dân nghèo vẫn là những người chịu thiệt thòi nhiều hơn cả. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng quyết tâm gầy dựng những thương hiệu riêng biệt theo hướng an dân, gắn liền với an sinh xã hội.
Theo ông Tiếng, đầu tiên là thương hiệu “thành phố 5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người để cướp của) khởi sự từ năm cuối cùng của thế kỷ XX. Qua mấy năm thực hiện, thành phố “nâng cấp” cả chương trình bằng một chương trình khác vừa mang tính kế thừa vừa mang tính phát triển - chương trình “thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị). Năm 2016, người Đà Nẵng quyết tâm theo đuổi một thương hiệu đầy khát vọng nữa là chương trình “thành phố 4 an” để xây dựng một “thành phố an bình” với 4 lĩnh vực cụ thể: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội.
Du khách đến với Đà Nẵng ngày một đông không chỉ bởi thành phố có nhiều cảnh đẹp, chỗ chơi thú vị, sự kiện hấp dẫn… mà họ đến với thành phố còn bởi sự an bình, xanh sạch, con người thân thiện, nhân văn… Có lẽ khách quan nhất vẫn là những đánh giá của những người từng là du khách đã quyết định chọn thành phố này làm nơi lập nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hương, người dân miền Bắc ở lại Đà Nẵng sinh sống sau một chuyến đi bảo rằng, hiếm có nơi nào trên cả nước có được văn hóa giao thông văn minh như ở Đà Nẵng.
“Đi đường hiếm khi thấy ai lấn làn, vượt đèn đỏ, thúc còi… Hạ tầng giao thông thì ngày càng tốt lên, thích nhất là biển báo giao thông trên các trục chính rất rõ ràng. Ở thành phố này, tôi cảm nhận được cái tình giữa con người với con người. Tỷ lệ tội phạm rất thấp. Gần như không có chuyện cướp giật trên đường phố. Không phải nơi nào người dân cũng thoải mái cầm điện thoại ngồi vỉa hè lướt lướt. Tôi thấy mình được an toàn. Đọc những câu chuyện trên mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi thú vị rằng: có nơi nào để xe máy qua đêm ngoài đường mà không bị mất? Tôi tự hào vì mình là “dân 43” (mã biển số xe Đà Nẵng)”, chị Hương trải lòng.
![]() |
Đà Nẵng được đánh giá là một địa phương có môi trường rất đáng đầu tư. Trong ảnh: Cảng Liên Chiểu gắn với Khu thương mại tự do sắp được thành lập. Ảnh: NGUYÊN THỌ |
3.
Còn nhớ tại hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng diễn ra vào cuối tháng 8-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Đà Nẵng là nơi hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cả về thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa - lịch sử. Theo Thủ tướng, Đà Nẵng đặc biệt có nguồn lực con người và truyền thống văn hóa, lịch sử phong phú, truyền thống cách mạng quật cường. Yếu tố con người từng được ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đề cập khi phân tích những tiềm năng để Đà Nẵng trở thành thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á.
“Con người Đà Nẵng rất thân thiện, cởi mở, trung thực, sống rất có tình nghĩa, tương trợ lẫn nhau - đó là nét văn hóa có thể cảm nhận được. Nếu thiếu đi bản sắc ấy thì không còn là “thành phố đáng sống”, ông Thành nhận định. Ở Đà Nẵng, ngay cả khi thành phố nhộn nhịp cuộc sống thường nhật đã không thiếu những câu chuyện nhân văn, nghĩa tình thì đến lúc thành phố trở thành “tâm dịch” Covid-19 của cả nước, tinh thần tương trợ ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Từ sẻ chia những phần thực phẩm giữa người dân với nhau cho đến những hỗ trợ thiết thực từ chính quyền địa phương cho công dân, cho cả những người bị kẹt lại thành phố, đúng với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Yếu tố con người khác cũng cần phải kể đến đó là những lãnh đạo các cấp chính quyền cùng đội ngũ thực thi công vụ của thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu để từ đó lan tỏa một tinh thần, khát vọng phát triển Đà Nẵng. “Từ yếu tố con người đó, chúng tôi sẽ có động lực mạnh mẽ để tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực đầu tư khu vực công cũng như khu vực tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống nhân dân thành phố”, ông Chinh nói.
***
Trở lại với câu chuyện nhà ở, ngày 5-2 vừa qua, kết luận phiên họp về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.140 căn nhà cho các đối tượng đã rà soát, hoàn thành trước ngày 1-5; đồng thời tổ chức phát động phong trào thi đua, đề ra thời gian hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Để vươn mình trở thành “thành phố đáng sống” hay trước mắt là “thành phố an dân”, Đà Nẵng rất cần yếu tố con người, nhất là những quyết sách vì dân.
NGUYÊN THỌ