Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngành y tế thành phố không ngừng được đầu tư, mở rộng mục tiêu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Với định hướng phát triển đa khoa mạnh, chuyên sâu, thành phố tập trung vào 3 yếu tố chính: đào tạo và thu hút nhân lực, ứng dụng kỹ thuật y tế chuyên sâu tiên tiến và nâng cấp, mở rộng mạng lưới y tế.
![]() |
Trong những năm qua, ngành y tế không ngừng đầu tư, phát triển về nhân lực, kỹ thuật, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ảnh: PHAN CHUNG |
Đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao
Theo Sở Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người làm việc trong lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố là hơn 11.800 người, trong đó hơn 7.400 người công tác tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở; phần lớn số còn lại thuộc các bệnh viện đa khoa tư nhân và các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành trên địa bàn. Tỷ lệ nhân lực y tế trên 1 vạn dân đạt 20.80 bác sĩ, 31.19 điều dưỡng, 3,15 dược sĩ đại học, cao hơn 2 lần tỷ lệ chung của ngành y tế áp dụng trên toàn quốc.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế thành phố trong những năm qua được chú trọng. Các cơ sở y tế chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu phát triển của đơn vị. Đơn cử, Bệnh viện Đà Nẵng thường xuyên cử cán bộ, nhân viên của đơn vị tham gia đào tạo các chuyên ngành, lĩnh vực tuyển chọn, hiến tạng, nhận tạng; đào tạo chuyên sâu gây mê trong cắt lấy gan, ghép gan; đào tạo chuyên sâu hồi sức tích cực trước và sau ghép; phẫu thuật viên cắt và ghép gan; dị ghép tế bào gốc; nội soi mật tụy ngược dòng…
Các nơi tổ chức đào tạo là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nhiều quốc gia khác có hệ thống y tế phát triển trên thế giới. Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thường xuyên cử cán bộ, nhân viên đơn vị tham gia đào tạo chuyên sâu với một số lĩnh vực như tiếp cận, xử trí các tình huống thường gặp trong cấp cứu ở trẻ em; da liễu cơ bản; hồi sức lọc máu; điều trị chuyên sâu lao trẻ em; lọc máu liên tục nhi khoa… Trong nội bộ ngành, đề án Bệnh viện vệ tinh những năm qua do UBND thành phố triển khai trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến dưới theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Mục đích của đề án Bệnh viện vệ tinh là giúp các cơ sở y tế tuyến dưới nâng cao các kỹ thuật, tiến tới làm chủ và tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, giúp giảm tải cho tuyến trên, nhất là trong bối cảnh cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở tuyến dưới không ngừng được đầu tư, bổ sung; đồng thời giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương mình; góp phần giảm bớt chi phí điều trị, gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.
Để thu hút nguồn nhân lực y tế, nhiều chính sách đã được Thành ủy, HĐND, UBND ban hành và áp dụng. Gần đây nhất, Nghị quyết số 95/2022/NQ-HĐND ngày 15-12-2022 được ban hành với những mức ưu đãi rất cụ thể. Đây là cơ sở quan trọng để Sở Nội vụ thông qua kế hoạch xét tuyển viên chức ngành Y tế theo chính sách thu hút bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố với hàng trăm vị trí việc làm. Việc tuyển dụng bác sĩ sẽ đi kèm với các chế độ thu hút, đãi ngộ. Cụ thể, bác sĩ có trình độ tiến sĩ được hưởng 200 lần mức lương cơ sở; bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hưởng 180 lần mức lương cơ sở; bác sĩ nội trú hưởng 150 lần mức lương cơ sở; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 hưởng 120 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa loại giỏi hưởng 100 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa loại khá hưởng 80 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa (trung bình khá) được hưởng 50 lần mức lương cơ sở.
Với mục tiêu trở thành trung tâm y tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sau khi bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực, các bệnh viện không ngừng triển khai, áp dụng những kỹ thuật mới trong điều trị. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai thành công như: thụ tinh trong ống nghiệm, chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm da kề da... (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng); cắt thùy phôi, cắt phôi, cắt u trung thất, cắt khối tá tụy, cắt gan... (Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng); liệu pháp trắc nghiệm và liệu pháp tâm lý trong điều trị cho trẻ em (Bệnh viện Tâm thần); ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống; ghép thận; kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; ứng dụng kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu (Bệnh viện Đà Nẵng)… Các Bệnh viện chuyên khoa, các Trung tâm Y tế quận, huyện triển khai các kỹ thuật mới, các kỹ thuật chuyển giao như phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn mũi, điện nhĩ châm điều trị liệt dây VII ngoại biên, phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày, phẫu thuật nội soi cắt túi mật…
Nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng
Bên cạnh yếu tố con người, các công trình y tế trên địa bàn thành phố cũng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng theo kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt. Ngoài những dự án bệnh viện tuyến trên do UBND làm chủ đầu tư, các công trình y tế cơ sở do Sở Y tế làm chủ đầu tư cũng đang từng bước thay áo mới, tạo nên sự phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ở tất cả các tuyến, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tính đến nay, thành phố có 1.076 cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 96 cơ sở công lập, 1 bệnh xá, 56 trạm y tế phường, xã, 7 dịch vụ cấp cứu, vận chuyển người bệnh và 980 cơ sở y tế tư nhân.
Sự nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở y tế góp phần quan trọng trong việc gia tăng số giường bệnh phục vụ người dân, giải quyết tình trạng quá tải ở các tuyến. Theo thống kê, đến nay số giường bệnh trên địa bàn thành phố ước đạt 74 giường bệnh/1 vạn dân, cao hơn 2 lần so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.
Trong những năm qua, UBND thành phố tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở y tế. Các dự án như đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2; Nâng cấp cải tạo Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn; Nâng cấp, cải tạo Trung tâm Y tế quận Thanh Khê (giai đoạn 1)... đã và đang được triển khai theo tiến độ. Trước đó, nhiều công trình y tế trọng điểm đã được đưa vào sử dụng như Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh chấn thương và bỏng tạo hình, Bệnh viện Đà Nẵng đã mở ra cơ hội phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu, giúp người bệnh được chăm sóc, điều trị kịp thời.
Đối với các dự án do Sở Y tế làm chủ đầu đơn, đơn vị đã nâng cấp, cải tạo sửa chữa các trạm y tế, trong đó 36 trạm y tế đã hoàn thành đầu tư. Những trạm y tế còn lại đang triển khai các thủ tục cần thiết chuẩn bị thực hiện đầu tư theo lộ trình. Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình cũng được cải tạo, sửa chữa tại các Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Cấp cứu, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn…theo phân cấp bảo đảm yêu cầu phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong những năm qua, UBND thành phố cụ thể hóa trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng, củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống y tế trên toàn địa bàn thành phố. Các chỉ tiêu về y tế cơ sở, cũng như các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe, y tế trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, trung hạn, dài hạn được lồng ghép, triển khai. Ngành Y tế liên tục duy trì, giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Nhìn lại một quá trình, ngành Y tế đã có sự thay đổi vượt bậc. Cùng với những chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật thì các cơ chế, chính sách về khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng cũng được khuyến khích, đẩy mạnh. Các chính sách ưu việt, đặc thù về thu hút nguồn nhân lực theo các nghị quyết, đề án, quyết định, kế hoạch của thành phố đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân…”, bác sĩ Thủy cho biết.
PHAN CHUNG