Năm mươi năm nhìn lại, thành phố Đà Nẵng trong tôi, trong tim mọi người luôn đầy ắp cảm xúc ngỡ ngàng về sự đổi thay, ngập tràn tự hào về những thành quả đã đạt được.
Đổi thay đôi bờ sông Hàn
Sông Hàn bắt đầu từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng. Đi cùng tháng năm, sông Hàn chảy giữa lòng thành phố và chứng kiến những thay đổi diệu kỳ của Đà Nẵng.
Dấu ấn thay đổi đầu tiên của sông Hàn phải kể về câu chuyện những chiếc cầu. Trước đây, cầu Nguyễn Văn Trỗi và chiếc phà trên bến Bạch Đằng bao thập niên cõng nhiệm vụ lớn lao đưa người qua lại “bên ni bên nớ”. Tháng 9-1998, sau khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương hơn một năm, cầu quay Sông Hàn được khởi công và hoàn thành vào ngày 29-3-2000. Cầu Sông Hàn nối đường Lê Duẩn với đường Phạm Văn Đồng xuôi về biển lớn, tạo một vóc dáng thanh tân cho Sơn Trà. Để bây giờ, câu ca dao xưa trở thành cổ tích, Sơn Trà khoác lên mình màu áo mới diễm lệ, như nàng Tiên Sa trở về căng tràn sức sống.
Cùng với cầu Sông Hàn, nhiều cây cầu hiện đại, độc đáo tiếp tục được xây dựng tạo ra một diện mạo mới mẻ cho phố xá: cầu Rồng, Thuận Phước, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Nguyễn Tri Phương… Sông Hàn giờ đây không còn cách trở mà lung linh thơ mộng. Chưa hết, trong mấy thập niên ấy, dòng sông còn chứng kiến sự đổi đời của hàng trăm hộ dân vạn chài sống trong nhà chồ nhếch nhác, tạm bợ. Bây giờ đứng bên này sông nhìn sang, sự đổi thay kỳ diệu cho chúng ta cảm giác ngỡ ngàng như trong mơ.
Bên bờ tây sông Hàn, trong ký ức người Đà Nẵng là đường Bạch Đằng cũ từ cổ viện Chàm về Thuận Phước với những địa danh quen thuộc như bến phà, bến củi, bến cá cùng những mái nhà xiêu vẹo run bần bật khi đông về. Đến nay đường Bạch Đằng mở rộng tráng lệ. Khá khen cho những người làm công tác quy hoạch kiến trúc đã mở rộng về phía sông mà không lấn dòng chảy, tạo ra nhiều điểm nhấn ấn tượng mà vẫn giữ nguyên được khung cảnh phố xá gắn liền với kỷ niệm lâu đời của người dân thành phố. Và sông Hàn thực sự diễm lệ trong những đêm trình diễn pháo hoa quốc tế. Trong những giai điệu du dương hữu tình, dòng sông đầy hoa đăng lững lờ trôi lung linh sắc màu, rồi những màn pháo hoa đặc sắc mê đắm lòng người, cảm giác như cánh đồng hoa bạt ngàn vươn lên từ lòng sông, trổ những nhành hoa rực rỡ sắc màu trên bầu trời cao rộng.
Cùng với sự đổi thay ngỡ ngàng đôi bờ sông Hàn, ranh giới đô thị Đà Nẵng không ngừng được mở rộng. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ, các khu dân cư mới được quy hoạch khang trang, hiện đại. Với sức mạnh đồng thuận, Đà Nẵng làm được những việc mà trước đó ít ai dám nghĩ: giải tỏa hàng vạn ngôi nhà để mở những tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng Đông, Sơn Trà - Điện Ngọc, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Sa, thu hồi chuyển đổi hàng nghìn hecta đất để mở rộng các khu đô thị Tây Bắc; Nguyễn Tri Phương - Trường Sa, Thuận Phước, Bắc Mỹ An, Hòa Hải, Hòa Quý…
Trong sự đổi thay đó, xin dành đánh giá đặc biệt nhất cho sự đổi thay của đôi bờ sông Hàn. Như Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận: “Trên thế giới, các thành phố lớn của nhiều nước phát triển như Nga, Pháp, Ý, Úc, Anh đều có các con sông làm điểm nhấn tạo nên văn hóa và bộ mặt đô thị. Trong khi tại Việt Nam, những con sông làm nên cảnh quan của thành phố chưa nhiều, chỉ mới có sông Hàn - Đà Nẵng là nổi trội hơn cả”.
Những câu chuyện tình người
Đầu thập niên tám mươi thế kỷ trước, tôi từ quê Quảng Nam ra Đà Nẵng học trung học phổ thông. Sau mấy năm đi học xa, tôi lại về đây công tác cho đến bây giờ, tính ra phần lớn cuộc đời tôi gắn bó với thành phố này.
Cũng thời gian ấy, Đà Nẵng lặng lẽ làm tất cả những điều có thể để thực hiện sứ mệnh phục vụ dân sinh bằng những câu chuyện thấm đẫm tình người. Sau thời điểm trực thuộc Trung ương (1997), cùng với việc mở mang phố xá, Đà Nẵng ghi thêm nhiều dấu ấn đậm nét về các chương trình an sinh xã hội ấn tượng và độc đáo. Đà Nẵng không chỉ xây dựng thành phố yêu thương của mình bằng việc mở mang phố xá, tạo dựng nơi ăn chốn ở ổn định cho dân, mà như ai đó đã nhận xét: Đà Nẵng đã từng xây dựng được những giá trị nhân văn mới, luôn khao khát vươn tới mục đích vì chất lượng cuộc sống. Đó là những chủ trương “5 không - 3 có” (không có người đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của giết người); hỗ trợ ngư dân bám biển; hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; trải thảm đỏ thu hút nhân tài; lập Quỹ vay vốn dành cho phụ nữ nghèo bị nạn bạo hành gia đình; cấp tiền cho những người hành nghề xe ôm ăn Tết…
Có thể nói, với cách làm rất riêng như vậy, Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thành phố hấp dẫn và đáng sống. Tiếp đó, thành phố thực hiện “Năm Văn hóa văn minh đô thị”, xây dựng thành phố “4 an” (An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn vệ sinh thực phẩm và An sinh xã hội). Để thực hiện tốt mục tiêu này, từ lãnh đạo thành phố đến các sở, ban, ngành quyết liệt cải cách hành chính; tạo ra nhiều kênh thu nhận thông tin. Sự “tương tác” với dân được lãnh đạo thành phố, qua nhiều nhiệm kỳ, đã cụ thể bằng những chủ trương, quyết sách và cách làm cụ thể. Thế mới có chuyện Đà Nẵng nhanh chóng xử lý từ việc nhỏ như vá víu viên gạch lát đường, xóa từng ổ gà, lát lại từng tấm đanh gập gềnh nơi hè phố đến việc xử lý các vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, điều chỉnh quy hoạch dự án cho phù hợp cảnh quan chung…
Những việc làm thiết thực, nghĩa cử đẹp đẽ ấy đã lay động trái tim người Đà Nẵng, người xa xứ, du khách thập phương. Và rồi, như dòng chảy tự nhiên của cuộc sống, lời khen tặng dành cho Đà Nẵng lại thôi thúc mọi người nuôi dưỡng lòng tự hào, góp sức xây dựng thành phố ngày càng khang trang, tươi đẹp hơn.
Trong hành trình xây dựng phát triển, nhiều câu chuyện cảm động về tình người Đà Nẵng luôn làm nức lòng người dân và khách thập phương. Đặc biệt, trong ba năm 2020-2021-2022, Đà Nẵng hứng chịu hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19. Trước khó khăn chồng chất và diễn biến xấu chưa hề có tiền lệ, lãnh đạo thành phố đã có những quyết sách kịp thời, vững tin chèo lái con thuyền vượt cơn sóng cả. Lãnh đạo và người dân Đà Nẵng không chỉ lo thành phố mình, mà còn góp phần lo cho đồng bào mình trong cơn khó khăn, hoạn nạn. Khi từng đoàn người từ phía nam hồi hương đi qua địa phận Đà Nẵng, dừng chân ở đây để chuẩn bị tiếp tục hành trình vượt đèo hoặc xuyên hầm Hải Vân ra Bắc, người Đà Nẵng không quản ngại gian khổ, hiểm nguy do thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh hoành hành, đã thức trắng đêm để đưa đón, chăm sóc người hồi hương.
Bên vệ đường, dưới những mái hiên, người dân chăm chút từng ổ bánh mì, bát cháo, gói mì ăn liền, chai nước suối cho bà con. Có cô gái mười tám đôi mươi dùng tiền tiết kiệm, tiền cha mẹ cho để mua xe máy mới thay xe rách nát; có những tốp sinh viên lặn lội đêm khuya mưa gió hì hục sửa xe cho bà con tiếp tục chặng đường dài; có những đội thanh niên mua sắm, chu cấp lương thực thực phẩm rồi dùng ô-tô đưa sản phụ, trẻ sơ sinh về quê an toàn. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, dù hết sức bận rộn công việc, vẫn dành thời gian quý báu đến với bà con, trực tiếp trao những phần quà nồng ấm tình nghĩa; đích thân tiễn bà con đoạn vượt hầm Hải Vân ra Bắc… Những câu chuyện, những hình ảnh chân thực, đầy ắp tình người từ Đà Nẵng làm xúc động bao người, góp phần xoa dịu nỗi đau do đại dịch, sẽ còn ở lại rất lâu trong tâm khảm mọi người.
Không chỉ trong ba năm chống dịch mà trong nhiều thập kỷ qua, Đà Nẵng từng căng mình chống chọi bao thời khắc khó khăn nhưng thành phố này chưa bao giờ nản lòng. Đại dịch, hay nỗi buồn lo nào rồi cũng đi qua, thành phố sẽ vững vàng vươn lên với sức bật mới. Đó không phải ngoa ngôn hay kỳ vọng hão huyền mà chính là thấu hiểu, vận dụng, ứng phó linh hoạt quy luật vận hành của cuộc sống và sự phát triển.
Những động lực mới
Trong quá trình xây dựng phát triển thành phố, Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ từ Trung ương. Năm 2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó định hướng: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”. Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Và mới đây nhất, ngày 13-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Đây là văn kiện và là động lực mới rất quan trọng để Đà Nẵng tiếp tục có được những kế hoạch hành động phù hợp, những bước đi đúng hướng với tư duy bứt phá mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm tiếp tục thực hiện những quan điểm chỉ đạo, những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Tiếp theo đó, ngày 26-6-2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết này có vị trí và ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình phát triển thành phố Đà Nẵng, là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng, là nền tảng vững chắc để mở ra nhiều cơ hội, động lực mới và các chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố, tạo ra các đột phá để thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Với tất cả lòng tự hào khi nhìn lại chặng đường phát triển thành phố trong nửa thể kỷ qua và chặng đường sắp tới của Đà Nẵng, chúng ta tin tưởng rằng, bằng trí tuệ, nhiệt huyết, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tình yêu Đà Nẵng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.
Năm mươi năm nhìn lại, thành phố Đà Nẵng trong tôi, trong tim mọi người luôn đầy ắp cảm xúc ngỡ ngàng về sự đổi thay, ngập tràn tự hào về những thành quả đã đạt được. Trong dòng chảy cuộc sống, với động lực, sức bật mới, bao kỳ vọng ấp ủ sẽ đơm hoa kết trái trong tương lai sẽ tô điểm thêm cho Đà Nẵng ngày càng đẹp đẽ, rạng rỡ, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN ĐỨC NAM