Tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm tài chính quy mô khu vực được định hướng là một trong ba trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.
![]() |
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên phải) và đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam trao biên bản ghi nhớ tại hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” vào ngày 16-1-2025. Ảnh: M.LÊ |
Nhiều điều kiện thuận lợi
Là thành phố biển với vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, Đà Nẵng được xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực miền Trung - Việt Nam, là thành phố cảng biển chiến lược, một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Hành lang kinh tế Đông Tây và được thí điểm thành lập khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, cảng Đà Nẵng là cảng biển container lớn nhất miền Trung với bến Liên Chiểu được quy hoạch là cảng trung chuyển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu đến 18.000 TEU (200.000 DWT).
Đà Nẵng còn có điều kiện thuận lợi về kết nối giao thông quốc tế khi có Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng nằm ngay trong trung tâm thành phố và đạt tiêu chuẩn 5 sao của Skytrax, kết nối trực tiếp với 35 thành phố thuộc 11 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều trung tâm kinh tế - tài chính toàn cầu của khu vực châu Á với tần suất khai thác trung bình trên 50 chuyến/ngày.
Nhờ điều kiện tự nhiên và hạ tầng thuận lợi, Đà Nẵng là thành phố du lịch có tiếng trong khu vực, đón trên 4 triệu lượt khách quốc tế hằng năm. Hiện Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch các bến du thuyền quốc tế, tăng cường giao thông kết nối và trải nghiệm của doanh nhân và du khách thuộc tầng lớp chi tiêu cao. Thành phố còn được định hướng để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, gắn với những xu thế công nghệ mới, hiện đại như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây… Trên cơ sở tiềm năng, thuận lợi trên, ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 47-TB/TW đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
TS. Đặng Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, cho biết Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng. Đây là định hướng phù hợp với thực tiễn phát triển và thời cơ mới từ việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phát huy được các điều kiện, lợi thế của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, đáp ứng sự quan tâm của các tổ chức, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế đặt ra khi nghiên cứu đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, mở ra triển vọng đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính - công nghệ của quốc gia, khu vực.
Về mô hình chung, Trung tâm tài chính Đà Nẵng dự kiến tập trung 3 nhóm dịch vụ: thứ nhất, cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh, trong đó có các dịch vụ tài chính gắn liền với sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Thứ hai, là các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain… Thứ ba là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng…
Chủ động các giải pháp
Chỉ trong vòng hai tháng từ khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW, Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan để góp ý dự thảo kế hoạch hành động về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Ngày 3-1-2025, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Quyết định số 13111-QĐ/TU về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Ban chỉ đạo 47). Chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là giúp Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời, toàn diện, đầy đủ, hiệu quả Thông báo kết luận số 47-TB/TW.
Thành phố đã rà soát chuẩn bị các hạ tầng xây dựng trung tâm tài chính, trước mắt kêu gọi nhà đầu tư chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng trung tâm tài chính trên diện tích khoảng hơn 6ha tại quận Sơn Trà hướng ra biển. Vị trí này được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đã nằm trong quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, thành phố chuẩn bị xây dựng đề án, chương trình đào tạo, liên kết với các cơ sở đào tạo quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng; xây dựng kế hoạch cử các cán bộ của thành phố Đà Nẵng học tập kinh nghiệm, thực tập tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới.
Đặc biệt, ngày 16-1-2025, UBND thành phố phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam”, qua đó giới thiệu chủ trương, định hướng phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, quảng bá các tiềm năng, điều kiện thuận lợi của trung tâm tài chính tại Việt Nam cũng như tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý, nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức, định chế tài chính, các quỹ đầu tư, công ty tư vấn cùng các chuyên gia trong và ngoài nước về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện thành phố Đà Nẵng và các đối tác quốc tế trao các biên bản ghi nhớ hợp tác. Cụ thể, UBND thành phố và Quỹ Đầu tư Makara Capital (Singapore), Tập đoàn Terne Holdings (Singapore); UBND thành phố và Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và các đối tác: Học viện TMC (Singapore), Đại học Yuan Ze (Đài Loan, Trung Quốc), Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW).
Ông Andy Khoo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Terne Holdings (Singapore), đề xuất, khác với Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào thị trường vốn, Trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể chuyên sâu vào tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại và đổi mới fintech, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu. Đối với tài chính xanh, Trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này bằng cách phát hành trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững.
Với các chính sách khuyến khích đổi mới, Trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể thu hút các nhà đầu tư và các công ty công nghệ tài chính toàn cầu, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới fintech trong khu vực. Trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu tài chính thương mại mới và tạo điều kiện cho dòng vốn di chuyển xuyên biên giới một cách liền mạch.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng không chỉ là biểu tượng sự thịnh vượng của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu. Từ hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Đà Nẵng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành, huy động nguồn lực đầu tư và phát triển trung tâm tài chính. Thành phố Đà Nẵng cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống. Thành phố cũng cần tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại trung tâm tài chính của các địa phương.
MINH LÊ