1. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt nguồn từ sự ra đời động cơ hơi nước - thúc đẩy cơ khí hóa quá trình sản xuất (cuối thế kỷ XVIII). Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện để tạo ra nền sản xuất hàng loạt vào 30 năm cuối của thế kỷ XIX. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ XX với sự ra đời của điện tử và công nghệ thông tin - thúc đẩy tự động hóa sản xuất. Các cuộc Cách mạng công nghiệp đã tạo ra một năng suất lao động ngày càng cao, của cải được sản xuất ngày càng nhiều, máy móc thay thế con người vào trong rất nhiều công đoạn của sản xuất.
![]() |
Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Khác với 3 cuộc Cách mạng công nghiệp trước, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội, hình thành và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tư liệu sản xuất không chỉ là máy móc, nhà xưởng mà đã bao gồm tri thức của loài người, trí tuệ của con người, trí tuệ nhân tạo (AI), là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số, in-tơ-nét vạn vật (IOT), cảm biến, dữ liệu lớn (big data), bằng sáng chế, phát minh, giải pháp công nghệ, bản quyền, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, lợi thế thương mại, ... là sản phẩm của quá trình đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo bao gồm các tiến trình phát triển các hoạt động nghiên cứu, phát triển các phát minh, sáng chế về công nghệ gắn liền với vai trò của các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, hoạt động trong hệ thống chính sách, thể chế tài chính, kết cấu hạ tầng giáo dục, truyền thông và các điều kiện của thị trường thuận lợi, gắn với trình độ phát triển của doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo giữ vai trò quyết định trong phát triển tư liệu sản xuất, phát triển nguồn lực về con người và là động lực chính để đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, là chìa khóa giúp Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên.
2. Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kết luận số 79-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, đều xác định mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 là “ Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”.
Thành phố Đà Nẵng kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương đến nay đã có những bứt ngoạn mục trong phát triển kinh tế xã hội. Theo báo cáo thông kê năm 2024, quy mô nền kinh tế thành phố theo giá hiện hành ước đạt hơn 151.307 tỷ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023. Tốc độ tăng GRDP ước đạt 7,51%. Thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, khách du lịch quốc tế, được coi là một thành phố đáng sống của Việt Nam. Để bước vào giai đoạn phát triển mới, cần xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội. Đã đến lúc thành phố Đà Nẵng cần phải thay đổi mô hình phát triển, trong đó lấy kinh tế trí thức làm chìa khóa, động lực để phát triển.
Chủ trương xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, xem đây là khâu đột phá hàng đầu, là động lực tạo ra sự thay đổi vượt bậc cho giai đoạn tiếp theo sau thời kỳ Đà Nẵng có những phát triển bứt phá, không chỉ phù hợp về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ( những đặc trưng cơ bản của xã hội chủ nghĩa), mà còn sát đúng với tình hình thực tế của Đà Nẵng, phát triển đô thị trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Như đã phân tích ở phần trên, khoa học công nghệ đã, đang và sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Sản phẩm của đổi mới sáng tạo sẽ trở thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất và làm thay đổi phương thức sản xuất. Kinh tế tri thức và kinh tế đô thị sẽ trở thành động lực chính, nguồn lực cơ bản, lâu dài, bền vững cho sự phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng có nhiều điều kiện để phát triển trở thành đô thị đổi mới sáng tạo. Đó là lực lượng lao động trẻ, có trình độ, lực lượng lao đông qua đào tạo chiếm 49,3% lực lượng lao động, hệ thống gồm 37 trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu, có một chính quyền năng động, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại và tươg đối hoàn chỉnh. Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngày 14 tháng 1 năm 2025, Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 154/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo” với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cho từng nội dung : Tạo lập môi trường cho đổi mới sáng tạo; Khởi nghiệp sáng tạo; Phát triển tài sản trí tuệ; Phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống đổi mới sáng tạo. Đồng thời đề ra 8 giải pháp gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Giải pháp về cơ sở hạ tầng; Giải pháp về huy động nguồn vốn; Giải pháp về truyền thông; Giải pháp về phát triển đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Giải pháp về phát triển các ngành, lĩnh vực chủ chốt và giải pháp để nâng cao bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương. Các lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy đổi mới sáng tạo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, dịch vụ, không có lĩnh vực về văn hóa.
Đây là một quyết định kịp thời, là cơ sở để các ngành xây dựng kế hoạch thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, đáng sống, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
3. Xây dựng mô hình đô thị đổi mới sáng tạo là một nhiệm vụ lâu dài, nhất quán, được triển khai đồng bộ với các nhiệm vụ khác và yêu cầu nguồn lực ban đầu khá lớn. Để Đà Nẵng có thể trở thành đô thị đổi mới sáng tạo, lấy đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức là động lực phát triển, cần phải :
Thứ nhất, tranh thủ và tận dụng cơ hội mà Nghị quyết số 57-NQ/TW tạo ra.
Nghị quyết 57 được xem là “ Khoán 10” trong khoa học công nghệ. Khoán 10 là cách gọi vắn tắt của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. 57-NQ/TW đã đề ra các quan điểm cơ bản đổi mới toàn diện về quản lý phát triển khoa học công nghệ, xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, quản trị quốc gia; quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; quan điểm về hoàn thiện thể chế để mở đường, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là nội dung cốt lõi.
57-NQ/TW sẽ thúc đẩy nền kinh tế chuyển nhanh từ mô hình dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình phát triển dựa trên tri thức, công nghệ góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Đồng thời mở ra cơ hội để Việt Nam cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và chuyển đổi số, đưa đất nước trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.
Tận dụng tốt cơ hội mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đem lại Đà Nẵng sẽ có cơ hội bứt phá về phát triển kinh tế xã hội từ sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Những cơ hội mà Đà Nẵng có thể tận dụng đó là: tinh thần khởi nghiệp, khát khao đổi mới sáng tạo của toàn xã hội; các chính sách về đất đai, đầu tư, tài chính được cởi trói theo tinh thần giao quyền tự chủ; chấp nhận rủi ro, mạo hiểm đối với các dự án thử nghiệm, các ý tưởng đổi mới sáng tạo; chính sách đầu tư cho công nghệ chiến lược (Đà Nẵng đang là một trong các địa phương đi đầu); hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu quốc gia, hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm; chính sách đào tạo và thu hút nhân tài (Một số chính sách đã được Đà Nẵng thực hiện trước đây sau đó phải bỏ vì quy định của Trung ương); chính sách hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển đổi số, ứng dụng thử nghiệm các ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, tạo ra trào lưu hay phong trào cải tiến, đổi mới trong toàn xã hội. Cần có mỗi ngành, mỗi người đều có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, cải tiến quy trình thủ tục ở mọi khâu. Cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ để tinh thần cải tiến thấm vào từng người dân bất kể là nhà nghiên cứu hay chỉ là người công nhân, người buôn bán nhỏ. Hình thành các trung tâm tiếp nhận sáng kiến, đánh giá sáng kiến, địa chỉ ứng dụng ý tưởng công nghệ và vinh danh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, đổi mới cách thức đào tạo nguồn nhân lực theo hướng người học chủ động, có chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, tại các trường Đại học ở Đà Nẵng. Hỗ trợ Đại học Đà Nẵng và các trường Đại học trên địa bàn trong các nghiên cứu khoa học của sinh viên, giáo viên. Chủ động thực hiện lựa chọn các công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để chuyển giao áp dụng cho Đà Nẵng. Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến của các sự kiện khoa học quốc tế như: triển lãm thành tựu khoa học công nghệ, trình diễn các ý tưởng sáng tạo, hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành, gặp gỡ các nhà khoa học tiên phong, các nhà khoa học trẻ triển vọng, các doanh nghiệp khởi nghiệp và ứng dụng giải pháp công nghệ mới... Hoàn thành mục tiêu giáo dục thông minh và đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của người dân thành phố Đà Nẵng.
Thứ tư, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dữ liệu lớn ở khu vực vừa làm nền tảng cho xây dựng đô thị thông minh, vừa làm cơ sở cho các nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng Đà Nẵng là thành phố có môi trường sống có chất lượng cao, có không gian an toàn thân thiện với môi trường, có chất lượng dịch vụ đô thị có thể xếp hạng “ sao” nhằm từng bước hiện thực mô hình đô thị đáng sống.
TS ĐẶNG VIỆT DŨNG
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực
UBND thành phố Đà Nẵng