Đà Nẵng kiến nghị Trung ương, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cùng các quy hoạch đã được phê duyệt

ĐNO - Chiều 29-3, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2020-2025.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung. Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc.

Nhiều kết quả nổi bật

Báo cáo với Tổng Bí thư, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, thời gian qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và đạt nhiều kết quả tích cực.


Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 10, thành phố tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đúc rút từ thực tiễn của thành phố về “Xây dựng mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa - nhìn từ thực tiễn thành phố Ðà Nẵng” và rút ra “6 đặc trưng” về con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố trong thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa tại Đà Nẵng theo tiêu chí “5 cao” và “3 bền vững”.

Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và bổ sung vào Văn kiện Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố. Quốc phòng - an ninh chính trị của thành phố được giữ vững ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo được môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW và Kết luận số 118-KL/TW. Công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp được chủ động triển khai sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp thực tiễn thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kế hoạch số 269-KH/TU về triển khai Đề án số 09-ĐA/TU.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành theo đúng yêu cầu và chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, trước khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ban hành, trong giai đoạn 2019-2024, thành phố đã ban hành khoảng 70 chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển tài sản trí tuệ, chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin.

Đặc biệt, thành phố đã đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 với 7 nhóm chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay các chủ trương của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo 57 và ban hành 25 văn bản có liên quan để triển khai thực hiện; ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Thông báo số 01-TB/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương.

Về lĩnh vực trọng điểm ưu tiên đầu tư, thành phố đã tăng cường đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch; xây dựng Đề án Phát triển chip vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn. Hiện nay, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đã được đầu tư hoàn thiện và nghiên cứu mở rộng. Thành phố có 4 khu công nghệ thông tin tập trung diện tích 140,8 ha với hơn 10.000 người làm việc.

Đặc biệt, thành phố đã đầu tư gần 1.400 tỷ đồng để xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn làm việc là 92.000m2; xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút nhiều doanh nghiệp về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như: Marvell, FPT, Mixel, Synopsys và 19 doanh nghiệp khởi nghiệp đã đăng ký.

Thành phố đã quyết định đầu tư Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trị giá trên 500 tỷ đồng để phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố cùng với 3 khu công nghệ thông tin vốn ngoài ngân sách đang thực hiện đầu tư. Sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, thành phố chỉ đạo bố trí nguồn lực, tập trung xúc tiến đầu tư đối với các dự án như: Phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất quy mô nhỏ công nghệ đóng gói tiên tiến vi mạch bán dẫn (Lab-Fab), phòng Lab về trí tuệ nhân tạo, thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu lớn.

Về xây dựng Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng, thực hiện Thông báo kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo và chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) tham mưu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Theo đó, thành phố đã có quy hoạch các quỹ đất sạch hơn 16 ha và có khả năng mở rộng thêm 62 ha. Thành phố đang triển khai các nhiệm vụ về thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng khu Trung tâm tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là bộ máy quản lý Trung tâm tài chính.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng nêu kiến nghị tại buổi làm việc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng nêu kiến nghị tại buổi làm việc.

Nhiều kiến nghị của Đà Nẵng đến Trung ương

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, đề nghị Bộ Chính trị cho phép thành phố Đà Nẵng (sau khi thực hiện hợp nhất, hình thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ các định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024, Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố cùng các quy hoạch đã được phê duyệt của 2 địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, theo Bí thư Thành ủy, Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19-2-2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới đề cập đến một số cơ chế nhỏ trong sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, như: giao đất trực tiếp, không thu tiền sử dụng đất; quyết định chủ trương đầu tư theo thủ tục đặc biệt; sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt để trọng dụng và thu hút nhân tài trong một số ngành, lĩnh vực mà Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định; thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, sàn giao dịch vốn của công ty khởi nghiệp sáng tạo.

Liên quan đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và cần có tư duy, quan điểm vượt qua các quy định hiện nay để thể chế hóa tại Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam với các cơ chế đặc thù, đột phá.

Đó là cho phép thành viên trong Trung tâm tài chính được đầu tư, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài khi thành viên trung tâm tài chính tuân thủ quy định về chế độ báo cáo; cho phép các cơ quan quản lý và giám sát Trung tâm tài chính được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt; cho phép thí điểm giao dịch trong Trung tâm tài chính các tài sản mã hóa, đồng tiền mã hóa phổ biến trên thị trường, vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao; thí điểm giao dịch, thanh toán một số dịch vụ du lịch, thương mại bằng tiền mã hóa...

NGỌC PHÚ – XUÂN HẬU – QUỐC CƯỜNG

 

;
;
.
.
.
.
.