Cuộc thi viết "Đà Nẵng ngày mới"

Phước ở cuối sông

19:04, 04/06/2021 (GMT+7)

LTS: Chào mừng 25 năm ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 - 1-1-2022), Báo Đà Nẵng tổ chức cuộc thi viết “Đà Nẵng ngày mới” và khởi đăng các tác phẩm dự thi trên Báo Đà Nẵng cuối tuần từ số báo ngày 6-6-2021.

Ban Tổ chức cuộc thi rất mong nhận được sự tham gia của các cây bút chuyên và không chuyên trên cả nước để cùng chia sẻ những nghĩ suy về một Đà Nẵng luôn có sự đồng hành, chung tay của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong các chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển thành phố trong 25 năm qua; những cảm xúc về một Đà Nẵng đồng thuận, an bình, văn minh, hiện đại, đáng sống và sự kiên cường, nhân văn, sáng tạo, trọn nghĩa vẹn tình trong những lúc trải qua thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...

Do đăng tác phẩm dự thi nên cơ cấu trang Báo Đà Nẵng Cuối tuần có sự thay đổi. Mong quý bạn đọc thông cảm.

Đêm. Tôi thả những bước chầm chậm trên hành lang dành cho người đi bộ trên cầu Thuận Phước. Từng cơn gió nồm từ phía Hòn Chảo lùa vào mát rượi. Đứng trên lan can cầu nhìn xuống dòng Hàn giang phẳng lặng, êm đềm với vô vàn tòa nhà lung linh trên mặt nước đầy sắc màu rực rỡ....

Cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng bắc qua hai bờ sông Hàn - được thông xe vào tháng 7-2009. Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH
Cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng bắc qua hai bờ sông Hàn - được thông xe vào tháng 7-2009. Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH

Vào những năm cuối của thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi đã gắn bó với vùng sình lầy của cửa sông Hàn. Dẫu chẳng muốn nghĩ lại những tháng ngày khó khăn, chật vật nhưng sao vẫn thấy nhớ.

Cái rẻo đất cuối sông Hàn cũng giống như con người bao đời phải trải qua không ít thăng trầm. Tôi từng nghe những người cao niên của khối Đa Phước kể rằng, nơi đây ngày xưa là các bãi lầy, cồn cát chang chang, chỉ có những bụi xương rồng tua tủa gai mới đủ sức bền bỉ, dẻo dai cùng nắng gió, không một mái nhà, không lối đi, đêm ngày chỉ ì ầm sóng biển.

Trận lụt năm Giáp Thìn 1964 đã bồi đắp một cái cồn cát khá lớn, dân gian gọi là Cồn Áng. Thế là một số bà con nghèo đánh bắt ven bờ ở các nơi kéo về dựng nhà ván, nhà chồ để làm nghề mành chà, rớ rọ kiếm cơm qua ngày.

Dần dà, người mỗi lúc thêm đông, những ngôi nhà tạm bợ cũng mọc lên nhiều hơn để rồi trở thành khối phố Đa Phước của phường Thiệu Bình, thị xã Đà Nẵng. Tuy có chữ “phố” chứ thực ra chỉ là một cụm dân cư quẩn quanh bên bờ biển như chính cuộc đời bao số phận vất vả khó khăn của họ. Từ nơi ăn, chốn ở đến sinh hoạt lạc hậu nên cái nghèo luôn đeo bám.

Chỉ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, người dân Đa Phước mới bắt đầu đổi khác ít nhiều. Đó là nghe, còn những chuyện tôi thấy, nếu bây giờ nhớ lại để so sánh, chắc có lẽ phải dùng từ “kỳ tích” cũng không quá. Khi tôi đến nơi này, khối phố vẫn cái tên Đa Phước (nhiều phước) như vậy nhưng phường lại mang tên Thuận Phước mỹ miều.

Đa Phước vẫn là khối phố, đúng hơn một khu dân cư với những nếp nhà cấp 4 lè tè đơn sơ, còn dưới vịnh nước đen đục cong cong hình lưỡi liềm lô nhô những căn nhà chồ tuềnh toàng, xơ xác cùng các chiếc ghe của hàng chục gia đình không có một tấc đất trên bờ nên quanh năm phải bồng bềnh trên mặt vịnh. Nếu không tận mắt chứng kiến một vùng cát cằn cỗi của Đa Phước một thời đã qua thì không thể nào biết được những bước đi lên để có chiếc áo hoa rực rỡ về kết cấu hạ tầng như hiện tại…

Một góc phố mới Tân Phước.  Ảnh: THÁI MỸ
Một góc phố mới Tân Phước. Ảnh: THÁI MỸ

Sáng đầu hè, tôi đứng trong khuôn viên thảm cỏ xanh mướt hít thở khí trời trên dòng kênh kín đầy bóng cây. Dòng kênh ngầm rộng lớn nằm giữa hai con đường Nguyễn Văn Thủ và Nguyễn Hữu Cảnh bây giờ không ai còn trông thấy dòng nước đen ngòm từ thủy cục, Đầm Rong đầy nhặng muỗi vo ve, song bất chấp mùi hôi hám, các ghe nhỏ của bà con cửu vạn tha hương vẫn níu giữ làm chỗ neo đậu mỗi khi sóng xô, gió giật. Sức chịu đựng của họ bỗng trở nên phi thường khi hoàn cảnh khốn cùng bắt buộc.

Không thể chấp nhận cảnh ăn ở nhếch nhác, tạm bợ của bà con xa xứ trên dòng kênh như vậy, chính quyền phường Thuận Phước đã tổ chức phương tiện đưa họ về lại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên để ổn định cuộc sống, con cái của họ cũng có điều kiện cắp sách đến trường. Thế rồi dăm bữa, nửa tháng, ghe của họ lại tròng trành trên dòng kênh. Hỏi ra mới biết, cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp, ghe thuyền không thể ra vào bắt con tôm, con cá chạy chợ nuôi con nên đành liều vào lại Đà Nẵng.

Khi dự án đường Liên Chiểu - Thuận Phước triển khai, vịnh Đa Phước cũng bắt đầu rầm rộ xe đào, máy xúc. Kiểu san lấp “2 trong 1” đầu tiên tại Đà Nẵng lúc đó là hút bùn cát nơi cửa sông phun vào vùng thấp trũng, vừa có mặt bằng xây dựng nhà cửa, vừa nạo vét luồng lạch cho tàu bè vào cảng dễ dàng. Đường sá nhanh chóng hình thành nơi eo vịnh, tái định cư cho hơn 400 hộ, xây 8 khối nhà chung cư 3 tầng bố trí cho 288 hộ thuộc diện giải tỏa làm đường Nguyễn Tất Thành. Thế là khối phố mới lấn biển ra đời có tên Tân Phước để sánh đôi cùng Đa Phước.  

Cồn Áng ngày xưa ở ngay đường dẫn phía tây cầu Thuận Phước và xung quanh đó là những chòi rớ côi cút giữa biển nước của người Đa Phước mưu sinh. Cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam với vốn đầu tư khổng lồ vắt ngang cửa Hàn càng làm cảnh quan giao thoa sông - biển thêm phần hiện đại. Cũng phía cửa sông này, nhiều tòa nhà của Khu công viên phần mềm số 2 đang từng ngày thêm cao vút để về đích đúng hẹn.

Hầu hết những người dân chài lưới gần bờ Đa Phước đã chuyển đổi nghề để có thu nhập tốt hơn so với cậy nhờ vào biển từ tư liệu sản xuất nhỏ lẻ. Bao phận người lấy ghe thay nhà, kể cả những gia đình chông chênh trên dòng kênh ngày ấy đã bước lên bờ với các mái nhà ấm áp. Cuộc sống ngày càng đi lên cùng với sự phát triển năng động của thành phố.

Tiếng chuông nhà thờ Ngọc Quang bên chân cầu Thuận Phước ngân lên rộn rã đều đặn vào lúc phía đằng đông ửng hồng của ngày mới bắt đầu. Trên các con đường thân quen lại thấp thoáng bóng người về nơi hội tụ tín ngưỡng thiêng liêng để cầu mong bao điều tốt đẹp cho cuộc sống. Đó chính là niềm khát khao, mong mỏi của bao người từ rẻo đất có nhiều tên phước ở cuối dòng sông.

Cuộc thi viết “Đà Nẵng ngày mới” chào mừng 25 năm ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 - 1-1-2022). Thể loại: tản văn, tùy bút, tạp bút không quá 1.200 chữ; nhận bài dự thi đến hết ngày 31-12-2021. Tác phẩm dự thi ghi rõ: Bài dự thi viết “Đà Nẵng ngày mới” gửi về Báo Đà Nẵng, số 33 Lê Lợi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ngoài bì thư ghi: Tham gia cuộc thi viết “Đà Nẵng ngày mới”; hoặc gửi tác phẩm qua địa chỉ email: thivietdanangngaymoi@gmail.com

THÁI MỸ

 

.